Xã hội

Sở GD&ĐT Gia Lai: Nợ nần doanh nghiệp vì "vướng quy trình"

18/05/2020, 22:57

Công trình do Sở GD&ĐT Gia Lai làm chủ đầu tư, hoàn thành rồi nhưng không thể thanh toán, dẫn đến nợ nần doanh nghiệp và vốn đã bị hủy...

img
Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai

Sở nợ doanh nghiệp vì vướng quy trình thanh toán

Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020 tại Gia Lai được giao cho Sở GD&ĐT Gia Lai thực hiện. Trong đó, năm 2019 được ngân sách cấp 22,4 tỷ đồng.

Trong số tiền ngân sách giao trên, Sở GD&ĐT tỉnh này đã triển khai 12 công trình cải tạo nhà ở học sinh, nhà bếp, khu vệ sinh của các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn 4 huyện gồm: K'Bang, Kông Chro, Chư Sê, Phú Thiện.

Các công trình đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng "vướng quy trình" khi quyết toán nên không thể thanh toán số tiền 5,67 tỷ đồng tại Kho bạc nhà nước (KBNN) tỉnh Gia Lai.

Theo quy định, Sở GD&ĐT phải phối hợp với Sở Tài chính, Sở KH-ĐT thẩm định danh mục các công trình dự án và trình UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt. Nhưng khi triển khai, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai đã tự khảo sát, tự phê duyệt danh mục cải tạo, sửa chữa các trường Trung học phổ thông bán trú trên địa bàn tỉnh rồi chỉ định đơn vị thi công vào thực hiện.

12 công trình đã được xây dựng, hoàn tất và nghiệm thu cuối năm 2019. Đến nay, nhiều tháng liền doanh nghiệp xây dựng chưa được thanh toán nên lâm cảnh nợ nần, không có tiền chi trả nhân công, vật tư thi công...

Thậm chí, có doanh nghiệp còn nợ tiền cơm khi đưa nhân công từ địa phương này đến địa phương khác thi công. Có doanh nghiệp cho biết, đã nhiều lần đến Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai đề nghị thanh toán nhưng vẫn bị kéo dài.

Đến nay đã gần nửa năm công trình hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng; doanh nghiệp đã xuất hóa đơn đỏ nhưng vẫn chưa được thanh toán. "Sự việc cứ kéo dài mãi thì doanh nghiệp lấy gì trả nợ vật tư vật liệu, lấy gì trả nhân công"m một doanh nghiệp nói và cho biết cuối tháng 5 này sở không cam kết trả tiền thì doanh nghiệp sẽ... kéo nhân công đến trụ sở.

Vì sao không tổ chức đấu thầu mà chỉ định thầu?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trương Quý Sửu, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, 12 công trình đã hoàn thành. Khâu thanh toán bị vướng do cách hiểu văn bản của KBNN. Hiện, Sở đã đề xuất xin chuyển nguồn.

"Chúng tôi đã liên hệ với Bộ GD&ĐT (liên hệ qua điện thoại, không văn bản) để hỏi và cán bộ ở Bộ nói có thể thanh toán được", ông Sửu nói.

Trả lời Báo Giao thông về việc vì sao gói 12 công trình không tổ chức đấu thầu mà chỉ định thầu? Ông Sửu cho biết 12 công trình nằm ở 4 huyện khác nhau, cách nhau xa và giá trị nhỏ, nên không tổ chức đấu thầu.

Liên quan đến vụ việc trên, đại diện KBNN tỉnh Gia Lai cho biết, đến thời điểm 31/1/2020, đơn vị chưa nhận hồ sơ thanh toán từ chủ đầu tư của các công trình trên là Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai.

Trước đó, đại diện Sở GD&ĐT đến trao đổi về hồ sơ thanh toán nhưng vướng quy trình nên vẫn chưa gửi hồ sơ thanh toán đúng theo thời gian theo quy định. Đến 31/1/2020, nguồn vốn trên bị hủy theo quy định Luật Ngân sách.

Liên quan đến vụ việc, một lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho biết, khi phát hiện vướng quy trình, Sở GD&ĐT nên trao đổi cặn kẽ với các đơn vị liên quan để tìm giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, vụ việc đến hết thời điểm quyết toán ngân sách theo quy định của nhà nước mà không có hồ sơ thì việc hủy ngân sách là điều tất nhiên. Nếu doanh nghiệp chưa lấy được tiền từ chủ đầu tư thì có quyền kiện ra tòa dân sự theo điều khoản hợp đồng nêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.