Giao thông

Soán ngôi số 1 nhờ cao tốc

16/02/2015, 08:28

Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đưa vào khai thác mở toang cánh cửa để Thái Nguyên đón luồng vốn đầu tư.

222

Ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên

Khơi thông huyết mạch

Chỉ hơn năm trước, mỗi lần lên Thái Nguyên, hành khách phải vật vã trên những chuyến xe khách rùa bò, nhích từng mét trên QL3 chật chội. Tuyến đường này khi ấy ùn tắc và TNGT luôn thường trực bởi nó là tuyến huyết mạch duy nhất từ các tỉnh Việt Bắc: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên nối với đồng bằng và Thủ đô Hà Nội. Đường xấu, tai nạn gia tăng khiến tuyến đường này còn được ví như một “cung đường tử thần” gần chục năm qua, luôn chiếm đến 40 - 50% số vụ, số người chết do TNGT trên toàn tỉnh. Sự khó khăn, trắc trở về giao thông đã trở thành điểm nghẽn bịt lối thông thương và giao lưu của một địa phương ngay cửa ngõ Thủ đô.

Trước yêu cầu khơi thông một trong những tuyến huyết mạch quốc gia, giảm tải cho QL3, tháng 11/2009, dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã được khởi công xây dựng. Sau 5 năm xây dựng, tuyến đường này hoàn thành và đưa vào khai thác đã mở toang cánh cửa đối với Thái Nguyên và các tỉnh Việt Bắc. Hiệu quả tức thời nhất mà tuyến đường đem lại là đã giúp Thái Nguyên kéo giảm sâu nhất TNGT từ trước đến nay. Trong đó, năm 2014, TNGT trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí với gần 28% số vụ, gần 14% số người chết và hơn 32% số người bị thương. Có được điều này do TNGT trên tuyến QL3 đã giảm nhiều và không còn là điểm nóng so với trước.

Ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên cho biết, cái lợi dễ thấy nhất đối với người dân khi cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đưa vào khai thác là giao thương, đi lại đã thuận tiện hơn nhiều. Giờ, thời gian đi lại giữa Thái Nguyên với Hà Nội giảm xuống một nửa. Trước nếu đi QL3 vào ngày cao điểm có khi mất đến 3 giờ, nay chỉ còn chưa đầy 1,5 giờ.

Nói về ý nghĩa của tuyến đường này, ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban QLDA 2, đơn vị là đại diện chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cho biết, các tỉnh Việt Bắc như: Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế. Vì thế, việc đầu tư, xây dựng tuyến cao tốc này như một điểm tựa, là đòn bẩy để Thái Nguyên cất cánh, phát triển.

Có cao tốc, Thái Nguyên đã rút ngắn cả về khoảng cách lẫn thời gian với Thủ đô. Các dự án được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mà tiêu biểu nhất là tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên - Giai đoạn 2 vừa chính thức được tỉnh Thái Nguyên cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký lên tới 3 tỷ USD đã làm thay đổi bộ mặt và cán cân kinh tế của địa phương. Nếu không có cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cũng không thể có dự án tỷ đô ấy. Giờ có đường, thậm chí đường chưa xong, các nhà đầu tư đã đổ đến, các khu công nghiệp đã mọc lên san sát.

“Trong thời kỳ kháng chiến, nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Ở đâu đau đớn giống nòi; Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”. Vì thế con đường cao tốc trong thời bình này chính là con đường đền ơn đáp nghĩa cho đồng bào Việt Bắc đã một lòng đi theo cách mạng”, ông Sơn tâm sự.

221

Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên giúp giảm thời gian đi lại giữa Thủ đô và tỉnh Thái Nguyên chỉ còn hơn 1 giờ so với 3 giờ trước đây - Ảnh: Dương Linh

Nhà đầu tư xếp hàng

Theo ông Trương Văn Phụng, ngay sau khi cao tốc chuẩn bị hoàn thành, đầu năm 2013, Samsung đã quyết định đầu tư vào Thái Nguyên. Tức là trước đó hơn một năm họ đã tính đến những hiệu quả của con đường này mang lại. Bây giờ, các nhà đầu tư đang ồ ạt đăng ký vào khiến cho có huyện còn không có đủ mặt bằng để bố trí.

Những năm trước, Thái Nguyên còn nằm trong số những tỉnh có mức tăng trưởng khá khiêm tốn, chỉ từ 6 - 7 %. Tuy nhiên, năm 2014, Thái Nguyên đã cất cánh thực sự, khi tốc độ tăng trưởng lên đến 20% - một con số mà trước đây dù những người lạc quan nhất cũng không dám mơ tới. Đây cũng là kỷ lục chưa từng có tiền lệ.

“Có thể trước mắt đối với người dân ven đường, tuyến đường này chưa mang lại giá trị trực tiếp nhưng về tổng thể, khi các khu công nghiệp phụ trợ vào hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp tăng lên, giá trị xuất khẩu cũng tăng theo, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Một vài năm sau, chắc chắn thu nhập của người dân Thái Nguyên do đường cao tốc mang lại sẽ rõ hơn”, ông Phụng chia sẻ.

"Việc hoàn thành tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có vai trò quyết định đến việc phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Nếu không có tuyến đường này, chắc chắn Thái Nguyên không thể có những bước đột phá về thu hút vốn đầu tư và tăng trưởng kỷ lục đó”.

Ông Dương Ngọc Long
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên

Huyện hưởng lợi nhiều nhất khi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hoàn thành phải kể đến là Phổ Yên. Còn nhớ mấy năm trước, Phổ Yên vẫn là một huyện thuần nông.

Vậy mà giờ đây mảnh đất này đã rộn ràng, tấp nập khi những nhà máy, xí nghiệp, nhà cao tầng đua nhau mọc lên. Hai năm trở lại đây, với việc đón đầu tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, các nhà đầu tư đã ồ ạt rót vốn vào các khu công nghiệp của huyện khiến bộ mặt địa phương thay da, đổi thịt từng ngày. Dáng dấp một thành phố công nghiệp không còn xa. Nhờ có sự đầu tư ấy nên tốc độ GPD năm 2014 của huyện nghèo này đạt tới 152%, GDP đầu người đạt 136 triệu đồng/người/năm.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Năm 2014 có thể coi là một năm đột phá về mọi mặt của tỉnh từ tốc độ phát triển (GDP) đến thu hút nguồn vốn đầu tư và chỉ số cạnh tranh”.

Theo ông Long, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên chính là động lực quan trọng nhất thúc đẩy và tạo ra sự đột phá đó. Có cao tốc, khoảng cách giữa Thái Nguyên với Hà Nội rất gần đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Trong mấy năm qua, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Thái Nguyên đã được nâng cao, hiện đang đứng thứ 17/63 tỉnh, thành. Kết quả thu hút vốn FDI cũng ngày càng tăng. Năm 2013, Thái Nguyên thu hút được 6,4 tỷ USD, trong đó Tập đoàn Samsung đầu tư vào Thái Nguyên nhà máy lớn nhất toàn cầu và tiếp tục mở rộng sản xuất đã kéo thêm nhiều dự án FDI khác.

Đến nay, trên địa bàn Thái Nguyên đã có đến 70 dự án FDI với tổng số vốn xấp xỉ 7 tỷ USD. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên đã đạt con số 175 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với năm 2013, xuất khẩu đạt xấp xỉ 9 tỷ USD, tăng gấp 37 lần so với năm 2013. Việc tăng trưởng các chỉ số trên nên năm 2014 đã tạo ra thêm trên 50 nghìn việc làm cho người dân. Tổng thu ngân sách của tỉnh năm 2014 đạt gần 4.800 tỷ.

“Đến thời điểm này, số lượng các nhà đầu tư có nhu cầu tại Thái Nguyên vẫn tiếp tục gia tăng.Trên đà tăng trưởng của năm 2014, chắc chắn sẽ duy trì tiếp cho năm 2015, Thái Nguyên đã tạo được tiền đề vững chắc cho các bước phát triển trong tương lai nhờ cơ sở hạ tầng giao thông đi trước, mở đường”, ông Long nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.