Tài chính

Số hóa ngân hàng, lợi đủ đường sao vẫn khó triển khai?

26/11/2019, 07:00

Dù 94% ngân hàng Việt Nam đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số nhưng tính đến nay việc triển khai vẫn mang tính “chắp vá” về công nghệ.

img
Thanh toán phi tiếp xúc là một trong những ứng dụng của ngân hàng số

Trong đó còn chưa kể đã có trường hợp thất bại.

Lợi cả nhà băng lẫn khách hàng

Tháng 11/2017, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chính thức ra mắt ứng dụng ngân hàng số đầu tiên VietinBank iPay Mobile dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, ứng dụng này tương thích với hệ điều hành iOS, có thể chạy trên smartphone, máy tính bảng có kết nối internet. Ngoài việc cung cấp các sản phẩm tài chính ngân hàng (thanh toán, gửi tiết kiệm, trả lãi…), ứng dụng này còn cung cấp các dịch vụ phục vụ đời sống hàng ngày của khách hàng như: Xem phim, vé tàu, vé xe, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn…

Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, qua ứng dụng ngân hàng số, khách hàng vừa dùng thẻ tín dụng để thanh toán các hóa đơn, vừa tích được điểm mà không phải mất một khoản chi phí nào trong vòng 45 ngày. “Khách tới quầy, có thể phải chờ đợi 30 phút. Tuy nhiên, giao dịch trên online chỉ cần quá 10 giây là khách hàng có thể phản ứng và có thể không thực hiện giao dịch. Với ứng dụng công nghệ, chúng tôi đã nỗ lực cắt giảm thời gian chờ đợi xác minh giao dịch xuống còn 1-2 giây”, ông Lân nói.

Theo ông Lân, lĩnh vực ngân hàng hiện đang phải đối mặt với rất nhiều cạnh tranh, từ ngân hàng bạn đến những công ty công nghệ tài chính (FinTech) hay Telco (mô hình kinh doanh trong thế hệ số). “Ngân hàng vốn là ngành truyền thống nên thách thức lớn nhất là tìm cách làm mới mình; làm mới sản phẩm mà mình cung cấp; làm mới cách mình phục vụ, tương tác giao tiếp với khách hàng; làm mới cách mình xử lý quy trình, đánh giá rủi ro”, ông Lân nói và nhấn mạnh, chuyển đổi số cần tư duy từ cấp cao nhất và thấm vào trong văn hoá của ngân hàng, đến từng cá nhân bộ phận để có thể góp ý, có thể sáng tạo, có thể cải tiến hàng ngày.

Nghiên cứu của Công ty Tư vấn EY Việt Nam cho biết, trên toàn cầu, còn rất ít ngân hàng thực hiện mô hình truyền thống mà hầu hết đã chuyển sang ngân hàng số. Cuộc chạy đua ngân hàng số đang được đo bằng những tính năng ưu việt như: “Chạm và lướt” để xác thực thông tin; thanh toán bằng mã QR; thanh toán phi tiếp xúc; tương tác 24/7/365; chuyển và nhận tiền theo thời gian thực…

Phân tích lợi thế từ hiệu quả của mô hình ngân hàng ảo, ông Alex Kling, Giám đốc Ngân hàng Số EY Singapore khẳng định, chuyển đổi số không chỉ giúp ngân hàng giảm chi phí tăng doanh thu mà khách hàng cũng hưởng lợi rất nhiều. “Không có các chi nhánh như các ngân hàng truyền thống, ngân hàng ảo hoạt động dựa trên những nền tảng trực tuyến, tự động hóa cao; thực hiện các giao dịch theo thời gian thực. Hoạt động giao dịch sẽ do các kỹ sư điều hành chứ không phải các nhân viên truyền thống. Do đó chi phí điều hành được tiết kiệm rất nhiều. Phía ngân hàng cũng dễ tìm ra những thói quen của khách hàng qua những giao dịch trực tuyến để mở rộng các gói dịch vụ phù hợp”, ông Alex Kling chia sẻ.

Những rào cản

Khi nói về số hóa thì câu hỏi đặt ra đầu tiên là bao nhiêu nhân viên sẽ bị sa thải? Xin khẳng định, hành trình số hóa, máy móc không thay thế hoàn toàn công việc con người. Tuy nhiên, vai trò và chức năng nhiệm vụ của con người sẽ phải thay đổi. Chuyển đổi số giúp biến đổi các công việc để tạo ra những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Thay đổi gì thì cũng phải lấy khách hàng làm trung tâm phục vụ.
Ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc VPBank


Tại Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại, có tới 94% ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số; lượng thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng hơn 23,23%; giao dịch tài chính qua điện thoại tăng 110%... Tuy nhiên, theo ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Hội đồng thành viên FPT IS , đa số hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn hoạt động truyền thống với các chi nhánh giao dịch và chủ yếu số hóa các quy trình nội bộ. “Đã có ngân hàng phối hợp với công ty công nghệ để triển khai ngân hàng số nhưng thất bại. Ngân hàng ảo cũng đã có nhưng chưa thành công lắm”, ông Triều nhận định.

Lý giải thực trạng trên, ông Triều cho biết, nguyên nhân chính đến từ rào cản pháp lý và nhận thức của lãnh đạo các ngân hàng. “Ngân hàng Nhà nước ủng hộ cho triển khai ngân hàng số, Chính phủ cũng ủng hộ nhưng hiện việc kiểm soát rủi ro đang là vấn đề và chưa có chính sách để triển khai mô hình thí điểm. Trong khi đó, lãnh đạo các ngân hàng lại tỏ ra băn khoăn khi bỏ cả đống tiền vào ngân hàng số nhưng lợi nhuận chưa tương xứng thì có nên đầu tư không?”, ông Triều lý giải.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo FPT IS cũng nêu bất cập trong việc ứng dụng công nghệ tại các ngân hàng hiện nay đến từ sự “triển khai chắp vá”, chưa có hệ thống kiến trúc chuẩn.

Tại một hội thảo bàn về ngân hàng số mới đây, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank thừa nhận, việc “tiêu tiền” cho công nghệ không biết bao nhiêu là vừa, rất đắt đỏ, rất tốn kém và phải cân đối, vì chỉ tiêu cao nhất mà ban lãnh đạo ngân hàng nhận đầu năm là lợi nhuận, chứ không được giao chỉ tiêu chuyển đổi số. “Tôi cho rằng, phần lớn các Tổng giám đốc (CEO) là “con tin” của Giám đốc công nghệ thông tin (CIO). Nếu CEO không am hiểu về công nghệ sẽ rất khó để biết nên làm như thế nào. Theo đó, khi có vấn đề cần bàn luận, mảng kinh doanh và công nghệ cùng nói chuyện để cùng tháo gỡ vướng mắc”, ông Hưng nói.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank nhận định: “Công nghệ số có tuổi đời rất ngắn, nếu không thuyết phục được từ trên xuống dưới đồng lòng thực hiện thì tới khi làm xong rất có thể đã trở nên lạc hậu”.

Cho rằng công nghệ số sẽ thúc đẩy sự hoán đổi vị thế cạnh tranh giữa các ngân hàng, song ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc VPBank, cũng bày tỏ băn khoăn: “Vấn đề là làm thế nào để cân đối lấy ngắn nuôi dài, đảm bảo có lợi nhuận hôm nay đồng thời đầu tư trong tương lai”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.