Xã hội

"Số phận" Luật về Hội, Luật Biểu tình sau nhiều lần hoãn giờ ra sao?

13/03/2019, 11:34

Sau nhiều lần được "đưa vào, rút ra", Luật về Hội, Luật Biểu tình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

img
Ảnh minh hoạ

Chính phủ vừa có Tờ trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Trong đó, Chính phủ báo cáo cụ thể về tiến độ xây dựng chương trình luật, pháp lệnh thời gian qua.

Báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị một số dự án Luật

Về tình hình chuẩn bị một số luật đã từng nhiều lần “đưa vào, rút ra” từ năm 2016- 2018, Chính phủ cho biết các Luật này gồm: Luật về Hội, Luật Biểu tình, Luật quản lý phát triển đô thị, Luật Dân số, Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu).

Trong đó, với Luật về Hội, thực hiện Công văn số 69 ngày 30/11/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật về Hội; xây dựng dự thảo Báo cáo đánh giá tác động đối với nội dung mới của dự án Luật này.

Ngày 8/5/2018, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có Công văn gửi Đảng đoàn Quốc hội để thống nhất một số nội dung về dự án Luật để báo cáo cấp có thẩm quyền. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Đảng đoàn Quốc hội, ngày 16/7/2018, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có Tờ trình báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Với Luật Biểu tình, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu tình bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Với Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật theo hướng xây dựng một luật chung. Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật vào tháng 11/2018.

Xin rút Luật đất đai sửa đổi khỏi chương trình

Lần này, Chính phủ cũng đề nghị rút ra khỏi Chương trình 2 dự án luật, trước hết là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường. Chính phủ cho rằng cần có thêm thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là vấn đề mở rộng đối tượng chịu thuế có tác động xấu đến môi trường.

Bên cạnh đó, tháng 10/2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019), trong đó một số mặt hàng như xăng, dầu đã được điều chỉnh lên mức trần trong khung thuế suất hiện hành. Do vậy, cần có thời gian để các quy định mới đi vào cuộc sống, trên cơ sở đó đánh giá cụ thể tác động của việc điều chỉnh khung thuế đối với định hướng sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường và mức độ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai cũng được xin rút khỏi chương trình với lý do hiện nội dung còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề: đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn…

Chính phủ cũng đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Lý do được Chính phủ đưa ra là để có thêm thời gian nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, nhất là các vấn đề về y tế cơ sở, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng nhân viên y tế, quản lý chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…

Hơn nữa, trong quá trình soạn thảo cũng phát sinh một số chính sách mới, do đó, cần phải được tổng kết, đánh giá thực trạng pháp luật và nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ hơn các chính sách mới phát sinh này, nhằm bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự án Luật.

Theo đánh giá của Chính phủ, trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, bên cạnh những mặt tích cực còn một số hạn chế, tồn tại, xuất phát từ việc các quan ngang bộ phải dành nhiều thời gian cho công tác chỉ đạo, điều hành nên thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế.

Bên cạnh đó, lãnh đạo một số cơ quan vẫn chưa chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng pháp luật; chưa quan tâm lập kế hoạch một cách chi tiết, khoa học cho việc lập đề nghị xây dựng và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.