Thời sự Quốc tế

Siêu bão nguy hiểm chưa từng có đổ bộ vào Nhật Bản, giao thông gián đoạn

Siêu bão Nanmadol được nhận định là nguy hiểm chưa từng có, đã đổ bộ vào khu vực cực Nam của đảo Kyushu, Nhật Bản.

Ngày 18/9, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cảnh báo bão Nanmadol có thể kéo theo gió mạnh và sóng lớn chưa từng có.

Cơ quan Khí tượng quốc gia (JMA) đã ban hành "cảnh báo đặc biệt" tại tỉnh Kagoshima, đảo Kyushu, miền Nam nước này. Đây là lần đầu tiên cảnh báo bão đặc biệt được đưa ra với một khu vực ngoài tỉnh Okinawa.

Nanmadol là cơn bão số 14 trong mùa mưa bão năm nay được Trung tâm Cảnh báo bão Phối hợp của Hải quân Mỹ xếp vào loại siêu bão, có thể kéo theo mưa lỷ lục trong khi đó JMA cảnh báo nguy cơ mực nước trên sông tăng cao và sạt lở đất.

img

Sóng lớn được ghi nhận tại tỉnh Miyazaki. Ảnh - Kyodo

Trong ngày 18/9, đảo Kyushu có thể chịu lượng mưa 500mm và gió mạnh tới 250km/h trong khi vùng Tokai trung tâm có thể chịu lượng mưa 300mm - cũng theo JMA.

Ngay trong sáng 18/9, gần 25.700 hộ gia đình tại tỉnh Kagoshima và tỉnh lân cận Miyazaki đã bị mất điện, trong khi nhiều chuyến bay và phà phải hoãn, hủy. Hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản là Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airways (ANA) đã hủy ít nhất 504 chuyến bay.

Các nhà vận hành đường sắt Nhật Bản đã huỷ nhiều chuyến tàu trong khu vực, chuỗi cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven tại nước này tạm thời đóng cửa 950 cửa hàng.

Theo một quan chức tỉnh Kagoshima, chưa có báo cáo về thương vong và thiệt hại nào do bão gây ra, song tình hình thời tiết đang ngày càng xấu đi; mưa và gió đang mạnh lên. Giới chức Nhật Bản đã kêu gọi gần 2 triệu người dân sơ tán để phòng tránh bão.

Dự kiến, đầu tuần sau, bão sẽ đi vòng về phía Đông, qua đảo Honshu.

Nhật Bản đang trong mùa mưa bão và mỗi năm phải đối mặt với khoảng 20 cơn bão lớn. Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đang làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của các cơn bão, khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, lũ quét diễn ra thường xuyên hơn, với cường độ mạnh hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.