Chuyện dọc đường

SEA Games và câu chuyện hạnh phúc ở "ao làng"

20/05/2023, 10:45

Dù vẫn bị gắn mác “ao làng” nhưng không thể phủ nhận SEA Games vẫn là khao khát, là hạnh phúc của hàng ngàn VĐV.

SEA Games 32 đã kết thúc với nhiều ấn tượng thú vị về lần đầu tiên tổ chức của nước chủ nhà Campuchia.

img

Nguyễn Thị Oanh giành 4 HCV SEA Games 32, nhận thưởng ước tính hơn 2 tỷ đồng

Sau những màn tranh tài sôi nổi, câu chuyện tiền thưởng dĩ nhiên là chủ đề được quan tâm nhiều nhất.

Vị trí nhất toàn đoàn cùng 136 HCV, 105 HCB, 118 HCĐ giúp Đoàn TTVN nhận khoảng 36 tỷ đồng tiền thưởng từ ngân sách Nhà nước, chưa kể nguồn xã hội hóa.

VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh nhận hưởng cao nhất Đoàn TTVN bởi ngoài 180 triệu tiền ngân sách, cô còn được tặng 1 căn hộ, 1 xe ô tô cùng nhiều phần quà khác nhau.

Ngặt nỗi, Oanh không đại diện cho tất các VĐV Việt Nam tham dự SEA Games 32, còn rất nhiều VĐV tay trắng trên đất Campuchia, trở về không có sự chào đón.

Thậm chí, nhiều tấm huy chương cũng chẳng nhận được sự quan tâm của dư luận.

Thế mới thấy, nếu coi hào quang SEA Games là hạnh phúc thì hạnh phúc này giống như một tấm chăn hẹp, không đủ đem lại sự ấm áp cho tất cả mọi người.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là hàng ngàn VĐV Việt Nam hay các quốc gia trong khu vực coi nhẹ SEA Games.

Tin rằng, bản thân mỗi người trong số họ đều chưa từng coi SEA Games là “ao làng”, họ thậm chí coi đây là cơ hội đổi đời bằng thành tích xuất sắc.

1 VĐV trẻ có thể bước ra ánh sáng, trở thành ngôi sao sau mỗi kỳ Đại hội.

Quan trọng hơn, đa phần VĐV không thể hướng tới các đấu trường lớn như ASIAD, Olympic nên SEA Games đôi khi là mục tiêu cả sự nghiệp của họ.

Có SEA Games, VĐV sẽ được đầu tư thêm tiền ăn, tiền công và đương nhiên có cơ hội nhận thưởng.

Năm 2021, do dịch bệnh mà Việt Nam không thể tổ chức Đại hội lần thứ 31, cuối năm VĐV ai cũng kêu… đói.

Qua câu chuyện ở đầu bài viết, rõ ràng không phải ai cũng hạnh phúc sau SEA Games.

Nhưng nói gì thì nói, sân chơi này vẫn là khao khát với hàng ngàn VĐV thể thao Việt Nam nói riêng, khu vực Đông Nam Á nói chung.

Nếu là "ao làng", không giá trị gì, vì sao trận đấu bóng đá nam giữa Thái Lan và Indonesia lại căng thẳng đến thế? Vì sao sau tấm HCV, người Indonesia lại ăn mừng như thể... đoạt Cúp Vàng Thế giới như thế?!

Quan trọng hơn, đây là cơ hội để thể thao các nước giao lưu, học hỏi lẫn nhau, vừa qua đó rèn luyện để nâng cao trình độ, hướng tới các đại hội thể thao quốc tế ở tầm mức cao hơn.

Không có SEA Games, các nền thể thao quốc gia tại Đông Nam Á sẽ thiếu đi một thước đo quan trọng để thật sự "biết người, biết ta", biết mình đang đứng ở đâu.

Với riêng các quốc gia có vinh dự làm chủ nhà của Đại hội, mỗi kỳ SEA Games còn là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh của đất nước, đặc biệt là những đặc trưng văn hóa, là cú hích để thúc đẩy sự đầu tư cơ sở hạ tầng. Chủ nhà Camphuchia vừa qua là ví dụ rất điển hình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.