Thời sự Quốc tế

Shangri-La 2019: Mỹ - Trung đối đầu, châu Á sẽ buộc phải chia phe?

03/06/2019, 07:17

Đối thoại Shangri-La 2019 khép lại cuối tuần qua, sau 3 ngày hội họp căng thẳng dưới cái bóng u ám của cuộc chiến tranh thương mại gay gắt...

img
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà

Đối thoại Shangri-La 2019 khép lại cuối tuần qua, sau 3 ngày hội họp căng thẳng dưới cái bóng u ám của cuộc chiến tranh thương mại gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Diễn đàn lần này là nơi để các nước nhỏ theo dõi và nắm bắt chiến lược của hai siêu cường từ đó vạch ra chính sách sinh tồn riêng cho mình.

Tâm lý “đứng giữa đôi dòng”

Như thông lệ, Shangri-La, tên gọi khác của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á thường niên, quy tụ các bộ trưởng và quan chức quốc phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm nay bị bao trùm bởi những bài phát biểu đấu đá giữa các đại diện cấp cao của Mỹ và Trung Quốc.

Singapore kêu gọi Mỹ và Trung Quốc cùng nhượng bộ nhau

Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng, trong khi phát biểu tại hội nghị thường niên về các vấn đề an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhắc tới căng thẳng đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề thương mại và an ninh. Theo ông Lý, vấn đề căn bản ở đây là việc thiếu sự tin tưởng chiến lược giữa 2 bên và việc tiếp tục con đường hiện tại sẽ là một sai lầm nghiêm trọng của cả 2 phía. Ông Lý kêu gọi cả Mỹ và Trung Quốc thể hiện sự thấu hiểu lẫn nhau về lập trường và cần nhượng bộ những lợi ích của phía mình.Hòa Bình

Cuộc đối thoại diễn ra trong 3 ngày là một trong những dịp hiếm có để các lãnh đạo đầu ngành quân đội vốn ít lên tiếng được chia sẻ thẳng thắn về những tầm nhìn chiến lược của họ. Đồng thời, đây cũng là thời điểm để các nước nhỏ thể hiện quan điểm của mình.

Tờ Bưu điện Hoa Nam dẫn lời nhiều nhà phân tích cho rằng, rất nhiều nước trong khu vực từ lâu đã lo sợ viễn cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung đối đầu, xuất phát điểm từ lĩnh vực công nghệ sau đó lan ra các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, buộc các nước này phải chọn Mỹ hoặc Trung cùng hệ quy tắc của riêng họ.

Ông Ben Bland, Giám đốc dự án Đông Nam Á tại Viện Lowy của Australia nhận định: “Tại Đông Nam Á, lãnh đạo các nước trong khu vực luôn khẳng định, họ không muốn phải chọn lựa phe phái giữa Mỹ - Trung Quốc mà kỳ vọng có thể duy trì tình hữu nghị với tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, khi mối quan hệ thù địch giữa Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, dù không muốn, các nước nhỏ cũng rất khó để giữ thế trung lập”, theo ông Bland.

Nhiều nhà quan sát ngoại giao của Singapore cũng không dám chắc nước này có thể tiếp tục duy trì thế trung lập mà không đối mặt với những phản ứng dữ dội. Dù thích hay không, Singapore nói riêng hay khu vực Đông Nam Á nói chung đang phải vận hành trong môi trường mà họ phải hợp tác với những bên đang có mâu thuẫn sâu sắc với nhau - ông Chong Ja Jan, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

Khi khó có thể kết nối các bên, nếu không chọn bên nào, quốc gia ở giữa sẽ đứng trước nguy cơ bị cả hai coi là chơi nước đôi và không đáng tin cậy, theo ông Chong.

Quần đảo Solomon là ví dụ điển hình của một trong những “sân đấu” giữa các cường quốc nhằm cạnh tranh ảnh hưởng trên Thái Bình Dương. Thủ tướng Australia Morrison mới đây tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ với Mỹ để cung cấp cho Solomon quỹ hạ tầng bổ sung.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đề nghị giúp xây dựng dự án hạ tầng khổng lồ tại nước này, đưa Solomon vào tình thế “đứng giữa đôi dòng”. Ông Leland Firisua, một tiếng nói ngoại giao quan trọng trên quần đảo Solomon nhận định, sự đấu đá của các quốc gia lớn có thể làm chia rẽ nội bộ lãnh đạo các nước nhỏ về việc chọn theo bên nào, từ đó gây ra bất ổn trong nước.

img
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2019 - Ảnh Straint Times

Các nước nhỏ phải làm gì?

Thủ tướng Singapore đã dành bài phát biểu 40 phút tại Shangri-La 2019 để nhấn mạnh về việc các nước bé hơn như Singapore cần phải củng cố và sử dụng các cơ quan đa phương diện để bảo vệ quan điểm của quốc gia mình thay vì chọn phe phái giữa 2 cường quốc lớn nhất thế giới.

Ông Lý nhấn mạnh, chính sự thiếu niềm tin chiến lược lẫn nhau là lý do chủ chốt gây ra căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Về chủ đề nóng Huawei - công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc bị Mỹ liệt vào danh sách đen vì lo ngại do thám, ông Lý đưa ra lập trường khá cẩn trọng khi cho biết Singapore vẫn đang trong quá trình xem xét để quyết định chọn hệ thống 5G thế hệ mới của nước nào.

Thủ tướng Lý giải thích: “Chúng tôi vẫn duy trì quan hệ với cả hai bên. Nhưng để tránh chọn phe phái, không bên nào được gây áp lực với đất nước chúng tôi. Nhưng rất không may, khi đường ranh giới dần được vạch ra, chắc chắn ai cũng sẽ hỏi: Anh sẽ là bạn hay không là bạn của tôi? Và đó chính là điều làm cho vấn đề giữ thế trung dung trở nên khó khăn”.

img
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi các nước bé củng cố, tránh chia bè phái

Nhà ngoại giao Leland Firisua cho biết: “Thách thức thực sự với các nước nhỏ là làm thế nào để gìn giữ không gian chiến lược để có thể tự đưa ra quyết định của mình về các vấn đề quân sự, ngoại giao và kinh tế mà Mỹ và Trung Quốc đang chia rẽ. Khi Washington và Bắc Kinh cùng lúc gia tăng áp lực đối với nước thứ ba, cái giá mà các nước này phải trả về kinh tế và chính trị để được tự đưa ra lựa chọn chắc chắn sẽ tăng”.

Ông Ben Bland, Giám đốc dự án Đông Nam Á tại Viện Lowy cho biết: “Trong quá khứ, đã có nhiều quốc gia nhỏ thông minh có thể làm xoay chuyển những mối quan hệ đối đầu theo hướng ít rủi ro nhất, tận dụng từng lợi ích nhỏ và đôi khi còn có thể làm thay đổi cả lịch sử”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.