Xã hội

Sợ phải chịu trách nhiệm, địa phương "ăn chắc" bằng "khoá cứng"

27/09/2021, 16:25

Đó là ý kiến của T.S Nguyễn Sĩ Dũng tại tọa đàm Tham vấn chuyên gia về kinh tế-xã hội do Văn phòng Quốc hội và Uỷ ban Kinh tế tổ chức sáng 27/9.

Sáng 27/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội.

Toạ đàm được tổ chức trực tuyến, tham vấn chuyên gia đầu tiên được tổ chức trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV với sự tham dự của khoảng 80 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực và các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế…

img

Quang cảnh buổi tọa đàm

Cần gấp gói trợ cấp tiền mặt tương đương 77.000 tỷ đồng

Tham luận tại Toạ đàm, ông Terence Jones, quyền Trưởng đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng, để đạt được đồng thời mục tiêu kép là hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và kích thích tăng trưởng kinh tế thì cần phải triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt càng nhanh càng tốt.

Ông Terence Jones khuyến cáo Chính phủ Việt Nam có thể triển khai ngay gói trợ cấp tiền mặt với quy mô tương đương 5% GDP một quý, tương đương khoảng 77.000 tỷ đồng, ngay trong những tháng cuối năm.

"Số tiền này sẽ tạo ra "hiệu ứng cấp số nhân" tới việc gia tăng tiêu dùng lớn hơn. Gói trợ cấp 77.000 tỷ đồng sẽ có tác động lớn đến tổng tiêu dùng tư nhân và tổng sản lượng kinh tế. Gói này vừa trợ giúp các các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vừa kích thích tăng trưởng kinh tế", ông Terence Jones nhấn mạnh.

Theo ông Terence Jones, cách triển khai nhanh nhất gói trợ cấp này là hướng tới đối tượng trẻ em. Mọi trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi (khoảng 11 triệu trẻ) xuất trình được giấy khai sinh chứng minh độ tuổi sẽ được hỗ trợ ngay.

Ngoài ra, có thể hỗ trợ phụ nữ mang thai, người cao tuổi từ đủ 60 tuổi (có khoảng 11,5 triệu người), đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên với điều kiện họ không có lương hưu, người khuyết tật...

Chính phủ cần giảm thiểu yêu cầu về thủ tục hành chính và áp dụng việc đăng ký trực tuyến cho những người thuộc diện hỗ trợ. Tiền hỗ trợ sẽ được chi trả hàng tháng hay một lần, áp dụng cho 3 tháng cuối năm.

Các gói hỗ trợ hiện nay còn chưa chạm đến lao động tự do

Đồng tình với quan điểm trên, ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, cần phải tăng tỷ lệ chi cho hỗ trợ người dân.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia về dịch vụ tài chính-ngân hàng, cho biết các quốc gia phát triển thường chi 16% GDP, gồm chính sách tài khóa vào khoảng 10% GDP, gói chính sách tiền tệ vào khoảng 6% để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Các nước mới nổi như Việt Nam bình quân hỗ trợ 7,7% GDP.

Nhóm nghiên cứu của ông cho biết, thực chi của Việt Nam trong năm 2020 chỉ khoảng 2% GDP, trong khi năm 2021 thậm chí còn dưới 1% GDP.

"Chúng ta cần thêm những gói hỗ trợ nữa. Thậm chí các gói hỗ trợ hiện nay còn chưa chạm đến lao động tự do", ông Lực nói.

Chúng ta đã áp đặt mô hình "zero COVID" quá dài

Tham luận tại tọa đàm, PGS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh đến vấn đề chuỗi cung ứng ngành chế tạo chế biến đã bị gián đoạn một phần do tác động của đại dịch Covid-19. Tác động này thể hiện rõ nhất vào tháng 8 với các đầu mối bị tác động mạnh là ở khu vực TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Ông Chương cho biết, chỉ số của lĩnh vực chế biến, chế tạo vào tháng 8 cho thấy công đoạn hạ nguồn của chuỗi cung ứng (xuất khẩu và bán lẻ) đang bị thu hẹp.

Trong khi đó, công đoạn thượng nguồn gồm nhập khẩu có xu hướng mở rộng. Nguyên nhân có thể là các nhà sản xuất vẫn phải tiếp tục thực hiện các hợp đồng ký kết trước đó. PGS. Phạm Hồng Chương chỉ ra nhiều nguyên nhân cơ bản khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Theo ông, quan điểm chống dịch lấy phòng hơn chống khiến các địa phương bị động chuyển đổi trạng thái không kịp thời.

T.S Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, chúng ta đã áp đặt mô hình "zero COVID" quá dài, chúng ta đã phong toả "cứng" đất nước quá lâu, trên thực tế chỉ cần phong toả "cứng" đất nước 7 ngày, sau đó phải chuyển đổi mô hình chống dịch.

"Theo tôi, quan trọng là chuyển đổi mô hình chống dịch. Việc này, Thủ tướng đã có ý kiến nhưng các địa phương vẫn thực hiện rất khác nhau vì người đứng đầu chiu trách nhiệm nếu để xảy ra bùng phát Covid-19 nên nhiều địa phương "ăn chắc" bằng cách "khoá cứng", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, điều đó làm đổ vỡ hết chuỗi cung ứng. Ví dụ như TP.HCM cấm hết các chợ, chỉ cho siêu thị vậy lợi nhuận siêu thị thế nào? Tất cả những cái đó đánh vào người nghèo, vì chợ truyền thống không được hoạt động thì người dân bắt buộc vào siêu thị mua đồ. Bên cạnh đó, những người sản xuất nhỏ lẻ cũng không tiếp cận siêu thị để bán hàng hoá được.

"Chính vì vậy, khi chuyển đổi mô hình chống dịch thì chúng ta phải mở cửa chợ truyền thống trước vì hàng triệu người sống nhờ đó, không chỉ người mua mà cả người bán. Khi ban hành chính sách thì cần phải cân nhắc không tạo bất bình đẳng cho nền kinh tế", T.S Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh.

4 bài học để đi vào trạng thái bình thường

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - ông Jacques Morisset, thì Việt Nam cần có kế hoạch trong trường hợp Covid-19 tiếp diễn trong một năm tới.

Ông Jacques Morisset chỉ ra 4 bài học để đi vào trạng thái bình thường mới, gồm: Tiêm chủng (đồng thời với xét nghiệm) có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát đại dịch, và cũng để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế; Việc hạn chế đi lại cần có nhưng phải linh hoạt, đúng lúc và cách ly có mục tiêu - điều này giúp cân bằng mối quan hệ về an toàn và kinh tế.

Ngoài ra, cần tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Để làm được việc này, các thủ tục ngân sách cần được Quốc hội phê duyệt, giám sát. Đồng thời, minh bạch trong những gói giải cứu do các ngân hàng thương mại cung cấp và tăng cường trợ giúp xã hội để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nhóm dễ bị tổn thương và hạn chế gia tăng bất bình đẳng.

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, từ nay đến quý I/2022, Chính phủ cần ưu tiên phòng chống dịch, kết hợp các chính sách vĩ mô, giúp doanh nghiệp trụ vững qua giai đoạn khó khăn. Sau đó đến hết năm 2023, khi dịch đã kiểm soát thì cần từng bước nới lỏng, kích cầu nền kinh tế, tăng cường cải cách môi trường kinh doanh.

Giai đoạn sau năm 2023, cần tiếp tục bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách kinh tế sâu rộng hơn. Đồng thời, Chính phủ cũng nên đẩy nhanh tiến độ các gói hỗ trợ người dân, thường xuyên đánh giá kết quả, tháo gỡ ngay những khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đặt sức khỏe người dân lên trên hết

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội đã quyết định mở lại diễn đàn kinh tế thường niên sau một thời gian gián đoạn từ năm 2017.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội lắng nghe các ý kiến của chuyên gia, các bộ ngành đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công của năm 2021 để có những căn cứ khoa học, thực tiễn quyết sách những vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách của năm 2022, phục vụ trực tiếp cho kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.

Đây cũng là tiến trình thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, cũng như nghị quyết của Quốc hội về khung khổ 5 năm đã được quyết sách tại kỳ họp thứ nhất.

Nhận định về xu hướng trên thế giới và kế hoạch tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: World Bank dự báo tăng trưởng khoảng 5,6% trong năm 2021, ADB thì dự báo khoảng 6%. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế trên toàn cầu đang có sự phân hóa sâu sắc, nhóm các nước phục hồi mạnh, những nước phát triển cao, do chủ động được vaccine sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, quy mô các gói hỗ trợ, kể cả tài khóa và tiền tệ là rất lớn, thậm chí một số nước người ta gọi là siêu nới lỏng.

"Nhóm thứ hai là nhóm các nước phục hồi chậm có thể đối mặt với rủi ro bùng phát trở lại của dịch bệnh, và số ca tử vong tăng lên, những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam của chúng ta", Chủ tịch Quốc hội nói.

Với thực tế đó, Việt Nam cần lưu ý một số chính sách, thực hiện mục tiêu kép nhưng cần phải ưu tiên theo diễn biến của từng giai đoạn, địa bàn cụ thể. Trước mắt, tập trung nhiều hơn cho chống dịch và đặt sức khỏe người dân lên trên hết, đây cũng là kết luận của Bộ Chính trị về nội dung này.

Về biện pháp phòng, chống và thích ứng với đại dịch Covid-19, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ngày càng có nhiều nước chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh. Chuyển từ các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách, truy vết là chính sang các biện pháp như vaccine, giảm tỷ lệ tử vong thay vì giảm ca nhiễm. Điều kiện là tiêm chủng ít nhất phải đạt được khoảng 60-70%...

Đặc biệt, cần lưu ý các yếu tố linh hoạt, điều chỉnh để thích ứng, tính toán kỹ bài toán lợi ích và chi phí, trong đó có lợi ích về kinh tế, y tế, kinh tế - xã hội nói chung, duy trì sinh hoạt không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Để làm được điều này cần phải có khung chính sách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.