Công nghệ

“Sói” Huawei: Nhanh hơn, có nguy hiểm hơn?

06/01/2016, 09:52

"Sói" Huawei tuyên bố sẽ vượt mặt Apple và Samsung về smartphone càng làm dấy lên lo ngại về an ninh viễn thông.

huawei 2
Huawei bị cáo buộc làm gián điệp cho chính quyền Trung Quốc

Từ khuyến cáo về máy tính Lenovo, cộng đồng mạng Việt Nam lại dấy lên mối lo ngại thường trực về nguy cơ bị rò rỉ thông tin cá nhân qua máy tính, smartphone (điện thoại thông minh) của Trung Quốc cụ thể là “sói” Huawei.

Ra đời từ cách đây 30 năm, Huawei với lý thuyết “sói và sư tử” của ông chủ Nhiệm Chính Phi, một cựu quân nhân của Quân đội Trung Quốc, nhanh chóng vươn lên thành gã khổng lồ trong ngành viễn thông toàn cầu kèm theo “nỗi sợ hãi” về phần mềm gián điệp có trong nhiều loại smartphone mà hàng loạt quốc gia trên khắp thế giới liên tục khuyến cáo, thậm chí cấm tiệt.

Ngày 5/1/2016, tại Triển lãm công nghệ CES diễn ra ở Mỹ, Tổng giám đốc Huawei, Richard Yu tuyên bố xanh rờn rằng cuối năm 2018, smartphone của hãng này sẽ vượt mặt cả Samsung và Apple. Huawei hiện là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới chủ yếu nhờ vào điện thoại giá rẻ tiêu thụ tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Với doanh thu tăng trưởng trên 70%/năm thì việc hãng điện thoại Trung Quốc trở thành nhà sản xuất số 1 thế giới là hoàn toàn có thế, nhưng điều mà ông Richard Yu muốn nhấn mạnh là smartphone của Huawei "nhanh hơn và mềm mại hơn".

Tuy nhiên, sự lớn mạnh không ngừng của Huawei đang đi cùng nỗi sợ hãi "gián điệp" ngày càng lớn hơn của nhiều quốc gia trên thế giới. Các quan chức cấp cao Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới cũng như các hãng an ninh viễn thông liên tục đưa ra cảnh báo về phần mềm gián điệp trong smartphone của Huawei trong những năm qua.

 Mặc dù phía Huawei và lãnh đạo Trung Quốc luôn bác bỏ, nhưng các cáo buộc trên khắp thế giới cho rằng đứng sau Huawei là chính quyền và quân đội Trung Quốc. Theo các cáo buộc, thiết bị viễn thông của Huawei hay ZTE (cũng của Trung Quốc) có thể cho phép can thiệp vào cả hệ thống viễn thông của một quốc gia.

Báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (4/2013): Có tới 6/7 hãng viễn thông ở Việt Nam sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei và ZTE. Có hơn 30.000 trạm thu phát sóng (BTS) của các nhà mạng Việt Nam sử dụng thiết bị của hai tập đoàn Trung Quốc này. 

Những cáo buộc "gián điệp" nhằm vào Huawei và ZTE bắt đầu trở nên nghiêm trọng với bản báo cáo vào năm 2012 của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ. Do đó Huawei bị cấm tham gia đấu thầu ở Mỹ và cũng bị cấm đấu thầu các dự án của mạng băng thông rộng quốc gia của Úc vì lý do an ninh. Anh quốc, một đồng minh khác của Mỹ, vẫn cho phép Huawei cung cấp một số thiết bị viễn thông, nhưng luôn xem xét kỹ vấn đề an ninh. Tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới là Ấn Độ, Huawei từng đối mặt làn sóng tẩy chay mạnh mẽ do vấp phải cáo buộc "đe dọa an ninh" và ngoài ra còn bị tố cạnh tranh không lành mạnh.

Đầu năm 2015, tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi Chính phủ Mỹ chính thức cáo buộc Huawei làm gián điệp cho chính quyền Trung Quốc. Ngay sau đó, Tổng giám đốc Huawei hồi đó là ông Ren Zhengfei đã phải lên tiếng khẳng định: "Chúng tôi chưa bao giờ được Chính phủ yêu cầu làm gián điệp".  

Huawei được cựu quân nhân Trung Quốc Nhiệm Chính Phi thành lập năm 1987 và trụ sở nằm tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Từ chỗ là một doanh nghiệp viễn thông nhỏ, Huawei lớn mạnh đến mức không ngờ và năm 2012 đã mua lại công ty thiết bị viễn thông Ericsson danh tiếng của Thụy Điển.

Tuy nhiên, vào tháng 6/2015, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ bà Condoleezza Rice tuyên bố "chẳng ai tin Huawei bởi vấn đề an ninh". Bà Rice cho rằng chính quyền Trung Quốc có kế hoạch sử dụng Huawei làm gián điệp và đưa nó trở thành hãng công nghệ lớn, nổi bật trên thế giới.

Gần đây nhất vào tháng 9/2015, Công ty an ninh Đức G DATA tiếp tục phát hiện phần mềm gián điệp được cài trong các smartphone Trung Quốc, bao gồm cả của Huawei, Lenovo và Xiaomi. Theo G DATA, phần mềm độc hại trong smartphone giúp nghe được cuộc gọi, truy vấn người dùng và thậm chí thực hiện cuộc mua sắm online.

Theo chuyên gia Andy Hayter của G DATA, các phần mềm gián điệp cài trong smartphone của Huawei, Xiaomi là không thể gỡ bỏ và ông khuyên cách duy nhất khi người dùng phát hiện smartphone bị cài phần mềm gián điệp là ...mua điện thoại mới. Các nhà nghiên cứu của G DATA, điểm mặt 26 điện thoại có cài phần mềm gián điệp và tất cả đều của Trung Quốc;  Ngoài Huawei, Lenovo và Xiaomi, còn có những tên tuổi khác như Alps, DJC, SESONN, và Xido. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.