Vận tải

Sở GTVT TP.HCM rút lại đề xuất không cho người mới có GPLX chạy cao tốc

13/01/2022, 21:12

Sau khi nhận được phản hồi của người dân, Sở GTVT TP.HCM đã rút lại văn bản đề xuất trên để tiếp tục nghiên cứu.

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT quy định người có bằng lái ôtô trong vòng 1 năm kể từ ngày cấp lần đầu không chạy quá tốc độ 60km/h và không chạy xe trên cao tốc. Đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân. Hiện Sở GTVT đã rút lại văn bản đề xuất trên.

Nhiều ý kiến trái chiều quanh việc đề xuất cho người mới được cấp GPLX

img

Sát hạch lái xe tại một trung tâm đào tạo ở TP.HCM. Ảnh Đỗ Loan

Sở GTVT TP.HCM vừa gửi Bộ GTVT về góp ý sửa đổi bổ sung một số quy định của Thông tư 38/2019 và Thông tư 12/2015 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Theo đó, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT xem xét quy định về việc người có GPLX ô tô trong vòng 1 năm (kể từ ngày cấp lần đầu). Cụ thể là không được điều khiển phương tiện tham gia lưu thông với tốc độ trên 60km/h và không được điều khiển phương tiện lưu thông trên đường cao tốc.

Sau khi thông tin đăng tải trên Báo Giao thông, nhiều bạn đọc cho rằng đề xuất của Sở GTVT TP.HCM không hợp lý vì chưa đưa ra được bằng chứng cho thấy người mới được cấp bằng lái xe dưới 1 năm thì gây tai nạn nhiều hơn khi lái xe quá 60km/h hay khi lái xe trên đường cao tốc.

Anh Nguyễn Văn Đức, ngụ TP Thủ Đức chia sẻ: “Tại sao giấy phép lái xe trong năm đầu lại không được đi trên đường cao tốc, hay không được lái xe với vận tốc 60km/h. Sở GTVT không thể phủ nhận những kết quả người học được đào tạo, sát hạch lái xe học hành bài bản, đàng hoàng”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình việc ủng hộ đề xuất này vì cho rằng người mới được cấp bằng lái năm đầu chưa có kinh nghiệm. Anh Võ Mạnh Hùng, ngụ quận Bình Thạnh cho biết: “Tôi ủng hộ đề xuất của Sở GTVT, tôi có bằng lái xe 2 năm nay rồi mà chạy trên cao tốc vẫn thiếu tự tin. Trên thế giới nhiều nước cũng có quy định này, tôi cho rằng đề xuất này sẽ đảm bảo an toàn cho người mới có giấy phép lái xe”.

Sở GTVT TP.HCM đã rút lại văn bản đề xuất trên

Trao đổi với PV, một Giám đốc Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe có tiếng ở TP.HCM cho biết, đề xuất trên của Sở GTVT chưa hợp lý. Trung tâm đào tạo rất nhiều học viên, nhiều người sau khi có bằng lái chạy khá cứng, quá trình đào tạo được học bài bản, đàng hoàng thì họ có thể tự tin chạy xe.

Cũng theo vị giám đốc này, Sở GTVT có số liệu chứng minh được rằng những người có GPLX năm đầu gây ra tai nạn nhiều thì đề xuất trên mới thuyết phục được người dân.

Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia giao thông đô thị học cho rằng, đề xuất không cho người mới có GPLX năm đầu không đi đường cao tốc và không chạy quá 60km/h là không hợp lý. Người lái xe có bằng rồi, chạy cứng rồi họ có thể tự lái. Quy định được chạy tốc độ ở mỗi tuyến đường khác nhau, không thể có việc tuyến đường cho phép chạy 60km/h mà người mới có GPLX lại chỉ chạy 30-40km/h thì sẽ an toàn hơn. Chạy chậm với tuyến đường cho phép tốc độ cao sẽ còn nguy hiểm hơn chạy đúng theo quy định của luật giao thông đường bộ.

Ông Hòa nêu ví dụ, người có bằng tốt nghiệp đại học năm đầu, cái bằng đó không thể đánh giá là năm đầu không tốt bằng năm sau. Cái bằng đó lúc nào cũng vẫn có giá trị, tùy thuộc vào người thực hành và vận hành kỹ năng đó ra sao.

Trao đổi với PV, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, việc đề xuất này dựa trên tìm hiểu giấy phép lái xe tạm của một số nước như Mỹ, Úc… Ở những nước này cấp cho người mới có giấy phép lái xe quy định không được đi vào đường cao tốc, hạn chế tốc độ…

“Dựa trên cơ sở đó, Sở GTVT nghiên cứu và đề xuất Bộ GTVT. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chưa được kỹ, '9 người 10 ý', Sở GTVT trên tinh thần là muốn đảm bảo an toàn cho người lái xe nên đã có đề xuất như vậy”, ông An nói.

Hiện, Sở GTVT đã rút lại văn bản trên để tiếp tục nghiên cứu tiếp và đề xuất với Bộ GTVT.

Cũng theo ông An, theo thống kê về TNGT, người lái xe từ 1 năm đến 5 năm gây ra tai nạn khoảng 30% với độ tuổi từ 18-25 tuổi. Còn người lái xe trên 5 năm gây tai nạn ít hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.