Xã hội

Sinh viên chế tạo camera chống lái xe ngủ gật

17/09/2019, 09:13

Chứng kiến những vụ TNGT nghiêm trọng do tài xế ngủ gật, hai sinh viên Đại học GTVT đã chế tạo hệ thống camera chống ngủ gật...

img
Hai sinh viên Lê Trung Phương (trái) và Nguyễn Minh Tiến (phải) là tác giả chế tạo hệ thống chống ngủ gật trên ô tô cho lái xe

Tài xế ngủ gật hệ thống sẽ rú còi báo động

Ngày 12/9, PV Báo Giao thông có mặt tại trường Đại học GTVT phân hiệu tại TP HCM (quận 9) và trực tiếp mục sở thị hệ thống camera chống ngủ gật gắn trên ô tô. Điều đặc biệt, đây lại là hệ thống cảnh báo cho lái xe có biểu hiện ngủ gật do hai em Lê Trung Phương (SN 1988, ngụ quận 9) và Nguyễn Minh Tiến (SN 1988, quê Long An), là sinh viên năm 4 Khoa Điện - Điện tử nhà trường chế tạo.

Sau khi mượn được ô tô của một giảng viên trong trường, với khoảng 30 phút lắp ráp thiết bị và thử nghiệm trước khi lăn bánh, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình thử nghiệm. Tuyến đường được chọn thử nghiệm khá vắng xe qua lại. Trong suốt hành trình, người lái xe đã tạo các tình huống tỏ vẻ thiếu tập trung khi cầm vô lăng như: Ngáp ngủ, nhắm mắt, đầu gật gù… quay mặt qua các hướng không nhìn về phía trước. Ngay lập tức phía trên cabin phát ra các tiếng rú còi báo động và kèm theo nhắc nhở “vui lòng tập trung”. Nếu tài xế tiếp tục mất tập trung, hệ thống sẽ phát cảnh báo nguy hiểm.

Quan sát của PV, trên xe hệ thống bao gồm camera, bộ xử lý và màn hình theo dõi kết nối với một loa không dây. Quá trình tài xế điều khiển xe, camera sẽ ghi lại hành động của người lái, truyền tín hiệu để hiển thị trên màn hình theo dõi.

Chia sẻ với PV, Lê Trung Phương cho biết, chứng kiến nhiều vụ tai nạn xảy ra thời gian qua do lỗi chủ quan của tài xế ô tô thiếu tập trung hoặc ngủ gật khi điều khiển, em đã nung nấu ý định chế tạo hệ thống cảnh báo chống ngủ gật trên xe dành cho tài xế. “Đến năm học thứ 3, em và bạn Tiến học chung lớp đã rủ nhau thực hiện chế tạo hệ thống chống ngủ gật cho lái xe, đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học của trường năm học 2018 - 2019. Sau 6 tháng kiên trì học hỏi và tìm tòi, được sự hỗ trợ của các thày, nhóm chúng em đã thực hiện thành công đề tài”, Phương nói.

Em Nguyễn Minh Tiến thông tin thêm, khi thực hiện đề tài, cả hai cũng gặp nhiều khó khăn như: Không có ô tô để thử nghiệm nên việc cài đặt phần mềm tính sai số các trạng thái chạy thử nghiệm rất khó khăn. Ban đầu sản phẩm hoạt động không chính xác như mong đợi, tốc độ xử lý chậm. “Khó khăn lớn nhất là không có ô tô riêng để trực tiếp thực nghiệm nên việc kiểm tra (test) độ chính xác chưa cao. Sau nhiều ngày thiết kế, lập trình, cuối cùng sản phẩm đã hoàn thành sau khi lắp đặt trên xe có độ chính xác khá cao”, Tiến phấn khởi.

Cũng theo Lê Trung Phương, hiện ở nước ngoài cũng đã có các sản phẩm chống ngủ gật cho lái xe, tuy nhiên có sự khác biệt. Hệ thống chống ngủ gật do Phương và Tiến thực hiện có các điểm đáng chú ý như: Thay vì gắn trực tiếp thiết bị lên cơ thể gây khó chịu cho người lái, camera gắn trên xe hệ thống này sẽ xác định tình trạng tỉnh táo của tài xế thông qua tỷ lệ khuôn miệng, tính trong 1,2 giây cho phù hợp biểu hiện buồn ngủ thực tế. Ngoài ra, có thể tuỳ chỉnh tỷ lệ mắt, tỷ lệ miệng, từng thói quen, cử chỉ lái xe của tài xế.

“Đặc biệt, hệ thống có thể tích hợp trên mọi dòng xe. Các hình ảnh từ camera sẽ được lưu trữ ghi lại dữ liệu có thể kết nối các thiết bị không dây khác để chủ xe, người nhà có thể quan sát hoặc thậm chí phục vụ công tác điều tra TNGT. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục cải tiến xử lý hành vi chính xác hơn, gọn hơn”, Phương chia sẻ.

Sớm nâng cấp lắp trên ô tô để kéo giảm TNGT

img
Hệ thống chống ngủ gật gồm hệ thống camera sẽ cảnh báo nguy hiểm khi tài xế có dấu hiệu mất tập trung khi lái xe

Đánh giá về đề tài khoa học chế tạo hệ thống camera chống ngủ gật trên ô tô, Thạc sĩ Võ Thiên Lĩnh, giảng viên bộ môn Điện - Điện tử trường Đại học GTVT phân hiệu TP HCM - người trực tiếp hướng dẫn 2 sinh viên thực hiện đề tài cho biết: “Hai bạn rất đam mê tìm tòi sáng tạo. Sau nhiều tháng được sự hỗ trợ của nhà trường đã chế tạo thành công và được trao giải Nhì nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng vào thực tế cần phải nâng cấp cải tiến hoàn thiện thêm, sau đó sản xuất đồng loạt mang tính thương mại nhằm tránh tình trạng các công trình của sinh viên có tính ứng dụng cao không được áp dụng vào thực tế”.

Tiến sĩ Trần Xuân Hòa, Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ và Đối ngoại nhà trường cho biết thêm, đây là đề tài được nhà trường đánh giá rất cao và nằm trong chương trình các cuộc thi khoa học. Nhà trường sẽ hỗ trợ các em kinh phí thực hiện đề tài với sự hỗ trợ của giảng viên và một số chuyên gia trong ngành. Sau quá trình sàng lọc, những đề tài có tính thiết thực và khả thi sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo, đặc biệt là thương mại hóa.

“Đề tài chống ngủ gật cho lái xe là đề tài tốt có tính ứng dụng cao vào thực tế nhưng để đưa vào thương mại hóa phải còn được nâng cấp và chặng đường dài. Nhà trường đang hỗ trợ các em chỉnh sửa nâng tầm sản phẩm và hoàn tất các thủ tục kể cả pháp lý. Hiện đã có một số doanh nghiệp, các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu hoàn thiện đặt hàng để xúc tiến việc có thể sản xuất thương mại hóa trong tương lai”, Tiến sĩ Hòa nói.

Làm thế nào để ứng dụng vào thực tế?

Ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết, hiện có nhiều loại xe ô tô đã được nhà sản xuất trang bị hệ thống cảnh báo tài xế ngủ gật khi lái xe. Tuy vậy, sinh viên vẫn có thể biến sáng kiến trên thành sản phẩm ứng dụng vào thực tế.

Và để đưa vào thực tế, nếu đây là đề tài khoa học của sinh viên cần được hội đồng khoa học của nhà trường đánh giá, nghiệm thu, cũng như chế tạo thành sản phẩm cụ thể. Trường hợp thiết bị cảnh báo ngủ gật không làm thay đổi cấu trúc, đặc tính, nguyên lý làm việc, bố trí của các chi tiết, hệ thống tổng thành của xe ô tô thì người sử dụng được lắp thêm vào xe mà không cần cơ quan đăng kiểm kiểm định, chứng nhận.

H.Lộc

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.