Showbiz

Shark Phú “ngáo doanh thu” đòi 3 năm lên 1000 tỷ đồng, startup nói chưa thể

26/06/2022, 23:51

Shark Tank Việt Nam mùa 5 - Tập 4: Shark Phú đặt ra câu hỏi nếu 3 năm sau doanh số của startup lên 1.000 tỷ thì ông sẽ đầu tư.

Shark Tank Việt Nam mùa 5 – Tập 4 có sự xuất hiện của Phạm Thị Kim Dung – Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Sữa Hạt D2 và Trần Giảng Lâm – Giám đốc kinh doanh và cổ đông của công ty.

Thanh xuân còn lại với rau, củ, quả

Hơn 10 năm gắn bó với vai trò Cửa hàng Trưởng Mobifone với tất cả bằng cả tình yêu và thanh xuân đã dành cho công việc này, Kim Dung dừng công việc, tập trung dành cả thanh xuân còn lại để tạo ra giá trị cộng đồng qua thương hiệu Vitamin D2.

img

Phạm Thị Kim Dung – Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Sữa Hạt D2 và Trần Giảng Lâm – Giám đốc kinh doanh và cổ đông của công ty

Tình yêu của với rau của quả xuất phát từ tình yêu của một người mẹ, người phụ nữ của gia đình. Kim Dung mong muốn mang đến cho những người thân yêu những sản phẩm tuyệt vời từ thiên nhiên, truyền tải sứ mệnh của các thực phẩm vàng, thay đổi nhận thức về sức khoẻ hiện nay.

Startup giới thiệu Sữa hạt D2 xuất phát từ nước ép rau củ quả nguyên chất. Sau gần hai năm trải nghiệm với 5.000 khách hàng, startup đã cùng với các chuyên gia dinh dưỡng nghiên cứu ra dòng sữa hạt khác với các dòng sữa hạt thông thường khi nguyên liệu chính của sản phẩm này là rau củ quả organic (hữu cơ). Hiện vùng nguyên liệu của Sữa hạt D2 được đặt tại xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An.

Startup cũng bày tỏ mong muốn thông qua những sản phẩm của mình, những con người Việt Nam được dùng sản phẩm organic với mức giá vừa phải.

Công ty đang có 5 dòng sữa hạt chính: Sữa hạt thanh lọc giảm cân; Sữa hạt bầu lợi sữa, sữa hạt vitamin từ củ quả, sữa hạt bổ sung chất xơ; Sữa hạt dành cho người tiểu đường.

Mỗi gói được định lượng calo tiện lợi có thể mang đi khắp mọi nơi, có thể thay thế bữa ăn hàng ngày, trong vòng hai tuần nếu thực hiện liệu trình uống thì có thể giảm từ 3 đến 4kg.

Sữa hạt xanh D2 kết hợp từ 26 loại hạt và rau củ quả Organic như củ dền, cà rốt, cải bó xôi, cần tây,.. tạo nên điểm khác biệt trên thị trường. Đó cũng chính là ưu điểm vượt trội của sữa hạt D2.

Startup cũng cho biết, hiện tại công ty có hơn 30 đại lý, 5 nhà phân phối, trong đó có 2 nhà phân phối độc quyền. Tỉ lệ khách hàng quay lại là 70%. Doanh thu hiện tại là 600-700 triệu/tháng.

Startup định hướng năm 2022 sẽ hoàn thiện bộ máy vận hành, quy trình sản xuất và hệ thống nhà máy để mở rộng quy mô sản xuất, hoàn thiện vùng nguyên liệu có chứng chỉ organic của nước ngoài.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới sẽ đạt được mức tăng trưởng gấp 3 doanh số hiện tại, từ 20 tỷ lên 60 tỷ. Do đó, Sữa hạt D2 mong muốn kêu gọi 3 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần từ các “cá mập”.

Có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, Shark Phú đã đặt ra 4 câu hỏi quan trọng để hiểu rõ hơn về mô hình kinh doanh của startup: việc bảo hộ và đăng ký chất lượng của công thức, công suất tối đa của vùng nguyên liệu, cấu trúc giá thành sản phẩm trên giá bán và quy trình sản xuất, khả năng thương mại hóa của doanh nghiệp.

Trả lời Shark Phú, Kim Dung cho biết Sữa hạt D2 đạt chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm, HACCP, ISO và vừa rồi là FDA của Mỹ. Sản phẩm cũng đã được cấp phép lưu hành. Về vùng nguyên liệu thì startup được một quỹ đầu tư của tập đoàn trích cho 5 ha, công ty có 2 ha đang trồng được cấp chứng chỉ organic và dân kết hợp trồng cũng được 10 ha.

Doanh số lên 1.000 tỷ sau 3 năm, Shark Phú sẽ đầu tư

Lúc này Shark Phú hỏi sâu hơn về việc 1 ha nguyên liệu sẽ tạo ra được bao nhiêu doanh thu sữa hạt? Kim Dung cũng có được câu trả lời là 1 ha sẽ tạo ra 150-200 triệu đồng doanh thu/tháng.

Tiếp tục trả lời những câu hỏi mà Shark Phú đặt ra, Kim Dung cho biết sữa hạt thanh lọc giảm cân là sản phẩm có giá cao nhất của công ty với 350 nghìn/hộp 15 gói, giá vốn chiếm 40% bao gồm cả chi phí bao bì cho đến marketing (tiếp thị).

img

Shark Phú cũng muốn Kim Dung trả lời thêm, nếu muốn tạo ra doanh số 1.000 tỷ thì cần đầu tư những gì?

Shark Hưng liền nhận xét, số phần trăm giá vốn đang bị cao, nếu chi phí giá thành như thế thì giá bán phải cao hơn nữa. Đồng tình với Shark Hưng, Shark Phú cho rằng với giá vốn 40% thì khi vận hành lớn, startup có khả năng bị lỗ.

Trả lời câu hỏi của Shark Hùng Anh về thị trường của sản phẩm và lợi nhuận của doanh nghiệp, Kim Dung cho biết mình có kênh online ở Nghệ An đang bán khá mạnh. Về lợi nhuận thì Quý 1 năm 2022, startup đang đạt điểm hòa vốn và có 5% lợi nhuận, sau khi trừ tất cả các chi phí.

Giải đáp thắc mắc của Shark Hưng về việc tỷ lệ vitamin còn giữ lại trong sữa hạt sau khi đã sấy, nghiền, đóng gói, Kim Dung cho biết đối với đồ tươi thì khi sử dụng công nghệ ép tươi sẽ giữ được 70-80% dưỡng chất, còn sữa hạt thì giữ được 60-70% dưỡng chất.

Bên cạnh đó cũng nhập thêm máy móc, công nghệ của Nhật để biết các chế độ sấy phù hợp với các loại hạt, cùng với đó phối hợp chuẩn với các rau củ quả để tạo thành bữa ăn dinh dưỡng đầy đủ calo.

img

Các Shark thử sản phẩm của Startup

Shark Phú nhận xét, startup chưa có hệ thống máy móc chuyên biệt để sản xuất thì công suất rất khó nhân lớn lên được.

Shark Phú đặt ra câu hỏi 3 năm sau doanh số của startup lên 1.000 tỷ thì ông sẽ đầu tư. Shark Phú cũng muốn startup trả lời thêm, nếu muốn tạo ra doanh số 1.000 tỷ thì cần đầu tư những gì, vùng nguyên liệu là bao nhiêu ha, máy móc thiết bị là bao nhiêu tiền. Kim Dung cho biết startup sẽ không thể nâng doanh số 1.000 tỷ trong 3 năm tới nhưng cô tự tin sau 10 năm mình sẽ làm được.

Với câu trả lời này của startup, Shark Phú đã quyết định không đầu tư.

img

Kim Dung có niềm đam mê với rau, củ, quả từ khi là một cô bé tóc hoe đỏ đầy gió nắng. Cô đã hay theo mẹ ra đồng trồng rau cuốc đất.

“Thường startup rất yêu sản phẩm của mình, nhưng bọn anh là dân đầu tư thì bọn anh lại hướng đến khả năng nhân rộng. Thực ra sản phẩm hữu ích là khi chúng ta phải bán được cho rất nhiều người dùng thì nó mới là có giá trị. Có thể chúng ta không thành công ở Shark Tank nhưng mà hy vọng sau khi các em hoàn chỉnh hơn ở bước tiến tốt hơn, có thể chúng ta gặp nhau ở mùa sau.” – Shark Phú kết luận.

Nhận sự từ chối đầu tư từ các Shark, Kim Dung chia sẻ: "Mặc dù D2 chưa phù hợp với các định hướng phát triển của các Shark, nhưng với tôi, vượt qua vòng loại, bước tiến vào vòng ghi hình, gặp gỡ các Shark đã là một niềm vui của tôi và D2. Bởi D2 dù mới khởi nghiệp, là một doanh nghiệp trẻ nhưng mà đã được các Shark đánh giá về sản phẩm và tiềm năng.

Thành công nhất mà tôi nhận được đó chính là hai cô gái Xứ Nghệ đã bản lĩnh vượt qua khó khăn, đứng trên sóng truyền hình và lan toả những giá trị về những sản phẩm về sức khoẻ mà chúng tôi đã và đang xây dựng"

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.