Kinh tế

Sợ nhất "cái gì cũng thiết yếu, cũng độc quyền"

11/11/2014, 14:05

"Cái gì là thiết yếu, cái gì là độc quyền? Là nhà ở, điện, nước hay bất động sản hay sao….? Sợ nhất nếu sau này cứ nói cái gì cũng thiết yếu để đòi đổ vốn 100% Nhà nước vào tràn lan".

Các ĐBQH đề xuất thành lập một cơ quan quản lý độc lập DNNN. Ảnh minh họa: Tin tức
Các ĐBQH đề xuất thành lập một cơ quan quản lý độc lập DNNN. Ảnh minh họa: Tin tức

Vốn Nhà nước "như cây khế ngọt nhiều người hái"

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Doanh nghiệp (DN) sáng 11/11, Đại biểu Đỗ Văn Đương nhấn mạnh, nếu quy định vốn Nhà nước được phép đầu tư vào thành lập DN thuộc lĩnh vực cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước…. thì e chưa ổn.

“Quy định như thế ta có định liệu được không? Cái gì là thiết yếu, cái gì là độc quyền? Là nhà ở, điện, nước hay bất động sản hay sao….? Sợ nhất nếu sau này cứ nói cái gì cũng thiết yếu để đòi đổ vốn 100% Nhà nước vào tràn lan. Phải định tính hết sức căn bản để vốn Nhà nước không đi chệch hướng. Hãy để mọi thành phần kinh tế thức dậy để tạo ra mọi sản phẩm”- ĐB Đương nói.

Luật cần siết chặt phạm vi, lĩnh vực hoạt động của các DNNN đầu tư 100% vốn, các loại hình DN mà Nhà nước tham gia đầu tư vốn. Trong khi đó đầu tư vốn Nhà nước tại các DN theo các hình thức đầu tư quy định trong dự án Luật là tương đối rộng rãi, chung chung, thiếu cụ thể. Quy định như dự án Luật không siết chặt được mà còn tạo kẽ hở, hợp thức hóa việc chạy đua đầu tư.

Nói về những bất cập hiện nay, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, cứ nói Chính phủ, Bộ, ngành quản lý nhà nước không còn chủ quản các tổng công ty, các tập đoàn, nhưng thực tế hiện nay vẫn là “quản”. DN kêu trời vì muốn làm gì, mở rộng đầu tư vào đâu cũng phải “bẩm” từ dưới bẩm lên.

"Quan điểm của tôi, chính quyền địa phương chỉ làm các loại dịch vụ công ích phục vụ người dân. Còn bây giờ Chính phủ muốn làm kinh doanh thì tổ chức một số tập đoàn lớn, các tập đoàn đó điều lệ có thể trở thành đạo luật và hàng năm phải báo cáo trước Quốc hội"- Ông Trần Du Lịch nói.

Trong tương lai, một số DNNN lớn, tập đoàn phải có đạo luật riêng, hàng năm phải báo cáo hoạt động trước 90 triệu cổ đông mà người đại diện là Quốc hội. Họp Quốc hội chính là hội nghị đại cổ đông, chứ không thể giao hết cho Chính phủ. Một số tập đoàn lớn như dầu khí điện lực, khoáng sản thành tập đoàn kinh tế Nhà nước, thì phải xem lại quản lý...

Cần một Tổng Cục quản lý vốn Nhà nước tại DN?

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) kiến nghị Chính phủ cho thành lập Tổng Cục quản lý vốn Nhà nước tại DN (trực thuộc Chính phủ), trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện nay.

Còn theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), hiện tại vốn Nhà nước nằm trong các DNNN là hơn 1 triệu tỷ đồng và đang được nằm rải rác, phân tán tại tất cả các Bộ, ban, ngành và tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Sự phân tán này đã dẫn đến việc sử dụng vốn Nhà nước không thực sự hiệu quả, thậm chí có chỗ thừa mang gửi ngân hàng lấy lãi suất thấp, trong khi chỗ thiếu lại đi vay vốn với lãi suất cao.

Do đó, rất cần một cơ quan chuyên môn quản lý tập trung nguồn vốn này và cơ quan chuyên môn đó chịu trách nhiệm trước 90 triệu cổ đông. Quốc hội sẽ là cơ quan đại diện cho người dân để giám sát khoản vốn Nhà nước.

“Cần mô hình quản lý tập trung và mô hình này có thể áp dụng theo mô hình của Singapore, hình thành lên một Tổng Cục quản lý vốn nhà nước và chịu trách nhiệm báo cáo chi tiết. Cơ quan này sẽ tính toán nên đầu tư vào đâu, đầu tư vào thời gian nào để đạt được hiệu quả cao nhất. Trong thời gian trước mắt khi chưa xây dựng mô hình này, thì việc quản lý tập trung phải nằm ở Bộ Tài chính hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Theo Infonet

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.