Đường sắt

Siết chặt công tác an toàn thi công gói đường sắt "khủng" 7.000 tỷ

26/03/2021, 11:41

Chủ đầu tư, các nhà thầu gói 7.000 tỷ nâng cấp, cải tạo đường sắt Bắc - Nam phải thực hiện các biện pháp an toàn chạy tàu khi thi công.

img

Chủ đầu tư, các nhà thầu gói 7.000 tỷ nâng cấp, cải tạo đường sắt Bắc - Nam phải thực hiện các biện pháp an toàn chạy tàu khi thi công.

Nhà thầu phải đảm bảo an toàn chạy tàu khi thi công

Ngày 13/3/2021 vừa qua xảy ra vụ việc tàu đang qua đường ngang cảnh báo tự động, cần chắn mới hạ tại đường ngang Km1202+970 tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM (thuộc địa bàn huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa).

Nguyên nhân được xác định là do tại khu vực có điểm thi công gói 7.000 tỷ nâng cấp, cải tạo đường sắt Bắc - Nam, ảnh hưởng đến hoạt động bình hành của hệ thống cảnh báo tự động đường ngang, gây nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Đáng nói, trước đó, Tổng công ty Đường sắt VN đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bố trí người cảnh giới, nhưng khi vụ việc xảy ra lại không có người trực.

Thông tin với Báo Giao thông, ông Trần Thiện Cảnh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đây không phải là vụ việc đầu tiên các nhà thầu thi công gói 7.000 tỷ trên toàn tuyến không nghiêm túc cử người cảnh giới, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn chạy tàu. Qua theo dõi, kiểm tra, còn nhiều điểm thi công các nhà thầu chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng vệ, cảnh giới đảm bảo an toàn và cung cấp thông tin kịp thời cho các đơn vị thuộc Tổng công ty Đường sắt VN.

Yêu cầu tư vấn giám sát tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo nhà thầu thi công đúng theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp tổ chức thi công đã được phê duyệt và các quy định liên quan khi thi công trên đường sắt đang khai thác chạy tàu.

Chủ động phối hợp với các chi nhánh khai thác đường sắt, phân ban quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực 1, 2, 3 (thuộc Tổng công ty Đường sắt VN), các công ty cổ phần đường sắt, công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt để cung cấp thông tin, thống nhất nội dung biện pháp đảm bảo an toàn, khắc phục kịp thời hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện các biểu hiện mất an toàn chạy tàu, an toàn lao động, an toàn giao thông đường sắt, an toàn các công trình kết cấu hạ tầng đường sắt.

Trước tình hình này, Tổng công ty Đường sắt VN vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT và kiến nghị các giải pháp nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu, an toàn lao động, an toàn các công trình kết cấu hạ tầng đường sắt trong phạm vi thi công và những điểm xung yếu, tiếp giáp công trình.

Theo đó, Tổng công ty Đường sắt VN đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các ban quản lý dự án làm chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn lao động, an toàn các công trình kết cấu hạ tầng đường sắt bị ảnh hưởng và kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp an toàn khi cần thiết.

Tổng công ty Đường sắt VN cũng đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu đặc biệt lưu ý, đối với các công trình đang thực hiện thi công phải tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn tại các địa điểm xung yếu (như các điểm tiếp giáp công trình, khu vực có các công trình phụ tạm, địa điểm phong tỏa hoặc chạy chậm...), các địa điểm bố trí, sử dụng thiết bị máy móc thi công công trình.

"Đối với các công trình, hạng mục công trình đã tiến hành bàn giao mặt bằng nhưng chưa tổ chức thi công, hoặc đang tổ chức thi công, đã thi công xong nhưng chưa tiến hành thủ tục bàn giao công trình theo quy định, chủ đầu tư phải chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu thi công thường xuyên theo dõi, kiểm tra, sửa chữa đảm bảo trạng thái kỹ thuật theo quy trình bảo trì công trình đường sắt để đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu, an toàn công trình đường sắt cho đến khi bàn giao công trình đưa vào khai thác sử dụng chính thức", Tổng công ty Đường sắt VN kiến nghị.

img

Nhà thầu phải bố trí người trực cảnh giới tại các đường ngang cảnh báo tự động trong khu vực thi công khi tàu qua để đảm bảo an toàn. Ảnh: Vụ việc tàu qua đường ngang, cần chắn mới hạ xảy ra tại đường ngang Km1202+970 không có người trực cảnh giới

Bố trí người trực cảnh giới tại đường ngang cảnh báo tự động

Tổng công ty Đường sắt VN cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu trong công tác đảm bảo sự hoạt động bình thường của các thiết bị tín hiệu phòng vệ đường ngang bị ảnh hưởng do hoạt động thi công và an toàn giao thông tại các đường ngang cảnh báo tự động, cần chắn tự động (đường ngang CBTĐ).

"Các nhà thầu thi công cần bố trí người trực cảnh giới, phòng vệ đảm bảo an toàn giao thông khi có tàu tại các đường ngang CBTĐ trong các trường hợp: Các đường ngang CBTĐ nằm trong phạm vi thi công; Các đường ngang CBTĐ nằm ngoài phạm vi thi công công trình, hạng mục công trình nhưng có các thiết bị phát hiện tàu tới gần nằm trong phạm vi thi công bị ảnh hưởng.

Cùng đó, khi sửa chữa, cải tạo, di dời hoặc xây lắp mới hệ thống tín hiệu ga có liên khóa điều kiện tín hiệu với các đường ngang CBTĐ; Khi thay, sửa chữa cải tạo kiến trúc tầng trên làm ảnh hưởng đến các thiết bị phát hiện tàu lắp đặt trên ray đường sắt (thay thế, tháo dỡ, lắp đặt lại thiết bị phát hiện tàu)", Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất.

Trong trường hợp tháo dỡ lắp đặt lại thiết bị phát hiện tàu phải phối hợp với các đơn vị quản lý thông tin tín hiệu đường sắt thống nhất biện pháp tổ chức thi công đảm bảo an toàn trước khi tiến hành. Sau khi hoàn thành phải tiến hành kiểm tra, thử hoạt động của hệ thống thiết bị tín hiệu phòng vệ đường ngang, đảm bảo hệ thống hoạt động bình thường trước khi đưa vào khai thác sử dụng lại.

"Các đơn vị thi công không để các dụng cụ lao động, thiết bị thi công bằng kim loại, goòng và máy thi công chạy trên đường sắt... vì có thể gây nhiễu đến thiết bị phát hiện tàu, làm ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của các thiết bị tín hiệu phòng vệ đường ngang", Tổng công ty Đường sắt VN nêu.

Tổng công ty Đường sắt VN cũng đặc biệt lưu ý, khi có các chuyến tàu chạy bất thường do hoạt động thi công xây dựng công trình (chạy chậm do thi công, chạy tàu công trình, goòng,...), trong suốt quá trình thi công cho đến khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng (trả đường theo công lệnh tốc độ hoặc theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt), yêu cầu các nhà thầu trong quá trình thi công phải phối hợp với các đơn vị quản lý đường sắt thực hiện các biện pháp phòng vệ đảm bảo an toàn các công trình kết cấu hạ tầng đường sắt nói chung và các thiết bị tín hiệu nói riêng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.