Giao thông

Sớm hoàn thiện hạng mục bổ sung cao tốc Hà Nội - Bắc Giang

24/02/2017, 10:05

Ngày 23/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT đã có buổi kiểm tra hiện trường...

11

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra thực tế giao thông trên địa bàn tỉnh này - Ảnh: An Na

Làm đường gom, hoàn thiện tiêu chuẩn cao tốc

Sáng 23/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cùng đoàn công tác Bộ GTVT kiểm tra hiện trường QL17, đường gom KCN Quang Châu, ga Bắc Giang. Sau đó, đoàn công tác đã có buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Trước một số kiến nghị của Bắc Giang về dự án cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn qua tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Long, Phó ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, nhà đầu tư đã lên phương án xử lý một số bất cập về dải phân cách cứng trên cầu vượt, cống chui ngập nước. Bộ cũng đang khẩn trương nghiên cứu, bổ sung để hoàn tất các hạng mục, trong đó quan trọng nhất là làm đường gom hai bên cao tốc để tách xe máy, xe thô sơ trên tuyến.

Liên quan đến dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã ký hợp đồng BOT nhưng công tác GPMB dừng gần 1 năm nay, Bộ GTVT cho biết, đã đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chậm trễ. Bộ GTVT đã thông báo nhà đầu tư vi phạm hợp đồng. “Bộ GTVT xác định, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án, không nghiêm túc thực hiện hợp đồng, Bộ GTVT sẽ chấm dứt hợp đồng, kêu gọi nhà đầu tư mới để hoàn thiện dự án trong thời gian sớm nhất”, Bộ trưởng nói.

“Đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã rút ngắn thời gian đi lại cho người dân, thúc đẩy thu hút đầu tư cho địa phương, để nâng cao hiệu quả khai thác và đảm bảo ATGT, Bộ GTVT quyết tâm hoàn hiện một số hạng mục bổ sung trong thời gian sớm nhất”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Với đề xuất triển khai dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL31 đoạn Bắc Giang - Chũ và đường nối cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, việc cải tạo, nâng cấp trên quốc lộ độc đạo hiện hữu khiến người tham gia giao thông không có quyền lựa chọn khi đi qua trạm thu phí là không phù hợp ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu tỉnh có phương án BT để xây dựng thêm đường nối vào ĐT293 chạy song song QL31, đánh giá được đủ tiêu chí để thực hiện dự án BOT nâng cấp QL31 thì Bộ GTVT ủng hộ.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá cao chủ trương của Bắc Giang khai thác đường thủy nội địa để giảm áp lực giao thông đường bộ. Bắc Giang có 3 tuyến sông chính dài 354km, trong đó có 132km do địa phương quản lý có địa hình, thủy văn không ổn định, lòng sông dốc, hẹp, nhiều bãi cạn, phương tiện thủy hầu như không hoạt động được. “Đề nghị tỉnh nghiên cứu, cho xã hội hóa để nạo vét hệ thống đường thủy nội địa trên địa bàn, để đạt tiêu chuẩn cho tàu bè hoạt động. Tỉnh cần có kế hoạch xây dựng thêm hệ thống bến, cảng thủy nội địa vì nếu chỉ có 4 cảng chuyên dụng quy mô nhỏ sẽ không thể phát huy khả năng khai thác vận tải thủy của địa phương”, Thứ trưởng Công nói.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng đánh giá cao Bắc Giang đã có định hướng phát triển GTVT trên nhiều lĩnh vực. Bộ trưởng đề nghị tỉnh huy động xã hội hóa nạo vét, phát huy lợi thế đường thủy, đường sắt, xây dựng khu logistics hoặc cảng cạn. Bắc Giang có 3 tuyến đường sắt quốc gia chạy qua, nên cần xây dựng ga Bắc Giang và có kế hoạch phát triển đường sắt để tăng kết nối, giảm tải cho giao thông đường bộ và các khu công nghiệp, nâng cấp cho xứng vị trí “vàng” trên bản đồ giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế...

Cần nhân rộng điển hình ATGT đường sắt

Chiều 23/2, đoàn công tác Bộ GTVT tiếp tục kiểm tra hiện trường các dự án giao thông tại Bắc Ninh và có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Buổi làm việc có sự tham dự của ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy; Ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành.

Ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bắc Ninh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số và giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước; Nhiều chỉ tiêu KT-XH đứng Top 10 toàn quốc, bình quân đầu người đứng thứ hai, giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai, thu hút FDI đứng thứ năm toàn quốc… “Giao thông là nhân tố quyết định thu hút đầu tư, thúc đẩy Bắc Ninh phát triển KT-XH nhiều năm qua”, ông Quỳnh nói.

Về công tác ATGT trên địa bàn, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Bắc Ninh là “cửa ngõ” Thủ đô, tập trung nhiều khu công nghiệp, nhà máy, cơ quan chức năng địa phương làm tốt công tác đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT. “Mong địa phương tiếp tục phát huy, giữ vững kết quả kiềm chế, kéo giảm TNGT”, ông Hùng nói.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công kiến nghị tỉnh cho phép tiếp tục nạo vét một số đoạn trên luồng sông Cầu để luồng đạt chuẩn tắc; cũng như nghiên cứu mở trung tâm logistics để tăng tỷ trọng phát triển kinh tế của tỉnh cũng như tiếp tục khai thác tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa ghi nhận các đề nghị của Bắc Ninh và cho biết, sẽ giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, rà soát, tìm phương án triển khai, giải quyết sớm nhất. Bộ trưởng đồng tình ưu tiên giải quyết sớm nút giao QL1 (cao tốc Hà Nội - Bắc Giang) với QL38 và QL18. Sau đó, sớm triển khai làm đường gom hai bên cao tốc để tách làn xe thô sơ và xe máy, đảm bảo ATGT và nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường và hoàn thiện đầy đủ các hạng mục đạt tiêu chuẩn cao tốc. Bộ trưởng cũng thống nhất đề xuất làm hai cầu vượt trên QL18 qua địa bàn huyện Quế Võ, bởi tuyến đường này có lưu lượng giao thông rất lớn.

Theo Bộ trưởng, Bắc Ninh đã làm tốt công tác đảm bảo ATGT, đặc biệt là rất có trách nhiệm trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt. “Địa phương  chủ động bố trí kinh phí tổ chức trực gác, cảnh giới, đảm bảo ATGT 24/24h tại 11 điểm giao cắt đường sắt - đường bộ. Đây có thể được coi là điển hình cần nhân rộng trong thời điểm ATGT đường ngang qua đường sắt toàn quốc còn nhiều bất cập hiện nay”, Bộ trưởng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.