Kinh tế

"Siết" tín dụng bất động sản có hạn chế vay mua nhà?

10/05/2022, 15:40

Ngân hàng "siết" tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản có hạn chế vốn vay với người mua nhà có nhu cầu ở thực?

Người dân lo khó tiếp cận vốn vay

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt các khoản cấp tín dụng với kinh doanh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tháng 10 tới, ngân hàng sẽ tiếp tục "siết" tỷ lệ tối đa nguồn vốn cho vay trung, dài hạn với bất động sản là 30% (giảm 10% so với năm 2020).

img

"siết" tín dụng bất động sản có ảnh hưởng nhu cầu người mua nhà ở? (ảnh minh hoạ)

Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng, việc siết này sẽ giúp giá nhà giảm, trở về giá trị thực, cũng như kiểm soát nợ xấu gia tăng...Tuy nhiên, không ít người dân có nhu cầu mua nhà ở thực lo ngại sẽ khó tiếp cận với vốn vay.

Anh Trần Văn Ngoan (Nam Định) chia sẻ, vợ chồng anh đều là lao động làm thuê và đang thuê nhà ở Thanh Xuân. Gia đình đang có nhu cầu mua căn hộ để "an cư, lạc nghiệp" trên địa bàn quận này. Do không dư giả, nên khi ký hợp đồng phải ký vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng tiền trả góp.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng năm 2021, trên cả nước có 282.105 giao dịch bất động sản thành công. Còn theo khảo sát của Công ty CP Propertyguru Việt Nam thì 92% số người tham gia khảo sát có nhu cầu ở thực.

Theo anh tính toán, nếu vay ngân hàng, vợ chồng anh trả cả gốc và lãi khoảng 12-15 triệu đồng/tháng, trong vòng 15 năm. Nhưng trước thông tin "siết" vốn vay bất động sản, anh Ngoan lo lắng, nếu không có sự hỗ trợ tài chính này thì anh khó có thể mua được nhà. Do đó, anh đang liên hệ với một số ngân hàng với hy vọng có thể ký giải ngân sớm. Ngược lại, không ký vay được, gia đình anh Ngoan sẽ khó khăn hơn với giấc mơ an cư.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Yên (Hoàng Mai) cũng đang lo lắng vì đã hơn 1 tháng này, hồ sơ vay mua nhà của chị vẫn đang trong tình trạng chờ xét duyệt.

Chị Ngoan cho biết, chị mua căn hộ nhỏ hơn 50m2. Tổng số tiền 1,6 tỷ đồng. Theo tư vấn của bên bán hàng, chị cố xoay xở cho đủ 30%, số tiền còn lại làm thủ tục vay trả góp. Ngặt nỗi, vừa hoàn thiện xong hồ sơ thì ngân hàng chị định vay báo tạm dừng giải ngân, hồ sơ của chị phải nằm chờ.

"Nếu có đủ tiền thì đã không phải vay. Còn đã vay mà họ bảo chờ cũng phải nằm chờ, không biết làm thế nào được. Tiếc là nếu không vay được ở thời điểm này thì không biết bao giờ mới mua nổi nhà và bao giờ mới tìm được căn hộ như ý, phù hợp như hiện nay", chia sẻ lo lắng.

Không đánh đồng đối tượng vay mua bất động sản

Trước những lo ngại trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, bất động sản cho rằng, cần phân loại đối tượng mua bất động sản. Phân biệt nhu cầu và rủi ro của từng đối tượng để có sự điều tiết hợp lý. Cụ thể là phân biệt đối tượng mua đầu cơ bỏ hoang với nhu cầu mua ở thực; phân biệt doanh nghiệp năng lực yếu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, nợ xấu với doanh nghiệp làm ăn chân chính, có tài sản đảm bảo tốt và uy tín trên thị trường... Trong đó ưu tiên mua nhu cầu ở thực.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) nêu quan điểm, việc siết tín dụng BĐS ảnh hưởng đến cả người thực sự có nhu cầu mua nhà, khi họ khó vay tiền ngân hàng, thiếu đòn bẩy tài chính và giá nhà có thể bị đẩy lên cao.

Chuyên gia tài chính, Giảng viên Học viện Tài chính Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc xác định đối tượng mua nhà để ở và đầu cơ hoàn toàn có thể làm được.

Dữ liệu khách hàng, lịch sử vay, số lần vay và số tiền vay đều được cập nhật trên hệ thống dữ liệu của ngân hàng. Do đó, ngân hàng có thể xác định đối tượng vay của mình là ai, trong tình trạng nào. Ngay bản thân người mua nhà cũng có trách nhiệm chứng minh nhu cầu và số lần vay.

Do đó, việc ưu tiên riêng đối với người có nhu cầu ở thực hoàn toàn có thể sàng lọc được. Quan trọng ở đây là công tác quản lý và cho vay từ phía tổ chức tín dụng.

Trao đổi với báo chí mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định thời gian qua, tín dụng vào bất động sản đã được kiểm soát rất chặt chẽ và tới đây có thể sẽ kiểm soát chặt hơn nữa. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý nguồn vốn vẫn ưu tiên phục vụ nhu cầu chính đáng cho người dân mua nhà đất để ở thật và hạn chế nguồn vốn cho mục đích đầu cơ.

Phó tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại cũng cho biết, bất động sản vẫn là một mảng tiềm năng do nhu cầu vay mua nhà của người dân ở tất cả phân khúc rất lớn. Đặc biệt, khi mà thu nhập của người dân càng tăng lên thì nhu cầu của họ không chỉ là một căn nhà để ở mà sẽ mở rộng thêm căn nhà đầu tư nhằm tích lũy tài sản cho gia đình hoặc căn nhà nghỉ dưỡng cuối tuần… Tuy vậy, ngân hàng chọn lọc kỹ lưỡng các chủ đầu tư, các dự án tiềm năng để cho vay một cách an toàn và hiệu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.