Tư vấn

Soi tên lửa hành trình YJ-62 Trung Quốc tập trận trên đảo Phú Lâm

29/03/2016, 16:34

Việc Trung Quốc tập trận bằng tên lửa YJ-62 trên đảo Phú Lâm đang gây quan ngại cho các nước trong khu vực...

7.1
Hình ảnh vụ bắn tên lửa YJ-62 (trái) và phân tích từ hình chụp đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.

Ngày 28/3, Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV vừa đăng tải một video quay lại 1 cuộc tập trận bằng tên lửa YJ-62 của Hải quân Trung Quốc được cho là được bắn từ đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam

Trước đó, ngày 20/3, hình ảnh về việc lắp đặt tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 ở đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông được đăng trên trang Weibo của Trung Quốc. Việc triển khai tên lửa có tầm bắn 400 km và có tốc độ cận âm (gần bằng tốc độ âm thanh) được xem là một động thái tăng cường đáng kể năng lực quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

Kênh Phượng Hoàng (Hồng Kông) hôm 22/3 và Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 23/3 cũng đưa tin, đoạn video từ một kênh trực tuyến của quân đội Trung Quốc cho thấy tên lửa YJ-62 phóng đi từ bệ phóng được cho là đặt phi pháp trên đảo Phú Lâm của Việt Nam.

Như vậy sau hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, Trung Quốc lại tiến hành thêm một bước leo thang gây căng thẳng bằng việc mang tên lửa đối hạm tầm xa tới bố trí tại đây. Các chuyên gia quân sự đánh giá, với YJ-62 và HQ-9 cùng hệ thống radar, Trung Quốc đã trang bị gần như đầy đủ các loại vũ khí chống khả năng tiếp cận từ biển và trên không của quân đội Mỹ đối với đảo Phú Lâm.

YJ-62 là tên lửa chống hạm tầm xa tốc độ cận âm thế hệ mới do Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) nghiên cứu chế tạo, chính thức được giới thiệu vào năm 2005. Phiên bản YJ-62 trên bộ đã được Hải quân Trung Quốc triển khai từ khoảng năm 2008. Một phiên bản khác được lắp trên khu trục hạm lớp Type 052C hạ thủy vào năm 2003.

8.1
Hình ảnh lửa YJ-62 phóng đi từ bệ phóng được cho là đặt phi pháp trên đảo Phú Lâm của Việt Nam.

Tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 có chiều dài 6,1 m; đường kính thân 0,54 m; trọng lượng phóng 1,24 tấn; tầm bắn tối đa 400 km; trần bay 200 m-300 m; tốc độ hành trình Mach 0,6 - 0,8 (Mach 1= 1,235 km/h) khi bước vào giai đoạn công kích với độ cao bay 7 - 10 m; mang theo đầu đạn nặng 210 kg.

Hệ thống dẫn đường của YJ-62 được kết hợp phương thức bay quán tính với sự tham chiếu qua GPS hoặc Bắc Đẩu trong giai đoạn đầu, đến khi tiếp cận mục tiêu nó sẽ chuyển qua dùng radar chủ động đặt trên tên lửa.

Biến thể xuất khẩu của YJ-62 được định danh là C-602 có tầm bắn bị rút ngắn chỉ còn 280 km nhưng trọng lượng đầu đạn được tăng lên 300 kg. Phiên bản tên lửa hành trình tấn công mặt đất CM-602G có đầu đạn lớn nhất, lên tới 400 kg.

Trong lực lượng phòng thủ bờ biển, mỗi xe mang phóng tự hành (TEL) mang theo 3 quả YJ-62, còn trên các khu trục hạm Type 052C/D là 8 quả đặt trong 2 cụm 4 ống phóng xiên bố trí ở giữa tàu. Ngoài ra máy bay ném bom H-6K cũng được trang bị YJ-62.

Ngay sau khi tên lửa YJ-62 xuất hiện, đồn đoán về nghi án ăn cắp công nghệ Mỹ bắt đầu được bàn tán. Về ngoại hình, YJ-62 rất giống biến thể tấn công tàu vận tải phóng từ tàu ngầm của tên lửa hành trình UGM-109 Tomahawk.

Theo quan điểm thiết kế được phía Trung Quốc giới thiệu, YJ-62 được phát triển với mục đích tấn công các tàu hậu cần, tàu chở container và tấn công mặt đất. Điều này củng cố nghi nghờ việc Trung Quốc ăn trộm công nghệ từ tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.

4.1
Tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 có tầm bắn 400 km và có tốc độ cận âm

Mặc dù sở hữu nhiều thông số kỹ thuật rất ấn tượng nhưng dễ dàng nhận thấy YJ-62/C-602 vẫn có một vài nhược điểm đáng kể.

Đó là kích thước của tên lửa khá lớn nhưng tốc độ lại chậm, hơn nữa độ cao hành trình khi tiếp cận mục tiêu chưa thể nói là đã đạt yêu cầu (tên lửa chống hạm hiện đại giai đoạn cuối bay cách mặt biển chỉ từ 3 đến 5 m).

Nhược điểm trên của YJ-62 khiến nó dễ bị chiến hạm đối phương phát hiện từ xa và tổ chức đánh chặn, đặc biệt khi hiện nay các loại tên lửa hạm đối không đều đã được nâng cấp chức năng công kích mục tiêu bay bám biển.

Đối với các khu trục hạm tối tân Arleigh Burke của Mỹ thì YJ-62 có thể không phải là một nguy cơ quá lớn, tuy vậy nó vẫn đủ sức tạo ra sự răn đe cần thiết nếu được bắn đi với số lượng áp đảo.

Tên lửa YJ-62 được dẫn đường qua hệ thống định vị GPS (Mỹ) hoặc Glonass (Nga), nghĩa là khi Mỹ không cho xài GPS (Global Positioning System) thì Trung Quốc phải xin phép Nga dùng Glonass. Còn khi cả Mỹ và Nga lắc đầu thì tên lửa YJ-62 chỉ còn có thể bay một cách vô tư...hay còn gọi bay vô định hướng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.