Xã hội

Sông Đà 10 và chuyện ba mũi khoan ở Thủy điện Đạ Dâng

22/02/2015, 08:13

Tham gia cứu hộ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Sông Đà 10 đã thực hiện 3 mũi khoan quyết định.

80

Công nhân, kỹ sư Sông Đà 10 thi công hầm Hải Vân

Tham gia hầu hết công trình trọng điểm quốc gia

Sau hơn một tháng tham gia cứu hộ 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng, 13 cán bộ và tập thể CTCP Sông Đà 10 vinh dự nhận được bằng khen của Bộ Xây dựng, Ủy ban Cứu nạn Quốc gia vì đã góp phần quan trọng trong suốt quá trình thực hiện công tác này.

Cùng với cung cấp hầu hết máy móc, thiết bị vật tư chính phục vụ công tác cứu hộ như: Máy khoan, máy hơi nén, búa phá, khoan tay, cưa đục, máy phát điện, máy bơm nước… Sông Đà 10 đã đề xuất và trực tiếp khoan thành công hai mũi đầu tiên để đặt ống thép thông vào khu vực công nhân mắc kẹt, nhờ vậy tiếp oxy, nước, sữa, thức ăn và đặc biệt là tiếp sức tinh thần các công nhân trong 82 giờ sinh tử. Và cũng là Sông Đà 10 tiếp tục khoan thêm một mũi ngược phía hạ lưu đặt được một ống có đường kính 102 cm, dài 60 m để hút nước trong hầm, đảm bảo an toàn cho các công nhân, đồng thời giúp cho hoạt động cứu hộ sau đó được thuận lợi.

Các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2011-2015:

- Tốc độ tăng trưởng giá trị SXKD bình quân 13% hàng năm;
- Tổng giá trị SXKD đạt khoảng 8.386 tỷ đồng (419 triệu USD);
- Tổng giá trị doanh thu đạt khoảng 8.244 tỷ đồng (412 triệu USD)
;- Nộp Ngân sách Nhà nước: 690 tỷ đồng (34 triệu USD);
- Lợi nhuận trước thuế: 897 tỷ đồng (44,8 triệu USD);
- Dự kiến giá trị đầu tư năm 2020 khoảng 1 nghìn tỷ đồng (52,6 triệu USD);
- Vốn chủ sở hữu: 883 tỷ đồng (44 triệu USD);
- Tổng tài sản khoảng 2.437 tỷ đồng (121 triệu USD);
- Thu nhập bình quân CBCNV khoảng 6,7 triệu đồng/tháng.

“Những mũi khoan đó được đúc rút qua kinh nghiệm hơn 40 năm thi công nhiều công trình ngầm lớn của quốc gia và cũng trực tiếp xử lý nhiều sự cố sụt, sập hầm, như xử lý sụt hầm dẫn nước thủy điện Đắc Ly 3, Quảng Nam; Xử lý sập trượt hầm thủy điện Ba Hạ …”, Tổng giám đốc Sông Đà 10 Vũ Văn Tính nói.

Tiền thân là công trường khoan phun xi măng được thành lập năm 1963 tại công trình Nhà máy thủy điện Thác Bà, Sông Đà 10, với ngành nghề kinh doanh chính là công trình ngầm, khoan nổ mặt bằng và hồ hố móng công trình, khoan gia cố và xử lý hố móng công trình, lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên công ty tự hào đã thi công hầu hết công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông quan trọng như: Nhà máy thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Yaly, thủy điện Sông Hinh, thủy điện Đồng Nai, Ba Hạ, hầm đường bộ Hải Vân, hầm đường bộ Dốc Xây, hầm đường Hồ Chí Minh (ARoàng - ATép), hầm đường bộ Đèo Ngang và hiện đang triển khai hầm đường bộ Đèo Cả…

Cũng chính vì vậy, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Sông Đà 10 có thể tự hào là đơn vị có kinh nghiệm hàng đầu về đào hầm trong điều kiện nền đất yếu. Không ít những công trình đơn vị thi công trước đó phải “bó tay” như thủy điện Đạ Dâng, đã được Sông Đà 10 xử lý thành công, như hầm thủy điện Hương Sơn, hầm đường bộ Hải Vân, hầm đường bộ Lào Cai…

Với những thành tích đã đạt được trong sản xuất, kinh doanh, tập thể cán bộ, công nhân viên CTCP Sông Đà 10 đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” năm 1998 và nhiều danh hiệu cao quý khác…

Đón đầu công nghệ mới nhất

Tổng giám đốc Vũ Văn Tính chia sẻ, nhiều đơn vị thi công sẵn sàng bỏ giá thấp để trúng thầu, tuy nhiên, sau đó có thể bỏ qua hoặc thực hiện không đầy đủ nhiều khâu như thăm dò, khảo sát địa chất, do vậy không lường được thực trạng và khi xảy ra sự cố trở tay không kịp. Từng lăn lộn trên khắp các công trường, người đứng đầu đội ngũ điều hành và cũng là kỹ sư có hơn 30 năm kinh nghiệm của Sông Đà 10 cho biết, khi đã xác định được nền đất yếu, phải điều chỉnh bước đào ngắn còn 0,5-1 m, đào đến đâu gia cố bằng vì thép tới đó rồi mới đào tiếp. Do vậy, có những công trình, cả tháng chỉ đào được 35-40 m. Ông Tính tự tin: “Tiến độ chậm, chi phí cao, song chúng tôi vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt. Cũng chính vì vậy mà các công trình do Sông Đà 10 thực hiện, tham gia chưa xảy ra bất cứ sự cố nào”.

Cùng với kinh nghiệm thực tế, công ty cũng nỗ lực đột phá về công nghệ và kỹ thuật, khi đầu tư đồng bộ hàng loạt máy móc, thiết bị thi công hiện đại được chế tạo bởi các hãng nổi tiếng của các nước G7 như: Atlas Copco, Volvo (Thụy Điển), TamRock (Phần Lan), Caterpiler (Mỹ). Đặc biệt, trong quá trình thi công hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, công ty đã áp dụng thành công công nghệ đào hầm theo phương pháp NATM của Áo, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT Sông Đà 10 Trần Ngọc Lan “khoe”, hiện đơn vị có trên 600 đầu xe máy thiết bị với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng, được sử dụng thi công tại hầu hết các công trình thủy điện tầm cỡ như: Thủy điện Sơn La, Tuyên Quang, Nậm Chiến, Huội Quảng, Bản Vẽ, Quảng Trị, Ba Hạ, Xêkamản 3… Đội ngũ lao động gần 3 nghìn cán bộ, công nhân viên có trình độ chuyên môn, tay nghề vững, giàu kinh nghiệm đang tham gia thi công trên các công trình trọng điểm ở khắp mọi miền đất nước.

Theo ông Lan, thời gian tới, cùng với ba lĩnh vực chính, Sông Đà 10 cũng đón đầu lĩnh vực, công nghệ mới là xây dựng hệ thống giao thông ngầm trong thành phố. Người đứng đầu doanh nghiệp cho biết: “Sông Đà 10 hiện liên doanh với một đối tác có kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực này của Ý để học tập, đón đầu và làm chủ công nghệ mới. Chúng tôi đang chuẩn bị hồ sơ đấu thầu và sẵn sàng mọi nguồn lực để tham gia dự án tàu điện ngầm Hà Nội”. 

Lĩnh vực kinh doanh chính:

- Xây dựng các công trình ngầm và dịch vụ dưới lòng đất; Các công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông; Công trình công nghiệp, công cộng, nhà ở;
- Khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; Tư vấn xây dựng;- Sản xuất, kinh doanh vật tư­, vật liệu xây dựng; Cấu kiện bê tông; Phụ tùng, phụ kiện bằng kim loại phục vụ xây dựng;
- Đầu tư xây lắp các công trình thủy điện vừa và nhỏ, kinh doanh điện thương phẩm; Các khu công nghiệp, cảng biển…

Năng lực thi công hiện có:
- Năng lực khoan nổ hở: 10 triệu m3/năm;
- Năng lực khoan nổ hầm: 1,2 triệu m3/năm;
- Năng lực xúc bốc, vận chuyển: 4 triệu m3/năm;
- Khoan phun gia cố, chống thấm: 150 nghìn md/năm;
- Phun bê tông gia cố: 500 nghìn md/năm;
- Sản xuất đá dăm: 300 nghìn m3/năm;
- Sản xuất bê tông thành phẩm: 150 nghìn m3/năm;
- Đổ bê tông hầm và hở: 150 nghìn m3/năm;
- Gia công chi tiết và kết cấu kim loại, sản xuất cốp pha: 500 tấn/năm...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.