Thời sự

Sinh viên giấu bằng để đi làm: Bộ sẽ rút kinh nghiệm!

19/11/2014, 10:27

Sáng nay, 19/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã có phiên trả lời chất vấn trực tiếp tại QH.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn trước QH sáng nay
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn trước QH sáng nay

Dành 11.000 tỷ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tiền lương

ĐB Phạm Tất Thắng đề cập đến kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực và giải pháp căn cơ giải quyết tiền lương cho các đối tượng là người có công, người về hưu và những người có thu nhập thấp khi mức thu nhập hiện nay chưa thực sự đảm bảo được cuộc sống của những đối tượng này.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, chính sách tiền lương hiện không đáp ứng được nhu cầu thực tế dù Nhà nước chi thêm 11.000 tỷ đồng để giải quyết. Chúng tôi được phân hai dự án là BHXH và tiền lương trong lĩnh vực người có công. Chúng tôi xây dựng xong hai dự án và gửi Bộ Nội vụ.

Hiện nay, lương của chúng ta đối với mức sống tối thiểu mới đạt 60%. Dành 11.000 tỷ chưa đáp ứng yêu cầu tiền lương. Tiến tới năm 2015 và 2016 lương đảm bảo mức sống tối thiểu nhưng do ngân sách chúng ta phải đi từng bước một theo tính toán của ngân sách. Với tình hình thu chi ngân sách hiện nay, việc dành 11.000 tỷ chỉ giải quyết được một phần vấn đề tiền lương cho người thu nhập thấp và đối tượng có công và người nghỉ hưu chứ chưa giải quyết được căn bản vấn đề tiền lương.

Trả lời vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội được ĐB Ngô Văn Minh chất vấn, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, theo báo cáo, tổng số nợ đọng bảo hiểm là 12.000 tỷ, trong đó nợ BHXH 7.000 tỷ và bảo hiểm thất nghiệp hơn 600 tỷ. Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng trên là do trách nhiệm của chủ sở hữu lao động. Một số DN còn khó khăn, ngay cả tiền lương cho lao động còn khó nên phần đóng bảo hiểm cho công nhân cũng khó. Còn về trách nhiệm của Bộ, bà Chuyền cho biết là do xử phạt các DN nợ đọng còn nhẹ, dẫn đến DN cố chây ỳ không đóng bảo hiểm vì nợ bảo hiểm còn hơn đi vay lãi ngân hàng. "Chúng tôi theo dõi và đến tháng 8, tháng 9 này, số nợ đã giảm hơn 200 tỷ đồng", bà Chuyền nói.

Sinh viên phải giấu bằng để đi làm

Đối với vấn đề nhiều sinh viên ra trường nhưng vẫn thất nghiệp được ĐB Ngô Văn Minh nêu, bà Chuyền thông tin, 1 năm chúng ta có trên 800 nghìn thanh niên ra trường. Ai cũng muốn học xong có việc làm, thu nhập, nhất là những gia đình phải vay tiền để đi học.

Đối với vấn đề ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu là hiện có nhiều DN phân biệt địa phương trong việc tuyển dung lao động, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thẳng thắn phản đối việc phân biệt trong tiếp nhận lao động theo địa phương. "Chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị phải rút ngay việc phân biệt ấy". Bà Chuyền cho rằng, việc này hoàn toàn trái với quy định hiện hành.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình kinh tế xã hội không phát triển như chúng ta mong muốn, có rất nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể nên việc tiếp nhận lao động rất khó khăn.

Hiện nay việc đào tạo nghề có chất lượng chưa cao, còn một số hạn chế đối với đào tạo nghề chất lượng cao. Đối với công tác giáo dục còn hạn chế là chưa gắn kết với nhu cầu xã hội, nhu cầu DN.

"Tuy nhiên, với các sinh viên ra trường mà không có việc làm, trong lúc đợi việc làm, nhiều ngươi chủ động tự tìm việc, như về quê giúp đỡ cha mẹ chứ không phải ngồi không", bà Chuyền nói.

"Nhiều ĐB đề cập đến các tường hợp tại sao sinh viên phải giấu bằng để đi làm? Tôi nghĩ làm việc là tự hào không việc gì phải giấu diếm. Về phía Bộ sẽ rút kinh nghiệm, phối hợp với Bộ GD-ĐT và các Trung tâm xúc tiến việc làm địa phương để định hướng", Bộ trưởng nói.

C.Sơn - N.Lê

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.