Ngày 18/6, theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản giao Sở NN&PTNT tỉnh này chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan rà soát, phân tích đánh giá tình hình bất cập trong hoạt động nuôi tôm ở tỉnh, nghiên cứu, có báo cáo đề xuất UBND tỉnh.
Nuôi tôm ở Sóc Trăng
Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng, qua nắm thông tin tình hình thực tế, dư luận phản ánh tình trạng bất cập trong hoạt động nuôi tôm như: các nhà máy chế biến thủy sản ưu tiên nhập khẩu tôm nguyên liệu về chế biến khiến giá tôm trong tỉnh giảm; giá vật tư đầu vào trong nuôi tôm khi đến tay người dân quá cao so với giá đại lý.
Từ đó, người nuôi tôm đề nghị chính quyền có giải pháp với tình trạng các nhà máy ưu tiên nhập khẩu tôm nguyên liệu làm giá tôm nuôi trong tỉnh giảm, gây thiệt thòi cho người nuôi tôm; có biện pháp kiểm soát giá; đề nghị hỗ trợ cho hợp tác xã, tổ hợp tác doanh nghiệp, người nuôi tôm được vay vốn mua vật tư, thức ăn trực tiếp từ nơi sản xuất để có giá bằng với giá đại lý.
Một người nuôi tôm ở thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Người nuôi tôm hiện nay đang gặp khó khi giá vật tư, thức ăn, thuốc thú y thủy sản tăng cao, trong khi đó giá tôm lại không tăng, thậm chí giảm, nên người nuôi tôm lỗ nặng”.
Như Báo Giao thông đã thông tin, đặc biệt, ở địa phương có một số nhà máy chế biến tôm ưu tiên nhập khẩu tôm nguyên liệu về để chế biến vì giá tôm nguyên liệu từ nước ngoài rẻ hơn so với tôm nuôi tại địa phương. Vì thế giá tôm nuôi trong tỉnh giảm, không có đầu ra ổn định.
Công nhân chế biến thủy sản ở Sóc Trăng
Một số nhà máy chế biến tôm cũng tổ chức nuôi tôm để chủ động, ổn định nguồn nguyên liệu trong sản xuất nên tôm của nông dân nuôi bí đầu ra, bị thương lái ép giá.
“Chúng tôi đề nghị chính quyền cần có giải pháp với những nhà máy chỉ ưu tiên nhập khẩu tôm nguyên liệu từ nước ngoài làm cho giá tôm nuôi trong tỉnh giảm.
Đồng thời có biện pháp kiểm soát giá, không để các đại lý tùy tiện nâng giá vật tư, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, gây khó khăn cho người nuôi tôm và hỗ trợ người nuôi tôm vay vốn, mua thức ăn trực tiếp từ nơi sản xuất. Được như thế, người nuôi tôm mới mong sống được với nghề”, nông dân này bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận