Đường sắt

Sớm gỡ rào cản kinh doanh hạ tầng đường sắt

11/01/2023, 14:00

Do chưa có cơ chế cụ thể về khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, các đơn vị ngành đường sắt gặp khó khi cho thuê, kinh doanh tài sản.

Nhà đầu tư ngại ngần vì hợp đồng ký năm một

img

Việc cho các công ty cổ phần vận tải đường sắt thuê kho tại ga Giáp Bát năm 2022 chỉ ký về nguyên tắc, chưa thu tiền vì chưa có cơ chế cụ thể

Đến ga Hà Nội những ngày cuối năm, PV ghi nhận trong ga, ngoài sân gần như vắng bóng các quầy dịch vụ.

Ngoài siêu thị ngay tầng 1 nhà ga phía đường Lê Duẩn và một vài kios, toàn bộ diện tích còn lại là phòng đợi tàu, quầy bán vé.

Trong khi trước kia, còn cả cửa hàng cà phê, bánh ngọt, các kios bán hàng tạp hóa, đồ ăn nhanh...

Ông Nguyễn Tất Thương, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội, đơn vị quản lý ga Hà Nội cho hay, sau khi Nghị định số 46/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia có hiệu lực đến nay, vẫn chưa có cơ chế cụ thể về cho thuê, khai thác tài sản hạ tầng đường sắt.

Theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền và Tổng công ty Đường sắt VN, đơn vị chỉ gia hạn được hợp đồng cũ, không ký được hợp đồng mới.

Thông tin thêm, ông Thương cho hay: Triển khai thực hiện Nghị định 46, Bộ GTVT đã chủ trì xây dựng Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư (Đề án 46) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong khi chờ đợi, đáng ra các hoạt động khai thác, kinh doanh phải dừng lại. Nhưng nếu dừng, không được thuê, các đơn vị vận tải sẽ không có cơ sở hạ tầng như phòng chờ, bán vé, phòng giao dịch vận tải, kho, bãi hàng tại ga... để tổ chức SXKD vận tải.

Vì thế, mấy năm qua đơn vị vẫn tiếp tục cho các đơn vị vận tải thuê nhưng toàn bộ tiền cho thuê nộp về tài khoản tạm giữ tại Kho bạc do Bộ Tài chính làm chủ tài khoản, chờ khi có cơ chế cụ thể sẽ xử lý sau.

Riêng năm 2022, đối với các Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn, Ratraco cũng chỉ ký về nguyên tắc, tức là xác định với nhau về khối lượng, khi nào có cơ chế cụ thể sẽ tính giá thuê, thu tiền theo quy định. Còn với đối tác khác, nếu muốn thuê mới có muốn mấy cũng… đành chịu.

Với hạ tầng đường sắt đang cho thuê hiện nay, khi cần sửa chữa, bảo trì, đơn vị phải báo cáo Tổng công ty Đường sắt VN để đưa vào kế hoạch, sử dụng nguồn sự nghiệp kinh tế hàng năm của Nhà nước cấp cho bảo trì, sửa chữa đường sắt.

Trong khi trước đây, đơn vị nộp Nhà nước 20% tiền cho thuê, với số còn lại thì lập kế hoạch sử dụng, trình phê duyệt.

“Mỗi năm, doanh thu từ cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt của chi nhánh cũng được trên dưới 10 tỷ đồng.

Con số này không lớn do toàn bộ hạ tầng cho thuê đều đã rất cũ, chỉ khai thác ở mức hạn chế.

Nhưng dù sao cũng có thêm nguồn thu để đơn vị đỡ khó khăn, chủ động hơn trong tu sửa công trình...”, ông Thương nói.

Theo ông Nguyễn Như Vấn, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Thái Hải, Đề án 46 là cơ sở để xác định các thủ tục, quy định về tiền thu liên quan đến cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Đề án sẽ phân định tài sản nhóm I (do Nhà nước đầu tư) và nhóm II (do Tổng công ty Đường sắt VN đầu tư); Chủ thể được giao quản lý, khai thác đối với loại tài sản; Tài sản được giao theo hình thức vốn như thế nào...

Do đề án chưa được phê duyệt, cơ chế chưa rõ ràng, nên việc gia hạn hợp đồng năm nào biết năm đó. Nhiều khách hàng quan tâm, muốn thuê lâu dài để SXKD cũng rút lui vì không yên tâm.

Doanh nghiệp “ngóng” cơ chế

Ông Hà Trọng Thắng, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn cho hay, cái khó của đơn vị là muốn duy tu, sửa chữa hạ tầng cũng không làm được vì không có tiền, còn kinh phí từ nguồn bảo trì của Nhà nước không đáng là bao.

Trong khi tổng thu khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt và dịch vụ hỗ trợ thuộc chi nhánh quản lý được hơn 30 tỷ đồng/năm thì hiện phải chờ hướng dẫn xử lý.

Do chờ Đề án 46 được phê duyệt, các dự án hợp tác kinh doanh khai thác hạ tầng đường sắt giá trị lớn cũng đình lại.

Theo thông tin của PV Báo Giao thông, dự định hợp tác với SASCO để cải tạo ga Sài Gòn thành trung tâm dịch vụ đa năng hay dự án hợp tác với Tân Cảng để làm bãi container khai thác vận chuyển hàng hóa tại ga Sóng Thần cũng đang tạm dừng vô thời hạn.

Cùng đó, việc Tân Cảng cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng làm bãi hàng tại ga Phan Thiết để vận chuyển container lạnh chở trái cây nhưng giờ không khai thác được do chưa có cơ chế…

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, Đề án 46 đã được xây dựng và nhiều lần xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, do còn có nhiều quan điểm khác nhau về giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt nên đến nay đề án vẫn chưa được phê duyệt, phải tiếp tục hoàn thiện.

“Thực hiện nhiệm vụ Bộ GTVT giao, Cục Đường sắt VN đang gấp rút hoàn thiện Đề án, trình Bộ.

Theo đó, vẫn đề xuất giao cho Tổng công ty Đường sắt VN quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt đến năm 2030, tuy nhiên việc giao theo hình thức nào còn chờ cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Nhưng chắc chắn, sau khi Đề án được phê duyệt sẽ tháo gỡ được vướng mắc hiện nay”, đại diện Cục Đường sắt VN khẳng định.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, tổng thu từ các hoạt động khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt được hơn 100 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu lớn, đóng góp vào hiệu quả SXKD chung của tổng công ty. Tuy nhiên, do chờ Đề án 46, từ năm 2019, ngoài các hợp đồng gia hạn, nhiều hợp đồng cho thuê phải dừng lại, tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng, hoàn trả mặt bằng, hiện trạng... vừa ảnh hưởng đến kết quả SXKD, vừa lãng phí cơ sở hạ tầng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.