Xã hội

Sở GTVT TP.HCM: Vỉa hè bị chiếm, cần xử lý người đứng đầu địa phương!

Theo đại diện Sở GTVT TP.HCM, để tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra tràn lan, cần xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các địa phương.

Sở GTVT TP.HCM đang xây dựng dự thảo thay thế Quyết định 74/2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố. Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý Khai thác Hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) để rõ hơn về đề án này, cũng như giải pháp dẹp loạn vỉa hè.

Vì sao lại cho thuê lòng đường, vỉa hè?

Được biết, hiện Sở GTVT TP.HCM đang dự thảo quyết định thay đổi Quyết định 74/2008 của UBND TP.HCM về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè. Quyết định thay thế này có gì mới và dự kiến khi nào được ban hành?

Trong dự thảo quyết định thay thế quyết định 74 nêu quan điểm rất rõ: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Các trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác, được quy định cụ thể trong dự thảo nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Việc quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải bảo đảm tuân thủ pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Chỉ những vỉa hè nào đủ điều kiện mới được sử dụng thêm ngoài mục đích giao thông. Tức là sẽ có danh mục các tuyến đường cụ thể, chứ không phải tuyến đường nào cũng được sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông.

Hiện, Sở GTVT đã hoàn thiện dự thảo, có tờ trình gửi UBND TP.HCM. Sở Tư pháp đang thành lập hội đồng thẩm định dự thảo để trình UBND TP ban hành.

img

Quan điểm nhất quán là vỉa hè phải dành cho mục đích giao thông. Những vỉa hè nào dành đủ 1,5m cho người đi bộ mới được quận, huyện đề xuất cho thuê một phần có thu phí

Vậy, việc sử dụng lòng đường, vỉa hè cho mục đích ngoài giao thông, có thu phí là để nhằm mục đích gì, thưa ông?

Sở GTVT dự thảo quy định ngoài mục đích giao thông, căn cứ theo Luật Giao thông đường bộ, Luật Phí và lệ phí, các Nghị định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đề án “Quản lý sử dụng tạm thời một phần hè phố: Thực tiễn và giải pháp” của Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố. Từ cơ sở của Quyết định 74/2008/QĐ-UBND và từ điều kiện thực tế các quận, huyện, đời sống của người dân…

Do đó, dự thảo nhằm mục đích tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả lòng đường, vỉa hè để tổ chức các hoạt động ngoài mục đích giao thông, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân..

Quy định về phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố được xây dựng căn cứ theo danh mục phí thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố được quy định tại Luật Phí và lệ phí năm 2015.

Vỉa hè nào rộng hơn 1,5m cũng được cho thuê?

Điều kiện lòng đường, vỉa hè như thế nào để có thể tổ chức các hoạt động có thu phí?

Đối với các công trình sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè có thu phí trong dự thảo cũng nêu các công trình và những điều kiện cụ thể.

Chẳng hạn, một tuyến đường muốn sử dụng lòng đường để phục vụ cho các hoạt động có thu phí, phần lòng đường còn lại cho phương tiện lưu thông phải có bề rộng tối thiểu đủ 2 làn ôtô cho một chiều đi và không áp dụng trên các tuyến đường đặc thù do UBND TP quyết định…

Một số hoạt động có thể sử dụng lòng đường có thu phí như: Điểm trung chuyển rác sinh hoạt của các doanh nghiệp vệ sinh môi trường; một số điểm được cho giữ xe.

Đối với vỉa hè, điều kiện tiên quyết là phải bảo đảm chiều rộng cho người đi bộ lưu thông tối thiểu từ 1,5 m; nếu không bảo đảm phải có lộ trình thay thế.

Một số hoạt động có thể sử dụng vỉa hè và có thu phí như: Điểm trông giữ xe hai bánh, các điểm kinh doanh buôn bán.

Tức là đường nào có lòng đường, vỉa hè đủ rộng như tiêu chí trên thì được đề xuất thực hiện các hoạt động có thu phí?

Không phải như vậy.

Trong tiêu chí có ghi rõ ràng, vỉa hè phải đảm bảo tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Những tuyến đường nào không đủ 1,5m cho người đi bộ thì không tổ chức các hoạt động ngoài giao thông như buôn bán, để xe.

Nhưng đây cũng chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Điều kiện đủ là phải có sự cấp phép của chính quyền địa phương.

Tuyến đường có bề rộng đủ 1,5m cho người đi bộ, nhưng quận, huyện không cấp phép thì cũng không được thực hiện các hoạt động có thu phí.

UBND các quận, huyện phải chủ trì đi rà soát từng tuyến đường cụ thể. Sau khi rà soát UBND các quận, huyện mời các cơ quan chức năng như Ban ATGT, Sở GTVT và Công an thành phố đi kiểm tra, thống nhất danh mục các tuyến đường.

Ví dụ tuyến đường Lý Tự Trọng qua quận 1, đoạn nào được phép kinh doanh, đoạn nào không được phép, trên cơ sở đó thống nhất các sở, ngành và quận, huyện bắt đầu ban hành các danh mục đó.

Để ban hành được danh mục, quận, huyện phải có hướng dẫn cụ thể. Bao nhiêu mét dành cho giao thông, cây xanh, chiếu sáng, bao nhiêu mét dành cho để xe, còn lại bao nhiêu phần được sử dụng kinh doanh buôn bán… Việc kinh doanh buôn bán được bày ra như thế nào chứ không phải để tràn lan chiếm hết vỉa hè.

img

Nhiều tuyến đường không đủ rộng theo tiêu chuẩn nhưng vẫn bị chiếm dụng để đặt các xe gom rác của đơn vị vệ sinh môi trường

Cần xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu

Hiện nay, có rất nhiều tuyến đường vỉa hè nhỏ hơn 1m, nhiều người dân hiện kinh doanh buôn bán vẫn sử dụng phần vỉa hè đó để xe (không thu tiền), như vậy có đúng hay không? (Như đường Nguyễn Du, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thị Riêng…)

Hiện nay, việc quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố thực hiện theo quy định tại Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND. Tại khoản 1, Điều 9 có quy định phạm vi vỉa hè được phép sử dụng.

Ngoài ra, theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 2 năm 2010 của Chính phủ có quy định “Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m”.

Do đó, các trường hợp không đáp ứng các quy định nêu trên không được phép tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

Lâu nay có nhiều chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, nhưng hiệu quả cũng chưa được như mong muốn. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra tràn lan, ngay tại những quận trung tâm. Theo ông nguyên nhân do đâu? Trách nhiệm này thuộc về ai? Muốn lấy lại vỉa hè cho người đi bộ bằng cách nào?

Việc quản lý, sử dụng vỉa hè được UBND thành phố giao cho UBND các quận – huyện, TP Thủ Đức. Các quy định trách nhiệm đã được Thành ủy, UBND thành phố quy định cụ thể như: Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 29/12/2016; Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND ngày 23/10/2008; Chỉ thị 22-CT/TU ngày 06/02/2023 của Thành ủy về tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP.HCM.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra tràn lan trên nhiều tuyến đường là do chính quyền địa phương quản lý và xử lý chưa nghiêm.

Do đó, đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố tại các văn bản nêu trên, đồng thời cần xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các địa phương nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.