Tài chính

Siết giao dịch trái phiếu doanh nghiệp: Ngân hàng nào nguy cơ ngoài cuộc?

25/11/2021, 14:32

Quy định mới được coi là siết chặt điều kiện ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng đảo nợ qua kênh trái phiếu.

Ngân hàng được mua trái phiếu khi nợ xấu dưới 3%

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, siết chặt điều kiện các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Theo đó, thông tư mới quy định tổ chức tín dụng chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

img

Ngân hàng có nợ xấu từ 3% trở lên sẽ không được vốn vào trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ

Đối chiếu tình hình thực tế hiện nay, trong cuộc họp kết thúc quý 3, Ngân hàng Nhà nước cho biết nếu không xảy ra dịch bệnh, mục tiêu tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3% cuối năm nay là hoàn toàn đạt được và khi cộng tất cả các khoản nợ xấu lại thì vẫn dưới 5%.

Tuy nhiên, do dịch bệnh, nợ xấu tăng khá nhanh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng nay đã khoảng 2%, tổng nợ xấu và tiềm ẩn dự báo là khoảng 8%. Con số này đáng quan tâm và đáng báo động.

Theo báo cáo tài chính của 27 ngân hàng vừa công bố, nợ xấu của một số ngân hàng đã dần thể hiện tình trạng đáng lo ngại này.

Đơn cử như VietBank ghi nhận nợ xấu tăng 459 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm (tăng 59%) lên 1.243 tỷ đồng. Tính chung, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng này đã tăng từ 1,75% lên 2,65%.

Tại NCB, con số nợ xấu tuyệt đối đến hết quý 3 vừa qua là 800 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với đầu năm; Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,5% lên 1,93%. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm tới 61,3% nợ xấu của ngân hàng này đã tăng 5,4% so với đầu năm...

Trong hệ thống ngân hàng, đứng đầu bảng về nợ xấu vẫn là VPBank. Ngân hàng này cho biết, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 02 của ngân hàng riêng lẻ được kiểm soát ở mức 1,78% tại 30/9/2021.

Tuy nhiên, tổng nợ xấu của ngân hàng hợp nhất đến cuối tháng 9 dù lần đầu tiên sau nhiều năm giảm về 4% nhưng vẫn là con số cao.

Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm cao trong hệ thống tính đến 30/9 là: ABB tỷ lệ nợ xấu 2,91%, PGBank 2,7%, VBB 2,65%...

Một trường hợp đảo chiều ngoạn mục là Kienlongbank khi chốt quý 3 nợ xấu của ngân hàng này giảm mạnh 63% về còn hơn 697 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm hơn 3% so với thời điểm đầu năm về 2%...

Chiếu theo quy định trên điều kiện được mua bán trái phiếu, nếu đến 31/12 năm nay một số ngân hàng tiệm cận nợ xấu 3% vẫn giữ tốc độ tăng nợ xấu như hiện hành thì rất có thể sẽ đứng ngoài cuộc chơi trên thị trường trái phiếu.

Cấm đảo nợ qua kênh trái phiếu

Ngoài điều kiện nợ xấu, Thông tư 16 cũng quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp: Trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động; Ngân hàng chỉ được mua trái phiếu của công ty phát hành không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất…

Việc siết lại quy định nói trên (áp dụng từ 15/1/2022) được cho là cơ quan quản lý đã nhận thấy một số ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành, nhất là các doanh nghiệp bất động sản từ năm 2019 đến nay.

Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần cảnh báo rủi ro khi ngân hàng rót vốn vào các lĩnh vực chứng khoán, mất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, đến hết tháng 9 vừa qua, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 443.100 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2020.

Dẫn đầu danh sách phát hành là nhóm doanh nghiệp bất động sản với 201.900 tỷ đồng, chiếm 45,5%. Tiếp đến là các ngân hàng với đạt 136.400 tỷ đồng, chiếm 30,8%; Năng lượng và khoáng sản phát hành 21.900 tỷ đồng, chiếm 5%; Định chế tài chính phi ngân hàng đạt 20.900 tỷ đồng, chiếm 4,7%; Phát triển hạ tầng đạt 17.500 tỷ đồng, chiếm 3,9%...

Mới đây, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra các công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp; Đồng thời rà soát lại một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, có tình hình tài chính yếu nhằm hạn chế tối đa nguy cơ vỡ nợ trên thị trường.

img

Giá vàng hôm nay 23/11: Vàng trong nước giảm mạnh, đe dọa mốc 52 triệu

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.