Chất lượng sống

Sôi sục “canh” vaccine viêm màng não mô cầu

08/03/2016, 08:44

Theo Bộ Y tế, lượng vaccine viêm màng não mô cầu A, C tới thời điểm này đã hết sạch.

benh nhan viem nao mo cau
Một ca bệnh não mô cầu điều trị tại bệnh viện

Tháng 4 vaccine viêm màng não mô cầu A, C mới về

Thông tin về những trường hợp mắc viêm màng não mô cầu nhập viện, thậm chí có ca đã tử vong (Hải Dương) trong thời gian qua, khiến nhiều gia đình như ngồi trên đống lửa, sốt sắng tìm đến các trung tâm tiêm phòng vaccine.

Mặc dù lịch tiêm nhắc lại mũi vaccine não mô cầu Menningo AC đã quá hơn 5 tháng nhưng chị Nguyễn Lan Anh (Ngọc Khánh, Hà Nội) vẫn lắc đầu thở dài: “Mình cũng chầu chực để tiêm đủ, đúng lịch cho con gái nhưng tháng nào liên lạc với trung tâm tiêm phòng cũng chỉ nhận được lời khất chưa có vaccine. Mấy ngày nay, nghe nhiều thông tin về bệnh não mô cầu càng thêm sốt ruột”.

Tương tự, anh Nguyễn Thành Trung (Trần Xuân Soạn, Hà Nội) cho hay, anh là hướng dẫn viên du lịch, nay đây mai đó, nên cứ nghe thông tin dịch bệnh là hãi. Phòng bệnh hơn chữa bệnh nên gia đình cứ đưa cháu đi tiêm vaccine cho chắc. “Nhưng đến 4 - 5 nơi đều báo hết loại vaccine phòng não mô cầu. Không hiểu sao cứ khi nào có dịch bệnh là vaccine lại thiếu”, anh Trung cho biết.

Khảo sát tại hầu hết các trung tâm tiêm phòng dịch vụ như Polyvac, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội… đều thông báo “hết vaccine Menningo AC” (loại vaccine phòng não mô cầu tuýp A, C). Tại một số điểm hiện chỉ còn loại vaccine Mengoc BC (loại vaccine phòng não mô cầu tuýp B, C). Tuy nhiên, loại vaccine Mengoc BC lại ít được người dân lựa chọn. Nguyên nhân là do chủng virus não mô cầu tuýp A thường gặp nhiều ở Việt Nam, nên người bệnh được khuyến khích tiêm vaccine Menningo AC nhiều hơn.

Theo xác nhận của ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện tại vaccine ngừa não mô cầu A, C trên thị trường đã hết từ nhiều tháng nay và dự kiến sang tháng 4 mới có hàng. Tuy nhiên, ông Phu cũng khuyến cáo, người dân không nên quá lo lắng, mà nên phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nơi ở thông thoáng, sạch sẽ. “Mỗi tuýp vaccine sẽ chỉ phòng chống bệnh não mô cầu do virus tuýp đó gây nên mà thôi”, ông Phu cho hay.

Hiện, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh do não mô cầu, các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm người lành mang trùng, điều trị dự phòng và triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng.

Vaccine Mengoc BC tiêm cho trẻ từ 3 tháng hay 6 tuổi?

Liên quan đến vaccine phòng não mô cầu Mengoc BC, nhiều gia đình đang băn khoăn trước 2 luồng thông tin về độ tuổi có thể tiêm loại vaccine này cho trẻ. Chị Kiều Oanh (Hưng Yên) cho biết, con gái chị 4 tuổi mới được tiêm mũi vaccine Mengoc BC và được bác sĩ hẹn tiêm mũi nhắc lại sau 2 tháng.

“Tuy nhiên, sáng nay mình lại đọc được thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội là mũi tiêm này chỉ thực hiện cho trẻ 6 - 10 tuổi. Mình thật sự không rõ đâu mới đúng và liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con hay không”. Đây cũng là thông tin khiến nhiều bà mẹ thắc mắc trong những ngày qua khi tiếp nhận thông tin này.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Đắc Phu, cho biết: “Sự chênh lệch đó là do theo quy định của Bộ Y tế, loại vaccine Mengoc BC được tiêm cho trẻ từ 6 - 10 tuổi, tuy nhiên theo khuyến cáo của nhà sản xuất, độ tuổi tiêm loại vaccine này từ 3 tháng tuổi. Hiện Cục Quản lý Dược đang điều chỉnh để có sự thống nhất khi tiêm loại vaccine này trên toàn quốc”.

Còn theo lý giải của ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, tùy từng loại thuốc khi nhập khẩu vào nước nào sẽ phải tuân thủ theo quy định về độ tuổi ứng dụng của mỗi nước. Tuy nhiên, việc khuyến cáo của nhà sản xuất đối với vaccine khi tiêm ở độ tuổi đó là nhằm mục tiêu phòng bệnh sớm. “Khi đã có khuyến cáo của nhà sản xuất thì cơ bản là đảm bảo an toàn đối với trẻ khi tiêm chủng”, ông Đức Anh cho biết.

Trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng từ 5 - 25%. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, khi tiếp xúc thông thường người với người sẽ lây truyền qua nước bọt, dịch tiết đường hô hấp, ho, hắt hơi.

Vi khuẩn não mô cầu xâm nhập có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Trường hợp diễn tiến cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng. Khi nhiễm bệnh, thường có biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.