Khan hiếm đất và nước, Singapore đã cải tạo, bồi đắp, tăng diện tích bề mặt lên hàng chục km2. Không dừng lại ở đó, quốc đảo này còn đang hướng tới tầm nhìn “sống, làm việc và vui chơi dưới lòng đất”.
Cái khó ló cái khôn
Một nhà ga tàu điện ngầm tại Singapore
Tờ New York Times từng có bài viết với tựa đề: “Singapore tự tạo ra đất đai như thế nào?”, trong đó nhận định ông Lý Quang Diệu – Thủ tướng đầu tiên của Singapore là người luôn đau đáu và ý thức về diện tích ít ỏi của đất nước.
Với ông Lý Quang Diệu thì “trong một thế giới mà cá lớn nuốt cá bé và cá bé nuốt tôm, Singapore phải trở thành một con tôm độc”.
Singapore là quốc gia lớn thứ 192 trên thế giới, chỉ bằng 3/5 diện tích của TP New York, tương đương diện tích của huyện đảo Cần Giờ, TP.HCM. Trong khi dân số của Singapore tính tới năm 2022 là gần 6 triệu người.
Vì thế, Singapore coi đất đai như một nguồn tài nguyên khan hiếm và luôn tìm cách tận dụng tối ưu hóa giá trị.
Theo chia sẻ của một phóng viên New York Times khi trò chuyện với các nhà quy hoạch Singapore, cụm từ mà họ thường xuyên nhắc tới là “giải phóng đất đai” - tham vọng lớn nhất của Singapore.
Kể từ khi giành được độc lập 52 năm trước, Singapore đã chăm chỉ cải tạo đất và tăng diện tích quốc gia từ 224 dặm vuông (580km2) lên 277 dặm vuông (717km2). Dự kiến, tới năm 2030, Singapore sẽ tăng con số này lên 300 dặm vuông (776km2).
Tuy nhiên, việc bồi đắp, lấn biển cũng có giới hạn, nhất là trong bối cảnh hành tinh đang nóng lên. Rất có khả năng những cơn bão dữ dội sẽ ập vào và nhấn chìm nhiều nơi tại Singapore. Đó chính là lý do vì sao Singapore tìm đến không gian ngầm.
Những công trình ngầm đồ sộ
Ảnh minh họa cách sử dụng không gian ngầm của Singapore
Ở quốc đảo sư tử, hiện có rất nhiều công trình đồ sộ được đưa xuống dưới lòng đất. Nếu có thể tạo một lát cắt dọc Singapore, sẽ nhìn thấy phần không gian ngầm dưới quốc đảo chia thành nhiều tầng.
Tầng dưới cùng, sâu nhất là hệ thống bể chứa, tiếp đó là đường hầm thoát nước sâu Deep Tunnel Sewerage System (DTSS).
Đây là hệ thống ngầm đồ sộ đầu tiên Singapore xây dựng, được ví như “xa lộ” ngầm dưới lòng đất. Đây cũng là một trong những bí quyết nằm trong đại kế hoạch để Singapore gìn giữ 2 nguồn tài nguyên quý giá nhất là nước và đất.
Giai đoạn đầu tiên của DTSS hoàn thành vào năm 2008 với chi phí ước tính 2,5 tỷ USD, bao gồm 48km đường hầm thoát nước sâu và 1 nhà máy xử lý nước tập trung. Giai đoạn 2 được khởi công vào tháng 11/2017, dự kiến hoàn thành vào năm 2026, với 200km đường hầm đưa nước tới các nhà máy xử lý nước thải cũng được đặt dưới lòng đất.
Để làm được điều này, Singapore đã sử dụng các cỗ máy đào hầm khổng lồ để đào sâu xuống lòng đất và lắp đặt các hệ thống đường ống.
Theo ông Woo Lai Lynn, Giám đốc Kỹ thuật của dự án do cơ quan nước quốc gia Singapore (PUB), một khi dự án DTSS hoàn thành sẽ giải phóng tổng cộng 159ha đất trên bề mặt.
Ông Woo nhận định, dự án này không chỉ giúp cung cấp nước bằng cách xử lý tới 2 triệu m3 nước thải/ngày mà còn mang đến những thông tin và bài học kinh nghiệm quan trọng cho việc phát triển hệ thống ngầm ở Singapore và hơn thế nữa.
Tiếp đó, Singapore sử dụng để phát triển hoạt động công nghiệp và giao thông.
Một trong những công trình đồ sộ làm nên tiếng tăm của Singapore là hang đá Jurong được xây dựng ngầm dưới đảo nhân tạo Jurong. Đây là cơ sở chứa dầu, khí đốt ngầm đầu tiên tại Đông Nam Á.
Giai đoạn 1 đã hoàn thành tổng cộng 5 hang đá, mỗi hang cao 27m, rộng 20m và dài 340m, cao tương đương tòa nhà 9 tầng. Tổng chi phí xây dựng giai đoạn 1 với 5 hang đá và 8 đường hầm tiêu tốn chi phí lên tới 950 triệu USD. Khu phức hợp này có 9 bể chứa, mỗi bể tương đương 580 bể bơi kích thước Olympic chuẩn để trữ khí thiên nhiên hóa lỏng. Công suất này sẽ gấp đôi khi giai đoạn 2 hoàn thành.
Để tới được hang, người ta phải sử dụng thang máy công nghiệp để đi sâu xuống lòng đất hơn 325 feet (gần 100m). Từ đây một đường hầm lớn, uốn lượn, thành vách cao như thánh đường hiện ra.
Với hang ngầm, Singapore đã giải phóng tới 60ha bề mặt đất tương đương 84 sân bóng.
Tầng tiếp theo của không gian ngầm là dành cho các hệ thống đường đi bộ ngầm kết nối xuyên suốt tới các tuyến tàu điện MRT cũng nằm dưới lòng đất.
Theo Đại kế hoạch Giao thông đường bộ năm 2040, Singapore sẽ tiếp tục cải tiến hệ thống giao thông để cứ 10 hộ gia đình thì có 8 hộ nằm trong khoảng cách 10 phút đến ga tàu và có thể tới các địa điểm khác nhau ở Singapore một cách dễ dàng.
Tới năm 2050, có thể “sống, làm việc dưới lòng đất”
Tổng chiều dài của các hang đá Jurong
Trong tương lai, Singapore còn muốn phát triển không gian ngầm với nhiều tiện ích và mục đích sử dụng hơn nữa.
Hiện tại, một tổ hợp khoa học ngầm dưới công viên khoa học - vốn là nơi đặt trụ sở của các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học, đang được nghiên cứu.
Việc xây dựng đòi hỏi chi phí tốn kém hơn so với việc xây dựng trên mặt đất khoảng 50%. Tổ hợp này sẽ nằm sâu 80 - 100m, được xây dựng thành 30 tầng, là nơi đặt các phòng thí nghiệm, văn phòng và trung tâm dữ liệu.
Tờ Straits Times từng nhận định cuộc sống dưới lòng đất là “biên giới tiếp theo” cho Singapore. Và một ngày nào đó người Singapore có thể “sống, làm việc và vui chơi ở trong những hang động rộng lớn dưới lòng đất”.
Cơ quan Xây dựng công trình - đơn vị chịu trách nhiệm giám sát khảo sát dưới lòng đất cho biết triển vọng này có thể trở thành hiện thực vào năm 2050.
Tuy nhiên, ngoài chi phí cao, việc xây dựng cơ sở vật chất dưới lòng đất còn nhiều vấn đề, trong đó có việc ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Do đó, Cơ quan tái phát triển đô thị Singapore nhấn mạnh nguyên tắc dù thiếu đất cũng không bao giờ xây dựng nhà dưới lòng đất, chỉ dành không gian ngầm cho một số mục đích như đường tàu, đường điện nước, kho chứa.
Qua việc đưa các hạ tầng cơ bản này xuống không gian ngầm, Singapore có thể sử dụng đất cho các mục tiêu tập trung vào con người nhiều hơn như xây nhà, công viên...
Theo nhiều nghiên cứu và so sánh với 10 thành phố lớn trên thế giới về việc sử dụng không gian ngầm, Singapore đang được đánh giá đi trước về phát triển đường sắt ngầm. Mật độ đường sắt ngầm của thành phố cao hơn London (Anh).
Tại Diễn đàn Đô thị Thế giới diễn ra hồi đầu năm 2021, ông Yingxin Zhou - một chuyên gia về kỹ thuật đại diện cho Singapore đã tự hào khẳng định: “Chúng tôi không có vàng, dầu hay kim cương, nhưng chúng tôi đào được một thứ có giá trị tương tự, đó là không gian!”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận