Xã hội

Sớm lấp "lỗ hổng" pháp lý hoạt động từ thiện

31/05/2021, 10:00

Ngoài việc người đóng góp từ thiện tự giám sát, quan trọng hơn phải có một hành lang pháp lý để giám sát cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện.

img

Nghệ sĩ Hoài Linh om tiền từ thiện cho người dân lũ lụt miền Trung khiến cộng đồng mạng dậy sóng phản đối

Thời gian qua, hoạt động từ thiện xảy ra nhiều lùm xùm, ngay chính các cơ quan quản lý cũng tỏ ra lúng túng. Làm thế nào để hoạt động từ thiện đi vào khuôn khổ, không để bị lợi dụng, quy được trách nhiệm mỗi khi có vấn đề xảy ra? Báo Giao thông trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Hơn một tuần qua, câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh “om” 14 tỷ đồng tiền từ thiện, tài khoản từ thiện nhưng chuyển cho cá nhân khác; nghệ sĩ Trấn Thành tuyên bố chuyển 4 tỷ cho Thủy Tiên nhưng lại... âm thầm chuyển cho mẹ ca sĩ Hồ Ngọc Hà... khiến dư luận xôn xao. Đón nhận những thông tin này, ông có suy nghĩ gì?

Người dân khi gửi tiền quyên góp, cứu trợ đều là mục đích giúp đỡ cho người gặp nạn kịp thời và nhanh chóng. Vậy người đứng ra quyên góp lại để nửa năm trời chưa giải ngân, thì anh có giải thích thế nào cũng khó được chấp nhận.

Nếu không thể thực hiện đưa tiền bạc đến những người dân gặp khó khăn thì ngay lập tức phải thông báo cho người đã đóng góp.

Hiện nay rất nhiều cá nhân đã và đang tham gia vào việc vận động, tiếp nhận tiền hàng cứu trợ, từ thiện với nguồn tiền ủng hộ rất lớn, có khi lên tới hàng trăm tỷ đồng. Quy định của pháp luật về vấn đề này thế nào?

Hoạt động tiếp nhận và phân phát cứu trợ hiện nay được quy định tại Nghị định 64/2008. Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ bao gồm: MTTQ Việt Nam các cấp; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam các cấp; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Các tổ chức, đơn vị được các cấp Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho phép…

Tuy nhiên, trong thực tế các cơ quan Nhà nước vẫn tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khác ngoài các tổ chức trên thực hiện kêu gọi từ thiện. Hiện nay, chưa có quy định pháp luật cụ thể về hoạt động này.

Với câu chuyện cụ thể của nghệ sĩ Hoài Linh, tới hơn nửa năm vẫn chưa giải ngân tiền cứu trợ, người dân đã dần ổn định cuộc sống, vậy thì việc giúp đỡ lúc này có còn giá trị như trước? Câu chuyện này cho thấy, việc người đóng góp từ thiện tự giám sát người mình gửi gắm lòng tin chỉ là một phần. Quan trọng hơn phải có một hành lang pháp lý để giám sát cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng


Nghị định 64 được ban hành và triển khai từ năm 2008, đến nay đã được 13 năm. Đáng chú ý, Nghị định 64 không có quy định nào áp dụng đối với các trường hợp kêu gọi quyên góp làm từ thiện do cá nhân thực hiện, trong khi đây lại là phương thức phổ biến. Hiện nội dung này đã được đưa vào Nghị định sửa đổi. Theo ông, nội dung sửa đổi nên quy định cụ thể như thế nào để rõ trách nhiệm, minh bạch hơn, song cũng không cản trở hoạt động từ thiện?

Theo tôi, cần có quy định cụ thể về kêu gọi từ thiện để các cơ quan Nhà nước phải kiểm soát được nguồn tiền. Đồng thời hướng dẫn cụ thể các cá nhân vận động quyên góp từ thiện căn cứ vào đó thực hiện. Ví dụ vận động 100 tỷ đồng cho mục đích cứu trợ đồng bào bão lụt thì số tiền này phải được chuyển 100% cho những nơi cần cứu trợ.

Bên cạnh đó, người đi làm từ thiện phải bỏ tiền túi đối với tất cả các chi phí đi lại, ăn uống, mọi chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động từ thiện, không được lấy từ số tiền quyên góp.

Ngoài những chế tài xử lý hành vi vi phạm, cũng cần tuyên dương các cá nhân có thành tích hoạt động từ thiện để khuyến khích hoạt động này.

Nghị định 64 đã có quy định cụ thể đối với các tổ chức, giờ có thể lấy đó làm chuẩn để áp dụng với cá nhân hoạt động từ thiện. Chẳng hạn như cá nhân nào chậm giải ngân, giải ngân sai mục đích kêu gọi ban đầu thì phải bị xử lý. Và khi đó, người đóng góp có quyền yêu cầu cá nhân này hoàn trả tiền từ thiện. Đây là giao dịch dân sự thì phải điều chỉnh bằng pháp luật dân sự.

Nếu phát hiện trục lợi trong hoạt động từ thiện, việc xử lý sẽ được căn cứ vào đâu?

Nếu cá nhân nào cố tình trục lợi thì có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội chiếm đoạt tài sản.

Trong Bộ luật Dân sự đã quy định rất rõ, nếu cá nhân không thực hiện đúng mục đích của người cho, tặng tài sản thì phải trả lại số tiền đó cho người đã cho, tặng. Nếu không trả thì người cho, tặng có quyền khởi kiện ra tòa để đòi lại số tiền đó cùng với lãi suất theo quy định.

Theo ông, có cần thiết ban hành riêng một đạo luật để luật hóa các quy định về hoạt động từ thiện?

Nếu cần thiết thì sau này chúng ta có thể nghiên cứu để ban hành một luật riêng. Nhưng theo tôi ban hành một luật riêng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh mất thời gian, tiền bạc mà có thể gây chồng chéo với các luật khác.

Trong khi chờ sửa các quy định liên quan, ông có khuyến cáo gì với người dân khi họ muốn đóng góp từ thiện?

Tôi không bao giờ đóng góp cho những cá nhân có biểu hiện thiếu trong sáng trong hoạt động từ thiện. Tôi sẽ đóng góp qua những tổ chức có uy tín như: MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ các cấp… Thực tế, những tổ chức được Nhà nước cho phép vận động quyên góp từ thiện thì họ đã có kinh nghiệm, uy tín trong việc tiếp nhận và phân phối tiền bạc, hàng hóa.

Những câu chuyện vừa xảy ra cũng là bài học cảnh tỉnh cho người dân, đó là trước khi đóng góp từ thiện cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng về tổ chức, cá nhân đó, xem họ cam kết những gì, đồng thời giám sát việc thực hiện cam kết đó.

Cảm ơn ông!

TS. Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam:
Kiểm toán để đảm bảo minh bạch

Bộ Tài chính đang phối hợp với MTTQ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và một số tổ chức khác nghiên cứu để trình Chính phủ Nghị định thay thế cho Nghị định 64 quy định về quyên góp từ thiện, đảm bảo các quy định hết sức rõ ràng, tuân thủ về tính kịp thời và minh bạch.

Theo đó, cá nhân sẽ được quyền tổ chức các hoạt động vận động quyên góp. Tuy nhiên, với nguồn có giá trị lớn thì cần phải được kiểm toán như tổ chức khác. Như ở Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tất cả các nguồn hỗ trợ đều được kiểm toán nên tính minh bạch rất cao.

P.Đô (Ghi)

Nhà báo Nam Đồng, người xây dựng hệ thống chuỗi quán cơm từ thiện Nụ Cười:
Cập nhật, công khai tiền từ thiện

Quán cơm Nụ Cười giá 2.000 đồng khai trương từ năm 2012, hiện quán phục vụ khoảng 500 suất ăn các ngày từ thứ 2 đến thứ 7. Giá tiền chi thực tế cho 1 suất cơm trung bình khoảng 17.000 đồng (không tính tiền phục vụ và lãi). Chi phí hàng tháng của hệ thống Nụ Cười trung bình khoảng 500 triệu đồng/tháng.

Để duy trì được chuỗi quán cơm Nụ Cười (6 quán) suốt 9 năm qua cũng là cả vấn đề. Nhưng có hai bí quyết, một là về an toàn vệ sinh thực phẩm, thứ hai là tiền bạc, mọi thu chi đều phải minh bạch.

Cụ thể, chúng tôi nhận của ai dù chỉ một ngàn đồng hay vài chục triệu cũng được công khai. Chi hàng ngày từ bó rau, một lạng thịt cũng phải công khai trên trang web của quỹ. Việc thu chi có sổ sách được cập nhật chi tiết tường tận hàng ngày. Quỹ còn có Công ty Kiểm toán Ernst & Young kiểm toán một năm hai lần.

PV

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.