Chất lượng sống

Sốc với trò câu like phản cảm của giới trẻ

24/10/2018, 08:05

Mạng xã hội được ví như “thiên đường” để thả và phát tán “virus” tin độc với muôn vàn chiêu trò giật sốc...

19

Cô gái trẻ tại Nghệ An dựng cảnh giả chết tung lên mạng để “trả đũa” bạn trai

Giả… chết để bạn trai bị nguyền rủa trên mạng

Mới đây, cộng đồng mạng được phen rần rần phẫn nộ với bài viết về cô gái M. (Anh Sơn, Nghệ An) bị bạn trai ruồng bỏ đã phải tìm tới cái chết đau đớn bằng cách uống thuốc sâu.

Theo bài viết, sau khi yêu nhau 3 năm, M. đã mang thai, song bạn trai nhất quyết không thừa nhận là tác giả, thậm chí người này còn nhắn tin chửi rủa M. bằng những lời lẽ cay nghiệt. Vì quá sốc và buồn chán, M. đã bị sảy thai. Thay vì được chia sẻ, một lần nữa cô lại nhận về sự vô tâm với những câu chửi miệt thị nặng nề của nhân vật nam chính. Hậu quả, cô gái đã uống rất nhiều thuốc sâu tự tử và đã không qua khỏi. “Câu chuyện đáng lẽ có một cái kết đẹp nhưng tư cách kém, ý thức tồi của một thằng con trai đã vô tình đẩy em vào bức tường tử thần”, tác giả bài viết kết luận. Để thêm phần thuyết phục, bài viết còn gắn kèm hình ảnh tin nhắn trao đổi giữa hai nhân vật khá khớp với nội dung câu chuyện, hình ảnh cô gái trẻ mặt trắng bệch nằm im trên giường và cả ảnh bàn thờ người đã mất. Chưa hết, tên người bạn trai được nhắc tới cũng được đính kèm vào bài viết để có “người thật, việc thật”.

Rất nhanh chóng sau đó, bài viết đã được hàng nghìn lượt chia sẻ cùng với những lời bình luận muôn sắc thái, trong đó đa phần phẫn nộ thay cho cô gái “đáng thương” và chửi rủa không tiếc lời đối với người con trai “bạc tình”. Làn sóng phẫn nộ chỉ thực sự dừng lại khi có người lên tiếng xác minh sự việc đã bị bịa đặt một cách trắng trợn. Cụ thể, anh Lê Công Tuấn Đạt cho hay: “Nhà tôi sát nhà M. mà có thấy đám tang nào đâu?”. Tương tự, chị Võ Hoàng Trân, bạn gái của M. khẳng định: M. không hề có thai và cũng không có cái chết nào cả! “M. hay lấy hình trên mạng, ghép ảnh, lập nhiều nick ảo rồi tự dựng chuyện. Sau khi chia tay, M. đã năm lần bảy lượt tìm đủ mọi cách để hại bạn trai cũ. Và câu chuyện về cái thai rồi cái chết lần này cũng do M. dựng lên để mọi người nhảy vào chửi rủa bạn trai, ngoài ra cũng nhằm để trốn các con nợ đang đòi”, Trân nói.

Việc dựng chuyện giả chết trên mạng xã hội để gây sốc “hãm hại tình xưa” lâu nay không phải là hiếm. Trước đó, chiều 9/10, nhiều người lưu thông trên cầu Sài Gòn hướng từ quận 2 về quận Bình Thạnh, phát hiện 1 áo khoác nữ, 1 đôi dép, 1 chiếc điện thoại và 1 lá thư ở đoạn giữa cầu. Nghi ngờ có người nhảy cầu tự tử nên mọi người đã gọi điện báo cho công an địa phương, cùng lực lượng đường thủy đến tìm kiếm. Sự việc khiến giao thông qua cầu Sài Gòn kẹt cứng. Ít phút sau, 1 nhóm người đến và xác nhận đây là đồ của đồng nghiệp nữ. Khoảng 1 tiếng sau thì 1 người trong nhóm nghe điện thoại của ai đó, rồi báo cho công an là đừng tìm nữa, chị này chưa nhảy cầu mà làm vậy chỉ để “hù dọa” người yêu, vì cả hai đang giận nhau!

Nguy hiểm với quyền lực “ảo”

Theo chuyên gia tâm lý, thời gian qua, xu hướng đưa tin fake (tin giả) giật sốc câu like của giới trẻ ngày càng tràn lan trên mạng xã hội. Hẳn dư luận cũng không thể quên, ngay sau vụ 12 nạn nhân sốc ma túy trong Lễ hội Âm nhạc Hồ Tây (Hà Nội) hồi giữa tháng 9 vừa qua, lập tức trên mạng xuất hiện thông tin “nghìn like” và chia sẻ rầm rầm: Cô gái trẻ bị sốc ma túy là con cháu lãnh đạo!? Đám đông chỉ im lặng khi danh sách nạn nhân được xác minh, cô gái kia tên Th. sinh năm 1999, trong khi con của vị cán bộ được ám chỉ tên Ph. sinh năm 1992, đã lập gia đình, làm việc ở một quỹ đầu tư danh tiếng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Tâm lý học trẻ em và vị thành niên Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: Mạng xã hội là “thiên đường” để thả và phát tán “virus” tin độc. “Giống như một vòng tuần hoàn, trên mạng có rất nhiều chiêu trò được cộng đồng hưởng ứng. Người đi sau nhìn thấy sẽ bắt chước để được sự hưởng ứng như thế. Họ cảm thấy làm như vậy sẽ được nổi tiếng; nhiều người sẽ nhận ra giá trị của họ và phải hối tiếc vì đã đối xử tệ bạc với mình…”, ông Nam phân tích. Theo vị chuyên gia tâm lý, không ít người trong giới trẻ chỉ vì cảm xúc nhất thời, ngày càng trở nên thiếu cân nhắc về hệ quả hành vi, thiếu khả năng thấu cảm đặt mình vào vị trí người khác. Cùng đó, trong thời đại “bão tin” hiện nay, ông Nam cho rằng, cộng đồng mạng có quá ít thời gian để xử lý và xác minh, lại tiếp sức “góp gió” thổi bùng thông tin tiêu cực...

Phân tích động lực câu view từ các trang mạng xã hội, ông Nam cho biết: “Ngày nay, view cũng kiếm ra tiền, do vậy, nhiều người muốn tăng lượng theo dõi lớn để bán hàng, quảng cáo. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp giới trẻ sống không có mục tiêu, bị trầm cảm. Họ vác căn bệnh của mình lên mạng xã hội, bằng cách giật tin độc, lạ, sốc và cả ngày chỉ ngồi đếm like, coi đó như liệu pháp hữu ích cho tinh thần”.

Đáng chú ý, trong khi xã hội ngày càng yêu cầu năng lực làm việc phẩm chất đào tạo ngày càng cao, thì số lượng thanh niên ngồi chém gió câu view trên mạng ngày càng nhiều. “Rất nguy hiểm khi một thế hệ hoang tưởng về quyền lực ảo của mình đối với xã hội được sinh ra. Khi giá trị chất xám thực sự không có, họ cũng không bắt tay trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm có ích cho xã hội, chỉ với trò giật sốc câu view nếu có “nổi” cũng là nhất thời, còn sau chìm nghỉm rước họa lúc nào không hay”, ông Nam chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.