Thị trường

Khách sụt giảm mạnh, siêu thị lo thị trường Tết ảm đạm

25/01/2022, 14:06

Khác với không khí mua sắm nhộn nhịp như thường lệ mỗi dịp Tết đến, năm nay sức mua của người tiêu dùng sụt giảm mạnh, thị trường ảm đạm...

Khách vắng, siêu thị tính nghỉ Tết sớm

Dự kiến sẽ cho nhân viên nghỉ sớm và khai xuân muộn nếu những ngày tới lượng khách hàng không cải thiện, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Hữu cơ Việt Nam Vinanutrifood Nguyễn Thị Diễm Hằng ngao ngán: “Dù đã cận Tết nhưng sức mua giảm nhiều so với mọi năm, người mua lác đác, lượng mua ít hơn”.

Bà Diễm Hằng cho biết, hiện hệ thống siêu thị Nutri Mart của Vinanutrifood có gần 1.000 siêu thị trên toàn quốc, hàng hóa đã chuẩn bị đầy đủ, đa dạng để phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn không có gì biến động so với ngày thường, kể cả những sản phẩm giỏ quà tặng, vốn thường được tiêu thụ mạnh vào những ngày đầu tháng Chạp.

img

Lượng người đến siêu thị có tăng so với ngày thường nhưng sức mua yếu, dù là thời điểm cận Tết

“Diễn biến hiện nay khiến cho hệ thống phải chịu thiệt hại nặng nề khi đang “cắn răng” giữ giá, giá đầu vào tăng 20 - 30% song giá bán ra vẫn phải giữ nguyên”, bà Hằng nói và cho hay, nếu đến sát ngày lượng mua hàng không tăng, sẽ cho nhân viên nghỉ Tết sớm bởi chi phí vận hành ngày lễ rất đắt đỏ. Đồng thời nhiều khả năng sẽ lùi ngày mở hàng sang tới mồng 4, hoặc mồng 5 Tết, thay vì vẫn phục vụ thông Tết như mọi năm.

Thực tế năm qua xuất khẩu tăng tốt, đầu tư công khởi sắc, nhưng GDP vẫn không tăng do chi tiêu dùng giảm mạnh. Vì thế, chiến lược cho năm 2022 là phải kích cầu, tăng chi tiêu, tăng mua sắm mới phục hồi được tăng trưởng.
Do đó cần thực hiện 2 giải pháp, đó là: Về phía Chính phủ, tháo gỡ hết mức cho chi đầu tư công tăng, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp bán hàng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. Thu nhập tăng thì sức mua tự khắc sẽ tăng.
Thứ hai là đẩy mạnh cải cách hành chính cho doanh nghiệp, giảm bớt các điều kiện trong vay vốn tái đầu tư, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh bằng các chính sách tài khóa, giảm lãi vay, nới hạn mức, đơn giản các thủ tục buộc thế chấp mới vay được vốn...”.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh


Sự ảm đạm cũng đang bao trùm các hệ thống siêu thị lớn. Đơn cử, tại siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), lượng người mua thưa thớt, không còn cảnh xếp hàng dài chờ thanh toán thường thấy như những dịp Tết trước.

“Khách hàng phần lớn mua hàng thiết yếu và hạn chế mua những mặt hàng khác. Ngoài ra, khách ngoại tỉnh cũng về quê nhiều, sinh viên, học sinh nghỉ học. Chính vì thế nhiều gian hàng rất ế ẩm. Dù sắp Tết nhưng tình hình vẫn không lạc quan”, một nhân viên cho biết.

Hàng hóa dồi dào, cam kết không tăng giá

Đề cập đến việc chuẩn bị hàng hóa để cung ứng trong dịp Tết năm nay, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, hệ thống GO!, Big C cam kết với khách hàng về giá cả sản phẩm.

Toàn hệ thống cũng đã chuẩn bị đủ các loại rau quả tươi sống có thể phục vụ xuyên suốt trong và sau Tết.

Bên cạnh đó, những mặt hàng nhập khẩu cũng đã hoàn tất kế hoạch.

Giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ (Hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng thuộc Tập đoàn Masan Group) Tạ Thị Minh Hợp cho biết, những ngày gần đây, dù lượng khách đã tăng cao hơn so nhưng nhịp mua sắm nhìn chung vẫn còn chậm so với các năm trước.

Dự báo, năm nay người tiêu dùng sẽ dồn lực mua sắm vào tuần sát Tết. Do đó, WinMart/WinMart+ đã chủ động điều chỉnh kế hoạch phân bổ hàng hóa, bảo đảm lượng hàng đưa ra luôn đầy ắp quầy kệ, giá cả ổn định.

“Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung ứng lớn ngay từ thời điểm tháng 9 và tháng 10, chốt sản lượng tất cả mặt hàng chủ lực và tăng 50% sản lượng cho thị trường Tết Nhâm Dần 2022...”, đại diện WinMart/WinMart+ cho biết.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG (BRG Retail) cho biết, đơn vị sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận cho nông sản Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRG Mart.

“Với chất lượng, hình thức sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cùng với mức giá bán phi lợi nhuận của BRG Retail, chắc chắn người tiêu dùng sẽ đón nhận”, ông Dũng kỳ vọng.

Thu nhập giảm mạnh, người tiêu thay đổi thói quen

Dù các doanh nghiệp đã cố gắng chia sẻ lợi nhuận, nhằm giữ giá thành ổn định, kích cầu mua sắm dịp cuối năm, tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường kém khởi sắc lại chính là tâm lý của người tiêu dùng…

Bởi thực tế, rất nhiều người khi được hỏi về mua sắm Tết đều chia sẻ, đến thời điểm này “vẫn chưa nghĩ đến”. Nguyên nhân chính là vì thu nhập giảm do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Chị Hương Oanh (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có 3 nguồn thu gồm: Lương của hai vợ chồng khoảng 50 triệu đồng/tháng và lợi nhuận từ công ty riêng hoạt động về đấu thầu, khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng.

Thế nhưng, hơn một năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của chị tại một công ty mỹ phẩm chẳng đáng là bao. Cùng thời điểm, công ty riêng của chồng chị làm ăn bết bát do công nợ không thu hồi được, dự án mới cũng không có. Doanh thu âm, lợi nhuận từ công ty không có, lương cũng cắt lại để duy trì hoạt động công ty.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.789.500 tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm trước. Trong ngắn hạn, sức mua vào dịp Tết Nguyên đán có thể giảm 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.


Hiện, cả gia đình chỉ nhìn vào đồng lương ít ỏi, khoảng 5 triệu đồng của chị, nên việc mua sắm Tết đối với gia đình thời điểm này là thứ xa xỉ. Chị có làm thêm công việc bán thời gian để kiếm thêm, nhưng số tiền này chỉ để phòng cho những chi tiêu bất thường.

Tương tự, khi được hỏi, chị Nguyễn Doan (Hoàng Cầu, Hà Nội), một giáo viên mất việc tại một trường mầm non tư thục cho biết, Tết năm nay chỉ mua những mặt hàng thực sự cần thiết. “Cả năm qua ở nhà, tôi không có thu nhập. Trước đây, xông xênh mua sắm Tết là nhờ có khoản thưởng Tết, nhưng nay cả lương cả thưởng cũng không còn nên phải chi tiêu chắt bóp khi không có khoản tiết kiệm nào”, chị Doan chia sẻ.

Chị Hương Oanh hay chị Doan chỉ là những ví dụ điển hình cho sự thay đổi thói quen chi tiêu của người Việt, trong số hàng triệu lao động cùng cảnh ngộ do mất việc thời gian qua.

Khảo sát mới nhất của YouGov, công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu quốc tế, cũng cho thấy, đại dịch đã làm thay đổi bức tranh tài chính cá nhân tại Việt Nam. Năm nay, người tiêu dùng thận trọng hơn về thói quen tiêu dùng ngắn hạn cũng như các kế hoạch tài chính dài hạn của họ.

Theo đó, gần một nửa hộ gia đình đã bị giảm thu nhập vào năm 2021. 28% người tiêu dùng Việt Nam tăng mức tiết kiệm và giảm chi tiêu cho các khoản tiêu dùng không thiết yếu trong thời gian xảy ra đại dịch.

Đáng chú ý, hơn 53% người tiêu dùng Việt cắt giảm các khoản không thiết yếu trong 6 tháng qua. Trong khi đó, 80% dự định tiếp tục cắt giảm trong tương lai…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.