Quản lý

Sinh viên Cao đẳng nghề Hàng hải TP.HCM học mô hình 1,2 triệu đô

10/04/2016, 20:35

Sinh viên Cao đẳng nghề Hàng hải TP.HCM sẽ được học mô hình mô phỏng điều khiển tàu biển giá 1,2 triệu đô.

IMG_1245
Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Đỗ Đức Tiến (thứ 4 từ trái qua phải) và các đại biểu thăm mô hình điều khiển tàu biển 1,2 triệu đô.

Chiều 10/4, Trường Cao đẳng nghề Hàng hải TP.HCM tổ chức hội nghị với một số Cảng vụ Hàng hải và Hoa tiêu khu vực phía Nam để trưng cầu ý kiến góp ý cho mô hình mô phỏng điều khiển tàu biển của nhà trường. Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Đỗ Đức Tiến đã tới dự.

Theo đó, Phòng thực hành với thiết bị mô phỏng điều khiển tàu biển trị giá 1,2 triệu USD được đối tác Hà Lan chuyển giao công nghệ cho nhà trường vào năm 2014.

Mô hình cho phép người thực hành thao tác và quan trắc trên các phương tiện tàu biển ở các vùng nước, luồng lạch, các cấp gió, tốc độ và rất nhiều tình huống trong hành hải với các trang thiết bị hiện đại bậc nhất.

Theo đánh giá của nhà trường, mô hình này đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, mang lại rất nhiều hiệu quả thiết thực trong đào tạo nghề.

Thời gian thực hành của sinh viên tại trường qua đó tăng lên đáng kể (chiếm 70% thời lượng học tập)…

IMG_1226

Cận cảnh mô hình mô phỏng điều khiển tàu biển

Nêu ý kiến về mô hình mô phỏng điều khiển tàu biển, các đại biểu đều có chung nhận xét, đối với một trường như trường Cao đẳng nghề hàng hải TP.HCM thì việc có một phòng mô hình như thế là rất tốt. Vấn đề đặt ra là khai thác thế nào cho hiệu quả?

Ông Vũ Văn Biền, đại diện Hoa tiêu Hàng hải Tân Cảng cho rằng, việc huấn luyện điều khiển các phương tiện cụ thể (như sà lan, tàu lai, tàu container) thì cần phải có các mô hình cụ thể. Do đó, nhà trường cần yêu cầu đối tác nhanh chóng tích hợp các bài tập với từng loại phương tiện và có các tình huống xử lý để người học trải nghiệm và tích lũy kiến thức. Hiện, mô hình còn chung chung nên rất khó đánh giá.

Đại diện Hoa tiêu Hàng hải khu vực I cũng nêu ý kiến, chưa thấy mô hình chạy cụ thể nên chưa thể đánh giá hết khả năng. Mục tiêu chính là đào tạo cho sinh viên nên phải xây dựng được cơ sở lý thuyết để phục vụ các bài tập. Ngoài ra, có các cấp độ huấn luyện khác nhau (chẳng hạn như sinh viên mới hoặc sinh viên sắp ra trường). Tương tự, đào tạo thuyền trưởng, sĩ quan, thuyền viên… phải phân loại đầu vào. Từ đó, xem xét lại hệ thống bài học và mô phỏng…

IMG_1289
Vận hành mô hình với màn hình 3D

Phát biểu tại hội nghị, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Đỗ Đức Tiến bày tỏ vui mừng vì nhà trường được đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên. Đồng thời, ông Tiến cảm ơn đại diện các Cảng vụ, Hoa tiêu đã thăm quan mô hình và có nhiều ý kiến đóng góp quý báu.

Ông Tiến mong muốn, nhà trường phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị Cảng vụ, Hoa tiêu, cảng biển, tàu biển… để bổ sung kiến thức thực tế, có thêm nhiều chương trình nâng chất lượng giáo dục đào tạo.

“Nhu cầu phát triển nguồn nhân lực hiện nay đang đòi hỏi công tác giáo dục cần phải cải cách và nâng chất lượng mạnh mẽ. Lý thuyết phải đi đôi với thực tiễn. Nhà trường cần phát huy tiềm năng, thế mạnh để ngày càng thực hiện tốt hơn công tác đào tào nhân lực cho ngành cũng như cho đất nước…”, ông Tiến nhấn mạnh.

IMG_1351
Các đại biểu chụp hình lưu niệm với Phó cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam Đỗ Đức Tiến

Cũng nhân dịp này, các đại diện Hoa tiêu Hàng hải Tân Cảng, Hoa tiêu Hàng hải khu vực I, Hoa tiêu Hàng hải Vũng Tàu trao tổng số tiền 51 triệu đồng; một doanh nghiệp xin giấu tên trao 100 triệu đồng cho Quỹ khuyến học của nhà trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.