Pháp luật

Sếp Alibaba bị bắt, cấp phó lên mạng trấn an khách hàng

20/09/2019, 06:36

Bà Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó tổng giám đốc đối ngoại và đào tạo Công ty Alibaba tiếp tục livestream chia sẻ thông tin để trấn an khách hàng.

img
Bà Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó tổng giám đốc phụ trách Đối ngoại và Đào tạo Tập đoàn Địa ốc Alibaba trong buổi livestream

Sáng 19/9, nhiều khách hàng đã đến trụ sở Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức từ rất sớm. Ai cũng thấp thỏm lo âu bởi chiều hôm trước (18/9), Công an TP HCM đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Công ty Alibaba, ông Nguyễn Thái Lĩnh (em trai ông Luyện), Tổng giám đốc Công ty Alibaba về “hành vi lừa đảo”.

Khách hàng ngồi trên lửa

Chiều 18/9, hơn 100 cảnh sát trang bị vũ khí cùng nhiều xe đặc chủng bất ngờ bao vây trụ sở Công ty Alibaba, thực hiện lệnh bắt Chủ tịch Nguyễn Thái Luyện và em trai.
Động thái này được Công an TP HCM đưa ra sau chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - kinh tế - buôn lậu (C03) và kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được. Ngoài Công ty Alibaba, nhà chức trách cũng xem xét trách nhiệm một số công ty có liên quan trong việc quảng cáo phân lô, bán đất nền trên địa bàn TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.
Theo điều tra, Nguyễn Thái Lĩnh và đồng phạm đã thành lập Công ty CP Địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, tự vẽ các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép... sau đó huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.


Chủ một tiệm nước gần Công ty Alibaba cho biết, cứ vài phút lại có khách hàng đi ngang qua công ty đứng dưới cổng nhìn lên, có khách hàng đã lên công ty này nhiều lần. Một số người nói với nhau, vì không thể đòi quyền lợi của mình qua những lần lên công ty nên sáng 19/9 họ đã lên văn phòng phía Nam Bộ Công an trên đường 3/2 (Q.10, TP HCM) trình báo sự việc.

Nói như sắp khóc, một vị khách hàng nữ cho biết, chị có mua 3 lô do Công ty Alibaba phân phối. Một lô sắp đến hạn theo thoả thuận công ty sẽ mua lại và trả lãi, còn một lô đất tính theo phương thức công ty chia lợi nhuận cùng khách hàng đã quá hạn nhưng không thấy công ty nói gì.

Nói trong bức xúc, anh Trần Minh Đức cho hay, anh đầu tư 2 lô đất, trong đó một lô ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai và lô dự án Thắng Hải do Công ty Alibaba bán. Anh Đức cho biết có ký hợp đồng và công ty cam kết cho đất này là đất trồng cây lâu năm. Thế nhưng khi lên Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, anh mới tá hỏa được biết đó là đất trồng cây xanh không được chuyển đổi được dưới bất kỳ hình thức nào. “Tôi đã phải ăn dầm ở dề trên Sài Gòn cả tháng nay vì 2 lô đất này, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết”, ông Đức nói.

Cũng trong buổi sáng, bà Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó tổng giám đốc đối ngoại và đào tạo Công ty Alibaba tiếp tục livestream chia sẻ thông tin trấn an khách hàng. Bà Như cho biết: “Cơ quan chức năng nói để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng họ đã giữ hết tất cả tài sản mà chúng tôi đang có. Các bạn (khách hàng) yên tâm cơ quan Nhà nước, Bộ Công an là người đang giữ và chắc chắn tiền của quý vị đang được giữ một cách an toàn nhất. An toàn hơn cả việc ở đây chúng tôi giữ”. Bà Như không đi vào chi tiết cụ thể, mà chỉ khuyên “khách hàng hãy yên tâm hàng chục ha đất vẫn còn đó”.

“Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, hiện ông đang đại diện cho một số khách hàng đã mua đất từ Công ty Alibaba. Sau nhiều tháng, đến nay các khách hàng vẫn chưa nhận được tiền với tổng số tiền lên tới hơn 5 tỷ đồng.

Cũng theo luật sư Cường, nghiên cứu hồ sơ cho thấy, Công ty Alibaba không có đất mà hợp tác với các cá nhân là chủ sở hữu quyền sử dụng đất thông qua các công ty con hoặc sàn giao dịch, từ đó ký hợp đồng với khách hàng với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường. Sau đó, công ty cam kết mua lại với mức lãi suất hấp dẫn.Tuy nhiên các khu đất này thực trạng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận địa điểm, phê duyệt quy hoạch 1/500 hay giao đất thực hiện dự án. Thế nhưng, Công ty Alibaba vẫn ký hợp đồng với khách hàng, cam kết bàn giao đất thổ cư trong thời gian 6 - 12 tháng, đồng thời cam kết thu mua lại.

Trước tình hình này, các hợp đồng thoả thuận quyền sử dụng đất công ty ký với khách hàng sẽ vô hiệu. Bởi vậy, trong trường hợp Công ty Alibaba chây ì hoặc không trả tiền thì khách hàng sẽ là bên chịu thiệt thòi. “Như vậy, có thể khẳng định các “dự án” của Công ty Alibaba không thể hoàn tất các thủ tục để bàn giao nền cũng như Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất như thoả thuận, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, luật sư Cường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.