"The 8 show" là một xã hội thu nhỏ
Được đạo diễn và viết kịch bản bởi Han Jae Rim, "The 8 show" dựa trên truyện tranh mạng có tên "Money game" của tác giả Bae Jin Soo. Phim gây chú ý khi sở hữu dàn diễn viên chính là hai ngôi sao trẻ thực lực của màn ảnh Hàn Quốc.
Trong đó, nữ chính Chun Woo Hee từng giành được giải thưởng Ảnh hậu Rồng Xanh danh giá. Tài tử Ryu Jun Yeol cũng là ngôi sao từng đạt giải Baeksang dành cho Nam diễn viên mới xuất sắc.
Tổng thể câu chuyện diễn ra trong 8 tập phim, xoay quanh những con người hoàn toàn xa lạ mạo hiểm tham gia vào một gameshow để giành được số tiền khổng lồ. Bước vào trò chơi, 8 nhân vật được phân thành 8 tầng với số tiền thưởng khác nhau được quy định bởi dãy Fibonacci, còn được biết đến là tỷ lệ vàng.
Trái với những cảnh chết chóc nặng nề, đầy máu me trong "Squid game", bộ phim tập trung nhiều hơn vào sự phân tầng trong xã hội. Những người chơi tại "The 8 show" đấu đá lẫn nhau để giành quyền điều hành trò chơi dù không hề biết những người đang theo dõi mình là ai.
Một nguyên tắc quan trọng ở trò chơi 8 người này là không ai được phép chết, nếu không, những người còn lại sẽ buộc phải trắng tay ra về. Bên cạnh đó, họ phải tự nghĩ ra trò chơi để kéo dài thời gian và tăng số tiền mình nhận được sau mỗi ngày.
Thực chất, series này phản ánh một xã hội thu nhỏ, 8 người chơi không tên không họ, mỗi người đại diện cho một tầng lớp, một tính cách với những nghề nghiệp và câu chuyện riêng. Điểm chung của họ là đều không hài lòng với hiện tại, thậm chí còn muốn tìm tới cái chết vì vậy họ sẵn sàng đánh đổi thời gian của mình để trở thành "nô lệ đồng tiền".
Có thể thấy, phim nặng nề hơn trong việc truyền tải thông điệp khi mượn những câu chuyện của các nhân vật để lồng ghép đạo lý. Điểm cộng cho bộ phim nằm ở cách cài cắm thông điệp vô cùng vừa vặn, không hề khiên cưỡng, cố đấm ăn xôi như tác phẩm đi trước.
Có thực sự quái đản hơn "Squid game"?
Sau hơn 1 tuần ra mắt, "The 8 show" vẫn tiếp tục gây sốt và trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội của các "mọt phim".
Hiện tại, trên nền tảng phát sóng độc quyền Netflix và gây ấn tượng khi đứng Top 1 độ phổ biến tại 11 quốc gia như: Hàn Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam. Về tổng thể, bộ phim thu được 1,7 triệu lượt xem, đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng Netflix toàn cầu.
Tác phẩm của đạo diễn Han Jae Rim cũng cho thấy động lực đầy hứa hẹn khi đứng thứ 4 với 501 điểm theo đánh giá của Flix Patrol - trang web xếp hạng dịch vụ nội dung trực tuyến. Trên nền tảng đánh giá của IMDb (Cơ sở dữ liệu điện ảnh trên Internet), bộ phim được chấm 7,2/10 điểm và hiện cũng nằm trong top phổ biến.
Bên cạnh đó, series này còn được giới phê bình đánh giá tích cực, vì kịch bản mới mẻ so với những phim sinh tồn trước, miêu tả nhân vật hấp dẫn và không quá bạo lực.
"Lựa chọn xây dựng hiện thực là một trong những điểm thu hút lớn nhất của bộ phim", tờ Life style Asia nhận xét. "Hãy xem và cảm nhận. Theo một cách nào đó, nó thực sự hấp dẫn và hài hước hơn Squid game", tờ Decider viết.
Nhà báo nổi tiếng Kate Sanchez cũng chia sẻ: "Một số nhà phê bình người Mỹ chắc chắn sẽ ví 'The 8 show' với 'Squid game', nhưng sự thật là bộ phim này hay hơn rất nhiều. 'Squid game' là một trò chơi tử thần, 'The 8 show' thì không, trừ khi các nhân vật quyết định như vậy".
Tuy vậy, vẫn có những ý kiến trái chiều cho rằng thành tích của phim đầy triển vọng nhưng để thay thế địa vị của "Squid game" sẽ là con đường khá gian nan.
Đạo diễn Han Jae Rim dù đã gãi đúng chỗ ngứa trong việc giải quyết vấn đề về truyền tải thông điệp của phim sinh tồn, không còn phim vô nghĩa và sáo rỗng. Thế nhưng, bộ phim này vẫn chưa thực sự tốt trong việc xây dựng phần nhìn và chất lượng nội dung.
Những tập đầu được đánh giá khá ổn, gây tò mò nhưng càng về sau lại càng đuối, các nhân vật thiếu chiều sâu. Khi nửa sau nhuốm màu u tối, phim có chiều hướng tựa như tái hiện những cảnh bạo lực vô hồn, không mang tính phản ánh hiện thực, mà lặp đi lặp lại và tăng dần tính bạo lực, gây sốc.
Dù biết nguyên tắc không được để ai chết là yếu tố mới mẻ, song việc lạm dụng quá nhiều những màn trốn thoát, tra tấn dễ khiến người xem nhàm chán, ngán ngẩm.
"Bộ phim nỗ lực tạo nên sự khác biệt so với người tiền nhiệm, song không phải lúc nào việc đổi mới cũng sẽ mang lại lại hiệu quả. So với những phút giây đầu tiên đầy hứa hẹn, 'The 8 show' nhanh chóng đánh mất sức hút" là nhận định của cây bút Elisa Guimaraes từ Collider sau khi chấm bộ phim số điểm 5/10.
"Phim bắt đầu với những tiềm năng lớn nhưng về sau lại trở thành một mớ hỗn độn khi đạo diễn quá tham vọng trong việc gây sốc cho khán giả. Những cảnh bạo lực được kéo dài dù không cần thiết", trang The Review Geek đưa ra đánh giá khách quan.
Về việc tác phẩm của mình bị đặt lên bàn cân so sánh, đạo diễn Han cho biết: "Tôi đã quyết định thực hiện dự án này ngay cả trước khi 'Squid game' ra mắt. Sau khi 'Squid game' thành công, tôi thậm chí còn nghĩ đến việc dừng dự án.
Tôi không bị ảnh hưởng bởi 'Squid game'. Tôi muốn đi tìm một cái gì đó khác biệt. Nhìn vào các đánh giá, tôi nghĩ những người mong đợi một bộ phim như 'Squid game' sẽ không thấy 'The 8 show' thú vị.
Tuy nhiên, 'The 8 show' không đi theo khuynh hướng sinh tồn mà là một bộ phim nhằm phản ánh xã hội", đạo diễn khẳng định.
Cách cài cắm thông điệp, châm biếm là điểm sáng của bộ phim
Ngay từ những chặng đầu của bộ phim, không khó để phát hiện những ý đồ táo bạo của đạo diễn Han Jae Rim khi xây dựng bộ phim nói về cái xấu, phê bình cái ác nhưng cách thể hiện lại vô cùng hài hước.
Đây chính là đặc trưng của thể loại "hài đen" (dùng yếu tố hài hước không phải với mục đích gây cười thuần túy) khi tiếng cười được tạo ra với mục đích mỉa mai và châm biếm.
Chỉ với 8 tập phim, "The 8 show" đem lời cảnh cảnh tỉnh người xem về giá trị đồng tiền, vị thế trong xã hội. Đồng thời, bộ phim lột tả khía cạnh thô thiển nhất về bất bình đẳng, bóc lột lao động và tình trạng nghèo đói.
"Thay vì mô tả ranh giới thiện và ác, bộ phim nói về quá trình hình thành ham muốn quyền lực nảy sinh khi một xã hội nhỏ được tạo ra", đạo diễn Han Jae Rim chia sẻ trong cuộc họp báo ngày 10/5 ở Seoul.
Phim đã cho chúng ta thấy cách biệt giàu nghèo một cách rõ ràng qua các tầng lầu và những yếu tố bất công, phi lý trong một xã hội loài người thông qua cách sắp xếp chỗ ở và quyền lợi của 8 người chơi. Với xuất phát điểm như nhau, nhưng chỉ dựa vào may mắn, mỗi người lại đón nhận một số phận hoàn toàn khác biệt: người thì đỉnh cao, người lại chạm đáy.
Điều này có nghĩa, vị trí xã hội của từng người chơi có được hoàn toàn nhờ vào vận may nằm ngoài tầm kiểm soát. Một chi tiết chẳng khác nào cú đấm thẳng vào hiện thực đầy châm biếm.
Trong thế giới của phim, có tiền tức là có quyền. Đồng tiền lúc này trở thành kẻ thống trị, đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định địa vị và số phận của mỗi người. Nếu tầng 8 là một căn phòng xa hoa, đầy đủ tiện ích thì càng xuống dưới, sự chật chội, tù túng và số tiền ít ỏi nhảy lên từng phút khiến con người ta đem lòng ganh ghét, đố kỵ.
"Trò chơi sẽ kết thúc ngay lập tức khi có người chết và ai cũng có thể chiến thắng với số tiền của riêng mình". Một quy luật nghe chừng nhân đạo, nhưng thực tế là sự chênh lệch giai cấp, dẫn đến việc những người ở tầng dưới có địa vị thấp, trở thành kẻ yếu thế, bị hành hạ và không dễ dàng thoát khỏi show.
Những chiếc camera cũng là phương tiện dẫn dắt khiến người xem trở thành một phần trong phim. Từ đầu tới cuối, chúng ta không được biết ai là người đứng sau camera. Nhìn thực tế, ta cũng giống như những người đứng sau camera được mô tả, bỏ thời gian và tiền bạc để tiêu thụ những nội dung giải trí trong phim. Chính vì vậy, khán giả của "The 8 show" cũng được ám thị là nhóm nhân vật không lộ danh tính trong phim.
Về mặt hình ảnh, tuy bối cảnh phim có phần đơn giản nhưng được đánh giá khá cao. Việc đạo diễn Han đan xen lựa chọn thay đổi tỷ lệ khung hình 4:3 giúp người xem dễ dàng phân biệt được tổn thương trong quá khứ và thực tế hiện tại. Cách tạo dựng này khiến bộ phim trở nên siêu thực, mang một phong cách riêng biệt và đầy màu sắc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận