Chuyện dọc đường

Sớm phát triển thành phố sân bay

13/11/2019, 08:55

Mô hình thành phố sân bay đang được phát triển một cách mạnh mẽ tại châu Âu, Đông Bắc Á, đặc biệt là tại Trung Đông.

img
Mô hình Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Quốc hội đang bàn chuyện xây dựng sân bay quốc tế Long Thành và việc xây dựng thành phố sân bay tại đây một lần nữa lại được đề cập đến như một xu hướng không thể khác.

Cần phải nói rằng, từ năm 2011, Tạp chí Time đã nhắc đến khái niệm thành phố sân bay (Airport city) như là một trong “10 ý tưởng thay đổi thế giới”: “Thời kỳ xây dựng sân bay xung quanh các thành phố có vẻ xa vời. Trong thế kỷ mới, các thành phố sẽ được xây dựng xung quanh các sân bay”.

Trên Wikipedia, thành phố sân bay được định nghĩa là khu vực sân bay “bên trong hàng rào” của một sân bay lớn, bao gồm sân bay (nhà ga, đường băng, đường lăn, sân đỗ) và các doanh nghiệp hoạt động trong sân bay như: Hàng không, hậu cần, văn phòng, bán lẻ và khách sạn. Thành phố sân bay là cốt lõi của sân bay, một dạng đô thị mới phát triển xung quanh nhiều sân bay lớn.

Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh khi nói về thành phố sân bay cũng khẳng định đây là mô hình, định hướng quy hoạch và đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế được cộng đồng hàng không quốc tế phát triển từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Định hướng này lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, logistics, hội nghị, văn phòng, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông thuận tiện như một đô thị (nhưng không phát triển về khu dân cư). Hành khách đến cảng hàng không đó có thể dự hội nghị, gặp gỡ, mua sắm mà không cần phải vào thành phố.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy khi hình thành 1 sân bay quốc tế từ 25 - 50 triệu khách, sẽ hình thành thành phố sân bay với sự phát triển của các trung tâm thương mại, logistic, trung tâm về cư trú cho cán bộ khu vực này.

Thực tế, mô hình thành phố sân bay đang được phát triển một cách mạnh mẽ tại châu Âu, Đông Bắc Á, đặc biệt là tại Trung Đông. Trong khu vực, các cảng hàng không Kuala Lumpur, Singapore cũng được coi là những thành công của mô hình này.

Sân bay Long Thành được quy hoạch với lưu lượng đến 100 triệu hành khách, cách TP HCM 40km, cách Biên Hoà 30km, cách Vũng Tàu 70km, nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Do đó, việc phát triển thành phố sân bay tại đây vô cùng tiềm năng.

Được biết, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch cảng hàng không quốc tế Long Thành, năm 2007, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu vực xung quanh cảng giai đoạn 2007 - 2025, với diện tích 25.000ha. Theo đó, vùng phụ cận sân bay được sẽ quy hoạch theo hướng là một đô thị hiện đại với các công trình chính như: Khu tái định cư, khu dân, khu logistics, khu công nghiệp công nghệ cao, trung tâm dịch vụ quốc tế và công nghiệp, khu công nghiệp phụ trợ, khu công nghiệp phục vụ cho sân bay; một số công trình công cộng, khu kho bãi, khu sinh thái, vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái, khu dân cư hiện hữu.

Việc sớm xúc tiến quy hoạch, phát triển ngay thành phố sân bay Long Thành song song với xây dựng sân bay Long Thành không chỉ mang lại nguồn thu lớn mà còn giúp hình thành trung tâm hiện đại ở khu vực Đông Nam Bộ nước ta.

Tuy nhiên, tiềm năng là một chuyện, còn phát triển được thành thành phố sân bay hay không lại là chuyện khác. Điều đó phụ thuộc vào quyết tâm, nố lực của nhiều cấp nhiều ngành, trước hết là của chính quyền địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.