Pháp đình

Sinh sống nước ngoài 29 năm, Việt kiều Úc không biết bị truy nã

01/04/2021, 18:25

Vượt biên ra nước ngoài sinh sống 29 năm, nhiều lần trở về nước nhưng người đàn ông không hề biết mình bị truy nã.

img

Bị cáo Trương Tuấn Anh tại tòa

Ngày 1/4, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên xử sơ thẩm đưa bị cáo Trương Tuấn Anh (tên gọi khác Trương Trung Quốc, sinh năm 1952, Quốc tịch Úc) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận từ khi vượt biên sang nước ngoài sinh sống đến khi bị bắt theo lệnh truy nã, bị cáo đã hơn 20 lần về lại Việt Nam nhưng không biết bản thân bị truy nã.

“Ngày 5/7/2019, bị cáo về Việt Nam thăm gia đình, trong lúc đang ngồi uống cà phê cùng người thân thì bị công an mời làm việc, lúc đó bị cáo mới biết mình bị truy nã”, bị cáo trình bày.

Theo cáo trạng, khoảng năm 1987, bị cáo và vợ là Nguyễn Thị Bích Phượng (SN 1960) thành lập nhà máy cán sắt Thuận Thành, trụ sở tại số 105 đường Nguyễn Huệ, Phường 2, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Cửu Long (nay là TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).

Nhà máy này do bà Phượng làm chủ, Tuấn Anh phụ trách kỹ thuật.

Ngày 1/3/1989, bị cáo ký hợp đồng vay vốn của Trung tâm Tín dụng công nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Cửu Long với số tiền 52 triệu đồng, lãi suất 10,5%/tháng, thời hạn 2 tháng. Bà Phượng là người ký bão lãnh.

Đến ngày 9/3/1989, vợ chồng Tuấn Anh ký thêm 2 hợp đồng vay 100 triệu và 250 lượng vàng 24K từ Trung tâm Tín dụng công nghiệp ngoài quốc doanh Cửu Long.

Trong 3 hợp đồng vay nói trên, có 2 hợp đồng là vay tín chấp, hợp đồng còn lại là vay có thế chấp tài sản.

Đến cuối năm 1989, vợ chồng Tuấn Anh vượt biên sang Úc sinh sống.

Ngày 10/9/1990, Trung tâm Tín dụng công nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Cửu Long ngừng hoạt động và tiến hành rà soát đối chiếu xác định công nợ.

Tại bảng đối chiếu công nợ thì tổng số vàng vay gốc là 250 lượng vàng 24K tổng số vốn và lãi đến ngày 10/09/1990 là 564,968L. Tổng số tiền Tuấn Anh vay tại khế ước vay tiền số 206 với số tiền gốc vay là 52 triệu đồng đến 10/09/1990 còn lại thực tế vốn và lãi là 188.729.305 triệu đồng.

Đối với hợp đồng vay ngày 09/03/1989 do Nguyễn Thị Bích Phượng vay của Trung tâm tín dụng công nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Cửu Long 100 triệu đồng, Tuấn Anh là người ký bảo lãnh vay. Hiện bà Phượng không có mặt tại Việt Nam nên không đặt ra xem xét giải quyết trong vụ án này.

Cũng theo cáo trạng, sau khi Tuấn Anh bỏ trốn ra nước ngoài trên cơ sở báo cáo của Trung tâm tín dụng công nghiệp ngoài quốc doanh và các tài liệu xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Quyết định truy nã.

Đến ngày 5/7/ 2019, người này bị bắt giữ tại ấp Long Hưng, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Cáo trạng quy kết, từ khi vay đến khi bỏ trốn ra nước ngoài, Tuấn Anh chưa thanh toán vốn và lãi cho Trung tâm tín dụng công nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Cửu Long, chiếm đoạt số tiền hơn 188 triệu (tổng tiền vốn và lãi tính đến ngày 10/9/1990). Do đó, phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình đã gây ra.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo đã quyết định tuyên phạt Trương Tuấn Anh 6 tháng 18 ngày cải tạo không giam giữ.

Đồng thời buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường phần thiệt hại còn lại là hơn 8 triệu đồng cho nhà nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.