Xã hội

Sóng dâng cao 10m, vùng ảnh hưởng rộng, bão số 9 là cơn mạnh nhất năm 2020

26/10/2020, 16:55

Dự báo bão số 9 sẽ là cơn bão mạnh nhất trong năm 2020 với phạm vi ảnh hưởng rộng, gây mưa lớn...

img
Bão số 9 liên tục tăng cấp khi vào Biển Đông, có lúc giật cấp 15

Mắt bão từ Đà Nẵng tới Phú Yên, nhưng Bắc Trung Bộ lại hứng mưa lớn

Chiều 26/10, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã có cuộc họp báo cung cấp thông tin cập nhật về cơn bão số 9.

Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, không loại trừ khả năng bão số 9 sẽ là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm tới nay và cả trong năm 2020.

“Bão số 9 có 3 đặc điểm cần lưu ý gồm: Di chuyển nhanh, cường độ mạnh và vùng ảnh hưởng rộng. Từ chiều 27/10 ngoài khơi đã có gió mạnh đạt cấp 13 giật cấp 15/10. Khi vào gần bờ cường độ gió vẫn duy trì cấp 12 giật cấp 14. Trọng tâm bão đổ bộ từ Đà Nẵng-Phú Yên, tuy nhiên cả khu vực vịnh Bắc Bộvẫn có gió cấp 8-9; phía Nam từ Khánh Hòa-Bình Thuận có gió Tây Nam mạnh cấp 7 giật cấp 10”, ông Năng nói.

Theo ông Năng, bão số 9 với cường độ rất mạnh cấp 12-13 sẽ gây những đợt sóng cao tới 10m trên biển Đông.
“Khi bão đi sâu vào vùng biển Trung Bộ, độ cao sóng ít suy giảm với lý do đây là khu vực biển thoáng, không bị che chắn, độ sâu của biển lớn, và dốc nên mức độ làm giảm sóng do ma sát ít. Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình – Phú Yên sóng cao 4-7m, vùng gần tâm bão (Đà Nẵng tới Bình Định), bao gồm các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm sóng cao 6-8m, gió tại Lý Sơn có thể đạt cấp 11-12”, ông Năng phân tích.

Về mưa lớn, từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt. Từ 28-31/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Nghệ An có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

img
Ông Trần Quang Năng dự báo bão số 9 sẽ là cơn bão mạnh nhất năm 2020

Do mưa lớn nên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ mới. Mực nước trên nhiều sông có khả năng lên báo động 2-báo động 3, có sông vượt báo động 3, nguy cơ xảy ra sự cố tại các thủy điện nhỏ là rất cao.

“Mặc dù nhiều khu vực không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng do hoàn lưu bão lớn, các khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định cần đề phòng nước nước dâng do bão từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng cao tại khu vực trũng, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi”, ông Năng nhấn mạnh.

Công điện khẩn gửi các tỉnh Tây nguyên ứng phó bão số 9

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa có Công điện khẩn gửi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên.

Nội dung Công điện nêu rõ, bão số 9 là cơn bão có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, di chuyển nhanh. Sau khi đổ bộ vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên, bão tiep tục đi vào khu vực Tây Nguyên với sức gió còn mạnh, khả năng gây mưa lớn, lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Đến 16h chiều ngày 28/10, tâm bão ở trên khu vực Tây Nguyên với sức gió cấp 8, giật cấp 10 và gây mưa lớn với lượng mưa từ 100mm đến 200mm (mức độ tàn phá của cơn bão này có thể tương đương hoặc mạnh hơn bão số 12 năm 2017 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh ven bien Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên).

Để chủ động ứng phó với bão, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khu vực Tây Nguyên tập trung chi đạo một số nội dung sau:

Rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, vùng có có nguy cơ cao xảv ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, vùng ngập sâu, chia cắt đến nơi an toàn.

Hướng dẫn, chi đạo triển khai chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là cây trồng lâu năm, cây công nghiệp

Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là đối với các hồ chứa xung yếu, công trình dang thi công, chủ động vận hành đón lũ, đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Tồ chức thông tin cảnh báo cho chính quyền và nhân dân vùng hạ du bị ảnh hưởng, kể cả đối với nước bạn Campuchia về việc vận hành xả lũ, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp để chủ động phòng, tránh.

Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mua, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày.

Tổ chức trực bạn nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Chỉ đạo Đài phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tấn báo chí ờ địa phương tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ.

Vì sao nâng cấp độ cảnh báo thiên tai ở cấp 4

img
Ông Hoàng Phúc Lâm lý giải vì sao nâng cấp cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 khi bão số 9 đổ bộ

Trước tình hình trên, trong sáng nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đã đưa ra mức độ cảnh báo thiên tai cấp 4; lưu ý khu vực trọng tâm từ Đà Nẵng tới Phú Yên với sóng to, gió giật mạnh.

Lý giải mức cảnh báo này, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho hay: “Theo đúng quy định khi bão vào bờ đạt cấp 12 trở lên mới ra cảnh báo thiên tai ở cấp 4, trong khi kịch bản dự báo cho thấy nhiều khả năng bão số 9 có khả năng cấp 11, chấp chới giữa cấp 3 và cấp 4. Tuy nhiên xét trên bối cảnh miền Trung còn chưa khắc phục xong trận mưa lũ trước, Trung tâm nhận định tiềm ẩn rủi ro và nguy hiểm rất lớn lớn nên xác định cấp 4”.

Theo ông Lâm, dù chưa đổ bộ đất liền nhưng hoàn lưu trước bão số 9 sẽ gây mưa dông, gió giật mạnh từ đêm 27/7. Chính vì thế, mọi công tác chuẩn bị ứng phó, di dân cần phải hoàn thành trong ngày 27. “Sóng lớn kết hợp nước biển dâng cao nên việc bảo quản khu vực nuôi trồng thủy hải sản cần đặc biệt lưu ý”, ông Lâm nói và nhấn mạnh “Bão số 9 sẽ gây ra gió giật mạnh vùng tâm bão nhưng thời điểm này sẽ qua rất nhanh. Đáng lo ngại hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh dịch lên phía Bắc Trung Bộ gây mưa rất lớn”.

Theo ông Lâm, ngay sau bão số 9, trong nửa đầu tháng 11, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện thêm 1-2 cơn bão nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.