Thế giới giao thông

Singapore: Hệ thống giao thông hiện đại liên tiếp gặp sự cố

20/11/2017, 07:44

Hệ thống giao thông đại chúng tốc độ cao (MRT) của Singapore nổi tiếng trên thế giới về độ an toàn, tin cậy...

30

Sân ga tàu điện Singapore “vỡ trận” vì sự cố trễ tàu

Hệ thống giao thông đại chúng tốc độ cao (MRT) của Singapore nổi tiếng trên thế giới về độ an toàn, tin cậy, đúng giờ... Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhất là năm nay, MRT này liên tiếp gặp phải các vấn đề chậm trễ, đường hầm bị ngập nước, tai nạn...

Va chạm tàu, ngập đường hầm

Hệ thống MRT của Singapore có tổng chiều dài khoảng 198,6km, phục vụ 2 triệu lượt khách/ngày, giảm tải rất nhiều cho hệ thống xe buýt, taxi và góp phần hạn chế phương tiện cá nhân tại quốc đảo có diện tích chật hẹp. Hệ thống này được đánh giá có tỉ lệ đáng tin cậy hàng đầu thế giới, khoảng 90% trở lên.

Tuy nhiên, gần đây, MRT liên tiếp gặp các sự cố liên quan tới hàng loạt vấn đề như lỗi đường ray, lỗi hệ thống tín hiệu, lỗi đường điện... với tần suất ngày càng tăng cao. Sự việc gây chấn động gần đây nhất là sáng 15/11, một tàu điện ngầm đâm vào phía sau chiếc tàu đang đỗ trong sân ga tàu điện Joo Koon khiến ít nhất 28 hành khách bị thương, phải nhập viện.

Theo điều tra sơ bộ ban đầu, nguyên nhân sự việc là do lỗi tín hiệu. Đoàn tàu đầu tiên bị kẹt tại sân ga Joo Koon vì lỗi bất thường trong hệ thống tín hiệu. Tất cả khách trên tàu đã được sơ tán, chỉ còn duy nhất một nhân viên đường sắt.

Trong lúc đó, đoàn tàu thứ hai vốn đỗ cách đó 10m chở hơn 500 hành khách bất ngờ lao lên và va chạm với tàu đầu tiên. Giới chức cơ quan giao thông đường bộ (LTA) và hệ thống giao thông đại chúng (SMRT) của nước này giải thích, hệ thống tín hiệu đã định dạng nhầm tàu đang bị kẹt ở sân ga là tàu 3 toa thay vì tàu 6 toa. Kết quả, tàu thứ 2 nhầm khoảng cách giữa hai phương tiện và gây ra va chạm.

Trước vụ tai nạn này khoảng một tháng, Singapore cũng đã phải đối mặt với bê bối nghiêm trọng khi đoạn đường hầm trên tuyến đường tàu điện Bắc - Nam qua 13 nhà ga bị ngập nặng khiến tàu điện không thể di chuyển, buộc hàng nghìn hành khách phải hoãn kế hoạch hoặc lựa chọn hình thức giao thông khác.

Ngoài các sự cố nghiêm trọng trên, nhiều tháng nay, hệ thống MRT xảy ra tình trạng lỗi tín hiệu, chậm chuyến khiến các sân ga như “vỡ trận”. Quãng trung tuần và cuối tháng 7/2017, MRT chứng kiến liên tiếp 4 vụ chậm trễ, gián đoạn tàu, có vụ do lỗi tín hiệu, lỗi tàu, lỗi mạch điện đường ray... gây chậm trễ từ 10 phút đến 2 tiếng.

Đi tìm nguyên nhân

Các chuyên gia, nhà quan sát nhận thấy, nguyên nhân gây ra những sự cố trên có lẽ là do hệ thống MRT của Singapore bắt đầu già cỗi. Tính đến năm 2018, hệ thống tàu điện ngầm đã bước sang tuổi 30. Theo thời gian, những hệ thống máy móc từng hiện đại đến mấy cũng trở nên rệu rã, cần phải chú trọng bảo trì, bảo dưỡng và nâng cấp thường xuyên.

Như sự cố ngập nước dưới đường hầm, giáo sư Khoa Địa lý (Đại học Quốc gia Singapore) Lee Der Horng, cũng là một chuyên gia có tiếng về lĩnh vực giao thông nhận định, đây là sự cố hoàn toàn có thể phòng tránh. Việc thiếu bảo trì hoặc thử nghiệm hệ thống bơm có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này. “SMRT cần xác định hệ thống nào là quan trọng và phải có biện pháp dự phòng. Nếu hệ thống bơm thứ 1 hỏng thì họ có thể sẵn sàng kích hoạt phương án thứ 2”.

Còn về hệ thống tín hiệu, SMRT và Cơ quan Giao thông Singapore (LTA) khẳng định, nguyên nhân gây ra tình trạng liên tiếp lỗi tín hiệu trên tuyến Bắc - Nam (NSL) nằm ở phương thức kiểm soát tàu qua hệ thống liên lạc mới.

Không giống như các tuyến đường sắt khác, ở tuyến Bắc - Nam, nhà khai thác tàu vừa phải thử nghiệm toàn diện hệ thống kiểm soát mới vừa phải tiếp tục dịch vụ. Hệ thống tín hiệu mới cho phép các tàu có thể chạy sát nhau, từ đó tăng tần suất dịch vụ và khả năng chở khách, bắt đầu được đưa vào thử nghiệm từ ngày 28/3.

Ban đầu, ban quản lý chỉ mở hệ thống này trong những giờ ít khách vào cuối ngày nhưng sau đó nâng dần lên cả ngày chủ nhật từ 16/4 và đến tất cả các ngày trong tuần từ 29/5. Giới chức khẳng định, phải mất khoảng vài tháng để hệ thống này hoàn toàn ổn định.

Kinh nghiệm từ việc vận hành, khai thác và bảo trì hệ thống tàu điện ở Singapore cũng là bài học kinh nghiệm rất đáng để tâm đối với những quốc gia đang và sẽ đưa tàu điện vào hoạt động ở các thành phố lớn, đông dân cư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.