Hậu trường sao

Sở thích rau muống xào của nhà vô địch AFF Cup 2018

22/12/2018, 07:50

Mạnh mẽ, quyết liệt trên sân nhưng Trần Đình Trọng lại là chàng trai nhút nhát, rụt rè ngoài đời.

31

Trần Đình Trọng (trái) là mẫu cầu thủ chơi bóng thông minh - Ảnh: AFF

Không có bóng đá, cuộc sống của tôi không còn ý nghĩa

Ở tuổi 21, anh đã vô địch V-League cùng CLB Hà Nội, vô địch AFF Cup 2018 cùng đội tuyển Việt Nam. Trước đó là ngôi Á quân giải U23 châu Á 2018, anh có nghĩ đó là một sự ưu ái của số phận?

Tôi nghĩ mình may mắn khi được đứng trong ba tập thể tuyệt vời là CLB Hà Nội, đội tuyển U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam, nơi có những những đồng đội xuất sắc. Còn thành công là do chúng tôi giành được bằng nỗ lực, mồ hôi, nước mắt và cả máu chứ không có sự ưu ái nào ở đây cả. Trên thế giới có rất nhiều danh thủ giành mọi vinh quang từ khi chưa tròn 20 tuổi. Quan trọng là bạn có đam mê và có khả năng.

Được đề cử Quả bóng Vàng Việt Nam 2018, anh nghĩ mình sẽ nhận được danh hiệu này?

Tất cả các cầu thủ trong danh sách đề cử, theo tôi, đều xứng đáng giành Quả bóng Vàng. Vì mọi người đã có một năm thi đấu xuất sắc, tạo nên những kỳ tích cho bóng đá việt Nam.

Nếu phải lựa chọn ra điểm nổi bật nhất trong lối chơi của mình, anh sẽ chọn yếu tố nào?

Điểm nổi bật nhất của tôi chính là tư duy chiến thuật. Tư duy chiến thuật giúp tôi dự đoán được những tình huống trên sân, chơi bóng đơn giản hơn, hiệu quả hơn.

Lăn lộn cùng trái bóng từ lúc 2-3 tuổi cho đến khi thành danh, anh có bao giờ cảm thấy chán bóng đá và muốn từ bỏ?

Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ đó, dù nhiều thời điểm gặp khó khăn. Với tôi, bóng đá là cuộc sống, nếu không có bóng đá, cuộc sống của tôi không còn ý nghĩa. Tôi luôn muốn mình trở thành một cầu thủ tử tế đúng nghĩa. Chơi bóng và hưởng thành quả từ sức lao động của bản thân.

Trong số các tiền đạo từng đối mặt tại AFF Cup 2018, anh thấy ngại cầu thủ nào nhất?

Mỗi tiền đạo đều có điểm mạnh riêng, gây cho tôi những khó khăn khác nhau. Ví dụ như tiền đạo Talaha của Malaysia chơi rất quái, anh ấy thoắt ẩn thoắt hiện và nếu không tập trung sẽ để sổng bất cứ lúc nào. Tiền đạo Aung Thu của Myanmar lại rất khỏe, luôn tìm mọi cách tì đè để vượt qua. Điều quan trọng nhất với một hậu vệ là phải giữ được sự chủ động chứ không nên để bị cuốn theo cách chơi của đối phương.

Nhút nhát ngoài đời, quyết liệt và tự tin trên sân

Anh luôn “cắm thùng” khi thi đấu, một hình ảnh rất lạ. Trong những đường bóng, anh cũng luôn chơi an toàn, anh là người cầu toàn và thận trọng trong mọi việc?

“Cắm thùng” khi ra sân là thói quen của tôi, giúp tôi cảm thấy tự tin hơn trong từng đường bóng. Nhưng tôi không cho rằng mình là người cầu toàn, tôi chỉ cố gắng làm mọi việc tốt nhất trong khả năng.

Ngoài đời, tôi e dè, nhút nhát nhưng trên sân lại quyết liệt, mạnh mẽ. Bản thân tôi cảm nhận rất rõ sự mâu thuẫn này, nhưng nó hợp lý. Trong cuộc sống, tôi không có ý nghĩ ăn thua với bất kỳ ai, nhường nhịn được tôi sẽ nhường. Nhưng trên sân thì không thể có chuyện nhường nhịn, tôi phải thắng bằng mọi giá mà một trung vệ nếu muốn chiến thắng tiền đạo đối phương thì buộc phải “máu”.

Bố mẹ nhận xét Trọng là người con sống tình cảm, gia đình có vai trò như thế nào với anh?

Gia đình giúp tôi cân bằng cảm xúc những lúc khó khăn, chênh vênh. Là nơi tôi muốn về nhất sau những ngày thi đấu, tập luyện mệt mỏi. Tôi sinh ra ở vùng quê ngoại thành Hà Nội nên nếp sinh hoạt cộng đồng vẫn đậm chất làng. Cả làng hễ có chuyện gì vui buồn đều quây quần bên nhau. Từ ngày tôi theo bóng đá chuyên nghiệp, giành được vài thành tích nhất định, mỗi lần về nhà họ hàng và bà con hàng xóm đều qua chơi, thăm hỏi. Chỉ có chén nước chè nhưng tình cảm đậm đà lắm. Tình cảm này tôi luôn mang theo và cũng cảm thấy nhớ nhất khi xa nhà. Tôi cũng rất nhớ món rau muống xào, thịt rang cháy cạnh của mẹ. Chắc mẹ làm hai món này ngon nhất trên đời.

Hành trình từ một cậu bé nhà quê đến chàng trai vô địch Đông Nam Á của anh có nhiều thăng trầm. Nếu phải nhắn nhủ một câu tới những cầu thủ trẻ, anh sẽ nói gì?

Các em luôn phải có niềm tin và không ngừng nỗ lực. Những lúc vấp ngã hãy đứng dậy, nhìn lại đoạn đường dài mình đã đi để bước tiếp bởi nếu quay đầu, các em là người thất bại.

Cảm ơn Trọng về cuộc trò chuyện!

Trần Đình Trọng sinh ngày 25/4/1997 tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Anh được đào tạo tại Trung tâm Bóng đá trẻ thuộc Sở VH-TT Hà Nội từ năm 11 tuổi. Ngày nhỏ, Trọng khá mập nên các thày đặt biệt danh là Trọng “ỉn”. Năm 17 tuổi, Đình Trọng được chuyển giao cho Hà Nội FC tiếp tục đào tạo. Hai mùa giải 2016, 2017, Trọng thi đấu cho CLB Sài Gòn theo dạng cho mượn. Mùa giải 2018, anh được CLB Hà Nội triệu hồi và trở thành trụ cột của đội bóng Thủ đô giành chức vô địch V-League 2018. Ở cấp độ đội tuyển, Đình Trọng từng khoác áo U20, U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.