Thời sự

Sống dưới họng súng cướp biển

07/01/2015, 11:21

Những thông tin cướp biển tấn công tàu, bắn chết thuyền viên Việt Nam gần đây khiến cựu thuyền trưởng tàu Hoàng Sơn Sun Đinh Tất Thắng thêm thấm thía 242 ngày cùng cực trong tay cướp biển...

Kỳ 1: Những khoảnh khắc sinh tử

Một mình trong phòng cùng hơn chục tên cướp thật khủng khiếp, cho tới tận bây giờ ông Thắng không giây phút nào quên được cảm giác đó. Cướp biển hung hăng bắn súng uy hiếp chát chúa suốt ngày đêm để đe dọa và làm nhụt ý chí, tinh thần anh em thủy thủ.  

Các thuyền viên nắm tay đứng trên boong để máy bay xác nhận có đủ người hay không trước khi thả tiền chuộc
Các thuyền viên nắm tay đứng trên boong để máy bay xác nhận có đủ người hay không trước khi thả tiền chuộc

Chân dung cướp biển

Trò chuyện với chúng tôi vào một ngày cuối năm 2014, ông Đinh Tất Thắng - cựu thuyền trưởng tàu Hoàng Sơn Sun kể, những ngày tháng kinh hoàng đó bắt đầu từ lúc 2h20 chiều 17/1/2011. Mặt biển êm ả, tàu Hoàng Sơn Sun có tất cả 24 thuyền viên, trên hành trình từ Iran đi Trung Quốc trả hàng. Tàu đang đạt tốc độ tốt và mọi người đang bàn chuyện về nhà ăn Tết, bất ngờ một chiếc xuồng cao tốc chở 7 tên cướp đột nhập lên tàu. 

“Tất cả đều đầu trần chân đất, mang theo súng AK 47 báng gấp và súng phóng lựu B41, vừa đi chúng vừa nổ súng như vãi đạn để uy hiếp thủy thủ đoàn. Cướp biển bắt chúng tôi tắt máy chính, thả trôi tàu trên biển và yêu cầu tất cả thuyền viên tập trung trên buồng lái. Nhưng lạ là không có hành động khủng bố hay đánh đập nào. Sau đó, một tàu đánh cá to mà bọn cướp dùng làm tàu mẹ để đi cướp tiếp cận mạn tàu chúng tôi, đưa thêm một toán cướp rất đông nữa lên tàu. Chúng dàn quân khắp tàu. Sau khi ổn định được trật tự, chúng yêu cầu nổ máy chạy về bờ biển Somali”, ông Thắng nhớ lại. 

Theo ông Thắng, trong năm ngày sinh tử đầu tiên, trước khi tàu neo tại Đông Bắc Somali, thủy thủ trên tàu đã liên lạc được về nhà ba lần, bằng điện thoại vệ tinh, gửi điện inmasat và lần thứ ba gửi trộm được bằng fax khi tên cướp giám sát thuyền viên lơ là. 

Ở khu neo đậu, có hàng chục chiếc tàu mang quốc tịch khác nhau bị cướp bắt về để chờ tiền chuộc. “Chúng tôi đặt biệt danh cho một số tên như: Chột, Lác, Ghẻ, Mặt quắt tai dơi, Bếp cũ... gắn với đặc điểm nổi bật của chúng. Trong số đó, tên tướng cướp Rằn ri rất ít nói, suốt ngày chỉ quan sát”, ông Thắng kể. 

Sau tên tướng Rằn ri là tên Bã Trầu, nói được tiếng Anh, người đầy sẹo. Nó bảo, trước sống giang hồ ở Mỹ và giờ nhận việc đàm phán giá cả, mỗi khi tên tướng vào bờ, nó được giao làm chỉ huy. Tên này luôn thay đổi tính nết, đang vui lại buồn, đang trò chuyện lại la hét chửi rủa, thậm chí cầm súng dọa bắn lung tung.   

Thuyền trưởng Đinh Tất Thắng mô phỏng cảnh bị cướp biển Somali hành hạ
Thuyền trưởng Đinh Tất Thắng mô phỏng cảnh bị cướp biển Somali hành hạ

Thực phẩm duy nhất chỉ là cá

Sáng ngày thứ 9 trong tay cướp biển, bọn cướp gọi các thủy thủ vào phòng tra hỏi thông tin về tàu, tài sản công ty với mục đích định giá chuộc tàu. Một mình trong phòng cùng hơn chục tên cướp thật khủng khiếp. Từ khi cướp biển lên tàu, chúng dồn hết thuyền viên lên ở, ngủ trên buồng lái, bắn súng uy hiếp suốt ngày đêm. Nhiều giờ đồng hồ qua đi, chúng dọa nạt tra hỏi để tìm thông tin thật về công ty. Ai cũng có cảm giác cái chết đang kề cận với mình. 

Lúc đầu, chúng nói tiền chuộc tàu là 20 triệu USD, sau đó thống nhất báo về công ty giá chuộc tàu là 7 triệu USD. Rồi chúng hạ giá tiền chuộc xuống khoảng ba đến bốn triệu. Số tiền này sẽ được thả từ máy bay xuống biển sau khi chúng vớt lên kiểm tra và cho tàu chạy. 

“Tên Bã Trầu nói với tôi, mạng lưới cướp được điều hành từ một ông chủ. Sau khi trả tiền chuộc, tàu sẽ chạy từ bờ ra biển an toàn không bị các toán cướp khác bắt lại. Nó còn nói, nghèo quá nên phải đi cướp chứ không giết người với điều kiện đáp ứng được yêu cầu của bọn chúng. Còn nếu làm khác đi sẽ bị cách ly và bị giết hoặc có tàu đưa ra ngoài khơi thả xuống biển.   

"Ngày thứ 68, công ty cương quyết không trả thêm giá, cướp biển không giảm giá và tên Bã Trầu không còn dọa dẫm nữa mà bắt đầu ra tay. Với tôi, đó là ngày khủng khiếp nhất cuộc đời”.

Thuyền trưởng Đinh Tất Thắng 

Theo Bã Trầu, chi phí cho cướp tại tàu mỗi ngày khoảng hai nghìn USD, bao gồm tiền đò, tiền thực phẩm. Nhưng đắt nhất vẫn là tiền mua lá Kass - loại lá trông giống như lá sắn, thuyền mà ở nhà mình hay dùng để ăn gỏi, nhưng loại này có chất gây nghiện, mỗi bó như mớ rau muống có giá 50 USD.

Mỗi tên cướp được cung cấp một bó một ngày, chỉ có lúc ngủ là chúng mới ngừng nhai. Bọn trùm ở bờ cung cấp cho bọn trên tàu để chúng tỉnh táo canh gác và phải phục vụ cho chúng mới được cung cấp. Lúc đông nhất trên tàu có khoảng 40 tên cướp, có thời điểm chúng cũng bất đồng, chia thành hai phe đánh nhau, lôi súng AK ra bắn nhau thủng cả trần nhà bếp vì một phe muốn chạy về phía Bắc, phe còn lại muốn tàu ở lại để đưa thuyền viên lên bờ”, ông Thắng kể.

Ngày thứ 15, công ty liên lạc gọi sang trả giá tiền chuộc là 70 ngàn USD, bằng 1% giá cướp đưa ra. Nhưng chúng không chịu, đòi đúng giá 3,5 triệu USD. Ngày thứ 17, đúng ngày 30 Tết, thực phẩm và rau sắp hết, đêm Giao thừa trôi đi trong lặng lẽ. Mọi người nằm ngủ, thấy nhiều người trằn trọc trở mình. Cuộc mặc cả giá chuộc giữa công ty và cướp biển trong nhiều ngày sau đó chỉ dừng lại ở mức hẹn trả lời, tăng thêm rất ít nên bọn chúng rất tức giận. 

Trong chuỗi ngày dài sau đó, thực phẩm trên tàu duy nhất chỉ là cá do các thủy thủ câu được, thi thoảng mới xin được ít thịt dê thừa của bọn cướp. Khu vực này rất ít mưa, có lúc cướp bắt chạy tàu loanh quanh để chưng cất nước uống, nhưng như thế rất tốn nhiên liệu. Nước uống cạn dần, phải uống nước đục ở đáy két tàu. Tên Bã Trầu luôn bắt thuyền viên phải uống trước để chứng minh rằng không đầu độc nó. Có lúc nó kê súng vào đầu thuyền trưởng, máy trưởng dọa giết nếu để hết dầu chạy, cũng như khi hết nước uống.

Tàu chiến cũng bỏ đi

Sau lần liên lạc trong ngày thứ 21 với công ty bất thành, cướp biển bắt đầu đe dọa giết hết thủy thủ. Chúng la hét, khủng bố tinh thần mọi người, mang súng ra bắn dọa suốt ngày. Đi vệ sinh cũng bị giám sát chặt vì chúng lo sợ phía Việt Nam sẽ nhờ lực lượng hải quân Mỹ giải cứu. Và quả thực, hơn một tuần sau, cũng có một tàu chiến của Ý xuất hiện, liên lạc với chiếc tàu mang cờ Yemen đang bị giữ cạnh đó, yêu cầu chụp ảnh, chuyển thuyền viên bị ốm sang tàu chiến và cấp cho thực phẩm, thuốc y tế nhưng cướp biển khước từ. 

“Sau đó, chiếc tàu chiến tiến vào rất sát tàu mình thả trôi, gọi VHF muốn liên lạc với tàu Hoàng Sơn Sun, hỏi có cần trợ giúp gì không nhưng thằng Bã Trầu không trả lời. Buổi chiều hôm tàu chiến xuất hiện, không khí trên tàu cực kỳ căng thẳng và ngột ngạt. Toàn bộ toán cướp mang tất cả các loại vũ khí ra hướng về tàu chiến, sẵn sàng nhả đạn nếu tàu chiến có động thái giải cứu tàu. Tất cả thuyền viên bị bắt ngồi yên trong buồng lái, căng thẳng chờ đợi xem điều gì sẽ diễn ra. Và mọi việc trở lại gần như bình thường khi tàu chiến quay đầu chạy ra biển và xa dần khu neo. Tàu chiến hẹn ngày hôm sau sẽ gọi lại, nhưng không thấy quay lại nữa”, ông Thắng thuật lại.

Tuần đầu của tháng thứ ba, cướp biển lần thứ ba thay người đàm phán giá chuộc, nhưng giá công ty đưa ra vẫn dưới một triệu USD, khiến bọn chúng rất sốt ruột và tức giận. Đêm không điện, không nước, chỉ có chiếc đèn dầu tự chế tối om. Bã Trầu nói sẽ đánh dần từng thuyền viên nếu kết quả đàm phán không thỏa mãn, không cho thuyền viên gọi điện về nhà. Nó còn đe đưa thuyền viên lên bờ, vào khu rừng phía Nam hoặc cho sang sống ở tàu cá mới cướp được để đi cướp tàu. Thuyền viên các tàu cá bị cướp cũng bị đối xử như nô lệ, chỉ cho ăn uống tối thiểu và phải phục vụ cướp vô điều kiện. 

Còn nữa

Hồng Xiêm

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.