Chất lượng sống

Sởi hoành hành ở Hà Nội, sốt xuất huyết tăng nhanh tại TP HCM

03/08/2018, 08:59

Đến thời điểm này, có gần 300 ca mắc sởi, cao gấp nhiều lần so với tổng số 70 ca mắc trong năm 2017.

gia tăng bệnh nhân sởi

Liên tiếp bệnh nhi mắc sởi nhập viện tại Hà Nội

Hà Nội: Gia tăng trẻ mắc sởi nhập viện

Đưa con đến thăm khám tại BV SaintPaul, con chị Lê Thị Sơn (Ba Đình, Hà Nội) được chỉ định nhập viện điều trị vì bé dương tính với sởi và có dấu hiệu bội nhiễm phổi. Theo chị Sơn, trước đó vài ngày, con chị sốt, dù được hạ sốt nhưng không tiến triển, lại thêm ho và quấy khóc suốt đêm. Lo lắng nên vợ chồng chị đưa con đến viện. Còn gia đình anh Lê Quang Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đang cho con điều trị bệnh sởi tại đây cho biết: “Con trai tôi mới 3 tuổi, 2 ngày trước cháu sốt, gia đình tự xử lý ở nhà nhưng sau đó thấy phát ban nên cho nhập viện. Các bác sĩ xét nghiệm cho biết dương tính với sởi. Cho con vào đây điều trị tôi lo ngại cháu có thể lây nhiễm các bệnh khác”.

BS. Đặng Quang Nhật, BV SaintPaul cho biết, số trẻ nhập viện vì bệnh sởi tăng nhiều trong thời gian gần đây. Đây là diễn biến bất thường, vì bệnh sởi thường diễn ra vào mùa đông xuân, tuy nhiên, hiện đang mùa hè.

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 30/7, có 271 ca mắc sởi, cao gấp 4,5 lần số ca mắc trong năm 2017 (60 ca mắc). Riêng trong tuần qua (23-29/7), Hà Nội ghi nhận thêm 18 ca mắc sởi (tăng hơn tuần trước đó 5 ca). Trẻ mắc sởi chủ yếu dưới 5 tuổi, trong đó trẻ dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Hầu hết trẻ chưa được tiêm phòng vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ. Trong đó có nhiều trẻ dưới 9 tháng chưa đến lịch tiêm chủng đã mắc bệnh do miễn dịch từ mẹ truyền cho con không đủ.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, số ca mắc rải rác tại 30/30 quận, huyện; tập trung tại các quận nội thành như: Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm... tuy nhiên chưa ghi nhận các ổ dịch lớn. Ông Cảm nhận định, hiện có khoảng 5% trẻ chưa được tiêm phòng vaccine. Trong khi đó, mỗi năm Hà Nội có khoảng 140 - 150 nghìn trẻ chào đời, với tỉ lệ 5% trẻ chưa được tiêm phòng, tức là có khoảng 7.000 trẻ không được tiêm và con số sẽ tăng dần khi tích lũy theo các năm. Sởi lại là bệnh dễ lây truyền, với người chưa có miễn dịch sởi, chưa được tiêm phòng, khi tiếp xúc với nguồn bệnh tỉ lệ mắc bệnh gần như là 100%. Do vậy, nguy cơ bùng phát dịch là có thể xảy ra. Để phòng bệnh, cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, đủ số mũi tiêm.

Lý giải về nhiều trẻ mắc bệnh khi chưa đến tuổi được tiêm phòng, ông Cảm cho biết, thông thường trẻ dưới 9 tháng tuổi sẽ được bảo vệ bởi kháng thể của mẹ truyền sang con. Tuy nhiên, các khảo sát gần đây cho thấy nhiều người mẹ không có miễn dịch với sởi, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh. Ngoài ra, có thể người mẹ có miễn dịch với sởi nhưng không cho con bú nên trẻ không được nhận đầy đủ miễn dịch từ mẹ.

Bên cạnh bệnh sởi, Hà Nội cũng lưu hành một số bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng với số ca tích lũy từ đầu năm đến nay là 1.091 ca; 272 ca sốt xuất huyết, 45 ca ho gà…

TP HCM: Sốt xuất huyết tăng theo mùa mưa

Theo lãnh đạo Khoa Bệnh truyền nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho biết, thời gian gần đây, ghi nhận rải rác một vài trường hợp nhập viện vì ho gà, thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, vừa có một ca tử vong do sốt xuất huyết, bệnh nhân ngụ phường Hiệp Thành, quận 12. Đây là trường hợp đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết trong năm 2018. “Dù số ca sốt xuất huyết cùng thời điểm thấp hơn năm 2017 nhưng số ca mắc bệnh này lại đang có xu hướng gia tăng theo mùa mưa. Đỉnh của dịch bệnh có thể sẽ rơi vào tháng 10 hoặc tháng 11”, ông Dũng nhận định.

Theo thống kê, trong tháng 7, số ca nhập viện do sốt xuất huyết tại TP HCM là 364 trường hợp, giảm 6% so với tháng 6 (388 trường hợp); bệnh tay chân miệng có 93 trường hợp nhập viện, tăng 14% (tháng 6 có 82 trường hợp); 1 ca nhiễm virus Zika...

Trước đó, có 4 trường hợp mắc bệnh sởi ở 4 quận, huyện gồm Q.2, 6, 8, Phú Nhuận. Các ca bệnh không có mối liên hệ dịch tễ với nhau. Trung tâm Y tế dự phòng TP, trung tâm y tế quận, huyện và các trạm y tế đã triển khai đầy đủ các hoạt động giám sát dịch tễ, kiểm soát lây lan tại những nơi có ca bệnh. Đến nay không phát hiện ca bệnh tại những nơi này.

Được biết, để phòng ngừa mắc virus Zika, ông Dũng khuyến cáo, mỗi nhà tích cực phát hiện và loại bỏ vật dụng có thể chứa, đọng nước để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.

Bộ Y tế vừa yêu cầu các cơ quan chuyên môn nghiên cứu việc giảm độ tuổi tiêm chủng vaccine sởi ở trẻ khi tháng tuổi thứ 6 vẫn bảo đảm về hiệu quả miễn dịch. Dự kiến, từ cuối năm nay, thay vì tiêm vaccine sởi từ thời điểm trẻ 9 tháng tuổi, tại 17 tỉnh, thành có nguy cơ dịch sởi bùng phát sẽ thực hiện tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi.

img

Giá vàng hôm nay 15/4/2017: Vàng băng băng leo dốc, giao dịch sôi động

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.