Thế giới giao thông

Singapore phát minh thẻ điện tử chống tắc đường

16/10/2014, 09:39

Singapore được biết đến là đất nước có hệ thống giao thông hiện đại và thuận tiện nhất khu vực Đông Nam Á.

Xe ô tô nối hàng dài dưới hầm đường cao tốc bờ biển Marina
Xe ô tô nối hàng dài dưới hầm đường cao tốc bờ biển Marina

Khống chế lượng xe lưu thông

RoadRunner - thành quả nghiên cứu của Jason Gao, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), chuyên ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật điện tử vừa ra trường cùng cố vấn Li-Shiuan Peh - Giáo sư Khoa học máy tính và Kỹ thuật điện tử của MIT, cả hai đều là người Singapore. Hệ thống RoadRunner hoạt động như sau, mỗi xe ô tô được gắn một thiết bị nhỏ vào bảng điều khiển của xe, RoadRunner ấn định mỗi xe một "thẻ đường" điện tử. Tại các khu vực hay tắc đường, nó sẽ hạn chế số ô tô được di chuyển trong khu vực đó. Mỗi ô tô chỉ được vào nếu có một chiếc khác đi ra khỏi để đảm bảo lượng xe lưu thông, tránh gây ùn ứ.

Kết quả thử nghiệm tại Singapore cho thấy, tốc độ trung bình của ô tô trong thời gian đỉnh điểm tắc đường tăng lên 8%. Ngoài ra, họ cũng thử nghiệm hệ thống này trên quy mô nhỏ tại Cambridge, bang Massachusetts của Mỹ để chứng minh tính hiệu quả của nghiên cứu.

Bộ "thẻ đường" của hai nhà phát minh người Singapore sử dụng tần sóng 802.11p và có thể liên lạc không dây với máy chủ của trung tâm. Trong tương lai, công nghệ này có thể được thiết kế thành một ứng dụng có thể cài trực tiếp vào điện thoại. Với công trình này, Gao và Peh được trao giải thưởng của Hội nghị Thế giới về Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transportation Systems World Congress) hồi tháng 9 vừa rồi.

Chủ động thay đổi vị trí kiểm soát

Lợi ích lớn nhất từ RoadRunner là chỉ cần sử dụng các thiết bị cầm tay gắn vào khu vực điều khiển trên ô tô mà không cần tới các thiết bị rườm rà như camera và bộ cảm biến lắp đặt trên đường để quan sát dòng xe ô tô. Do đó, các nhà quản lý đô thị có thể chủ động thay đổi vị trí kiểm soát những khu vực hay tắc nghẽn mà không cần mất thời gian xây dựng, lắp đặt các thiết bị phức tạp.

Mặc dù diện tích Singapore rất nhỏ hẹp nhưng đây là nước có mật độ đường bộ cao nhất trong các nước phát triển với 4,8 km đường trên mỗi 1km2 đất. Singapore cũng là một trong những nước có tỉ lệ phương tiện tham gia giao thông thuộc hàng cao nhất với 281 xe/km. Hiện Singapore đang áp dụng một hệ thống quản lý phương tiện chặt chẽ và đắt đỏ bao gồm hạn ngạch xe (COE), phí đăng ký, phí tắc đường.

Ngoài ra, hệ thống này còn giúp người dân Singapore tránh được khoản phí tắc đường như Chính phủ Singapore đang áp dụng. Quy định tắc đường được đưa vào áp dụng tại Singapore từ năm 1975 và hiện được nâng cấp từ hệ thống thu phí thủ công lên công nghệ cao trong đó các lái xe phải lắp bộ truyền nhận - phát tín hiệu gắn trên bảng điều khiển ô tô, phải trả 5 SGD (hơn 84 nghìn VND) nếu đi xe vào giờ cao điểm. Theo Gao, một tiện ích khác của RoadRunner là: Dù nó duy trì dựa trên dữ liệu GPS (Hệ thống định vị toàn cầu) nhưng nó không theo dõi quá trình di chuyển của xe, qua đó, đảm bảo sự riêng tư cho các chủ xe hơn hệ thống thu phí tắc đường hiện hành.

Tại Hội nghị Thế giới về Hệ thống giao thông thông minh, Chuyên gia giao thông của Pháp Jean Bergounioux đánh giá, RoadRunner "xứng đáng được đưa vào thử nghiệm càng sớm càng tốt để kiểm tra và đánh giá tính khả thi".

Gao và Peh có tham vọng công nghệ này không chỉ được áp dụng ở trong nước mà còn ở các nước trên thế giới. Cô Sarah Kaufman - trợ lý giáo sư tại Đại học New York (NYU) kiêm quản lý điện tử tại Trung tâm Giao thông Rudin của NYU rất quan tâm và thích thú với tính linh động của hệ thống RoadRunner vì “nó có thể giúp các lái xe tránh tuyến đường đông đúc trong trường hợp diễn ra một sự kiện lớn tạm thời”, chẳng hạn, trong thời gian diễn ra phiên họp của Liên hợp quốc tại  TP New York.

Trang Trần

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.