Kinh tế

Sóng ngầm “lợi ích” ở đại học tư thục lại nổi lên

18/07/2020, 06:24

Cuộc chiến “tranh chấp” tại các trường ngoài công lập diễn ra suốt gần 20 năm nay song vẫn chưa có hướng giải quyết.

img
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang đứng đầu các trường tư thục về quy mô

Sự việc mới nhất vừa diễn ra tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT).

Lo trắng tay chỉ sau 1 quyết định

Sau nhiều lần viết đơn kiến nghị, tố cáo gửi tới Bộ GD&ĐT song chưa có kết quả xử lý, mới đây, ông Lại Việt Hùng, Ủy viên HĐQT HUBT đã có đơn kêu cứu khẩn cấp với nội dung: “Ông Đỗ Quế Lượng, Phó hiệu trưởng thường trực, Phó chủ tịch HĐQT bằng các thủ đoạn lừa dối các nhà đầu tư (cổ đông), cố ý vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhằm phá trường, trục lợi, tham nhũng”.

Cụ thể, ông Hùng cho biết, ngày 3/6/2019 Chính phủ đã ban hành QĐ số 671/QĐ-TTg về việc chuyển đổi HUBT loại hình từ dân lập sang tư thục, nhưng lãnh đạo trường đã “câu giờ”, cố tình không thực hiện.

“Cho tới khi Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 ra đời chốt thời gian phải thực hiện việc chuyển đổi, thành lập, công nhận hội đồng trường (HĐT), chủ tịch HĐT của trường đại học tư thục xong trước ngày 15/8/2020.

Trước tình thế như vậy, ông Lượng đã tung ra hàng loạt chiêu thức đưa các cổ đông vào “ma trận” như: Thành lập “Ban trù bị”, “Nhà đầu tư là cổ đông sáng lập”, “Hội đồng thư ký”, “chi phí vốn”… thực hiện thành lập Hội đồng trường theo hướng không vì lợi nhuận… nhằm tiếp tục thực hiện âm mưu của mình rồi đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm, chối tội trước pháp luật và các nhà đầu tư của HUBT”, ông Hùng tố cáo.

Bằng chứng khiến ông Hùng và nhiều cổ đông bức xúc khi biên lai “bảng tính lãi 6 tháng” vẫn được nhận hàng năm mới đây được chuyển thành “bảng tính lãi vốn góp “chi phí vốn”.

“Với khái niệm chi phí vốn, cổ đông chúng tôi đã bị biến thành người góp vốn chứ không phải là nhà đầu tư được công nhận trong loại hình trường ĐH tư thục. Trong khi đó, trường dân lập trước kia là do các cổ đông góp dựng lên chứ không đi vay vốn thì lấy đâu ra cái gọi là chi phí vốn?”, ông Hùng đặt vấn đề.

Tuy nhiên, điều khiến các cổ đông lo lắng nhất chính là khẳng định của ông Lượng rằng HUBT sẽ giữ nguyên định hướng phi lợi nhuận như từ khi thành lập.

“Ngày 9/5/2020, HĐQT triệu tập cuộc họp bàn về giải pháp cấp bách triển khai thực hiện Luât Giáo dục Đại học năm 2018 theo hướng ĐH phi lợi nhuận.

Trong khi đó, theo quy định mới “cơ sở giáo dục ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục ĐH mà nhà đầu tư cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi nhận trong quyết định cho phép thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục đại học; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phân lợi nhuận tích lũy hàng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học”.

Nếu đúng là như vậy, khi HUBT đã chuyển sang ĐH tư thục không vì lợi nhuận, các cổ đông sẽ mất hết, không còn sở hữu bất cứ thứ gì”, ông Hùng phân tích.

Ai cũng muốn làm chủ?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Nhị, Chánh Văn Phòng trường HUBT, cũng đưa ra nhiều minh chứng lý giải việc triển khai quyết định chuyển đổi sang ĐH tư thục chậm.

“Luật Giáo dục đại học năm 2018 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019 với nhiều thay đổi lớn. Theo đó, các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập không còn HĐQT nữa mà phải lập HĐT; Không còn cổ đông và đại hội cổ đông, thay vào đó là nhà đầu tư và Hội nghị nhà đầu tư.

Tuy nhiên, tới ngày 30/12/2019 Chính phủ mới ban hành Nghị định hướng dẫn. Ngay sau Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/2/2020, lại diễn ra dịch Covid-19, phải thực hiện giãn cách xã hội từ tháng 3 đến đầu tháng 5/2020. Như vậy, thực chất quỹ thời gian để triển khai của trường mới bắt đầu từ tháng 5 tới nay” vị đại diện cho hay,

Bên cạnh đó, vị đại diện cũng khẳng định đã lấy ý kiến các cổ đông về việc cam kết chuyển đổi loại hình trường dân lập sang tư thục không vì lợi nhuận. Kết quả đến ngày 9/8/2018, có 872/952 cổ đông, đại diện cho 90,8% vốn đóng góp, ký cam kết đồng ý chuyển đổi.

Do đó, ngày 12/12/2018, trường đã có tờ trình gửi Bộ GD&ĐT về việc đề nghị chuyển đổi trường từ loại hình dân lập sang tư thục không vì lợi nhuận.

“Tuy nhiên, theo phản hồi của Bộ GD&ĐT, HUBT trước hết cần hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi sang loại hình trường ĐH tư thục.

Lúc này, chúng tôi chỉ tập trung làm cho xong theo Quyết định 671, bởi ngay từ khâu xác định ai là nhà đầu tư cũng gây tranh cãi gần 2 tháng chưa dứt. Còn mọi chuyện sau này sẽ tính”, vị đại diện nói và thông tin cố gắng tới đầu tháng 8 sẽ phải tổ chức đại hội cổ đông để làm rõ các vấn đề trên.

Tuy nhiên, theo bà B. hiện là một trong những cổ đông lớn nhất của trường cho hay: “Ngày lấy phiếu, lãnh đạo trường bảo đây chỉ là tên gọi để tránh thuế má, còn vẫn được chia cổ tức như thường.

Tới sau này, khi đọc được Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học 2018, tôi mới tá hỏa khi biết đổi sang phi lợi nhuận đồng nghĩa nhà đầu tư giũ tay bỏ lại hết”.

Còn ông H., giảng viên đồng thời là cổ đông tại trường cũng chia sẻ: “Tờ phiếu có nội dung đồng ý chuyển đổi sang mô hình phi lợi nhuận và cổ đông không đòi hỏi thêm. Khi đó, mọi người đều nghĩ đã có quy chế rồi thì đòi hỏi gì nữa nên mới đặt bút ký.

Giờ ngẫm lại mới thấy có sự mập mờ, đánh đồng việc “không đòi hỏi thêm” với “cam kết từ bỏ tất cả vốn và quyền lợi như Nghị định 99 yêu cầu”. Rõ ràng lãnh đạo trường đã xây dựng kịch bản để đối phó, rất tinh vi”.

Qua đây, ông Hùng nhận định: “Các cổ đông đã bị “lừa” khi ký vào lá phiếu chuyển đổi. HĐQT đã không minh bạch khi lấy ý kiến và không giải thích nếu ký đồng ý thì theo Luật Giáo dục Đại học mới, cổ đông sẽ từ bỏ số tiền đầu tư”.

“Với quy chế hoạt động hiện nay, HUBT rất khó bị thâu tóm bởi không thể cắt quyền sở hữu của gần 1.000 nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi đã biến thành tư thục phi lợi nhuận thì khả năng trên hoàn toàn có thể xảy ra. Chỉ cần 1 ông chủ lớn nhảy vào là xong.

Tôi được biết hiện đã có ngân hàng sẵn sàng trả cả vốn lẫn lãi tích lũy cho tất cả nhà đầu tư của HUBT”, ông Hùng nói và bày tỏ: “Chúng tôi muốn làm chủ, tự khai thác tự kiếm ăn, lời ăn lỗ chịu. Lãi suất là một phần, được sở hữu thương hiệu của trường mới là quan trọng”.

Trước lo lắng trên, ông Nhị phản bác: “Chỉ khi sang trường tư thục mới sợ thâu tóm… Và nếu trường này cứ dừng lại tư thục thì không đầy 3 năm sẽ tan. Bởi lẽ, khối tài sản sở hữu chung ở đây rất lớn. Mới đang thực hiện quyết định chuyển đổi mà đã tranh chấp như vậy rồi thì sau này chưa biết thế nào”.

Cũng theo vị chánh văn phòng, bước kế tiếp chuyển sang tư thục phi lợi nhuận của nhà trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Trăn trở nhất làm sao bảo đảm được quyền lợi của nhà đầu tư mà vẫn không trái pháp luật”, ông Nhị nói.

Thể chế, nguồn cơn của mọi tranh chấp

Trước vụ tranh chấp nội bộ tại HUBT, hàng loạt câu chuyện tương tự đã diễn ra suốt gần 20 năm nay tại các trường dân lập. Điển hình là vụ tranh chấp Hội đồng quản trị Đại học Hoa Sen đã qua 5 năm tới nay vẫn chưa thể xét xử; Hay trước đó là cuộc tranh chấp triền miên kéo dài hơn chục năm tại ĐH Hùng Vương do mâu thuẫn giữa các thành viên trong hội đồng quản trị.

Sau 24 năm thành lập, HUBT hiện là trường ĐH tư thục có quy mô lớn nhất cả nước với tổng số sinh viên theo học cao điểm lên tới 27 nghìn người.

Theo kết quả kiểm toán, đến ngày 31/7/2018, vốn sở hữu của HUBT vào khoảng 855 tỷ đồng, trong đó có 118,208 tỷ đồng là vốn góp của các cổ đông; Số còn lại khoảng 737 tỷ đồng là Quỹ tích lũy không chia thuộc sở hữu tập thể của các cổ đông.


Trao đổi với PV Báo Giao thông, một chuyên gia giáo dục nguyên là lãnh đạo Bộ GD&ĐT chia sẻ, nguồn cơn tranh chấp xuất phát từ bất cập thể chế, trước hết từ Thông tư số 45 của Bộ GD&ĐT từ 2014 quy định về việc chuyển đổi loại hình trường ĐH dân lập sang loại hình trường ĐH tư thục.

“Quy định này không tính tới sự thay đổi bản chất sở hữu của nhà trường khi chuyển từ trường dân lập vốn là sở hữu tập thể qua trường tư thục là sở hữu tư nhân.

Do đó, Bộ GD&ĐT vô tình tước đoạt quyền làm chủ của một bộ phận lớn các thành viên của trường dân lập - những người đã đóng góp nhiều công sức để tạo nên “ thương hiệu” của nhà trường và buộc họ phải trở thành những người làm thuê”.

Ngoài ra, Thông tư 45 chỉ hướng các trường đại học dân lập chuyển thành trường đại học tư thục hoạt động có lợi nhuận, không chấp nhận được chuyển đổi thẳng thành trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

“Đây chính là bất cập khiến các trường ĐH ngoài công lập suốt thời gian qua dù phản đối nhưng vẫn chật vật chuyển đổi. Cũng có trường làm cho xong nhưng hoạt động thực tế lại không đúng quy định”, vị chuyên gia cho hay.

Để tháo gỡ những bế tắc trên, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ GD&ĐT, Chính phủ điều chỉnh lại nội dung của Thông tư 45.

Trong đó, nhấn mạnh giải pháp quá trình chuyển đổi trường đại học dân lập (theo sở hữu tập thể) qua loại hình trường đại học tư thục nhất thiết phải qua khâu “giải thể trường” để xác lập minh bạch quyền lợi của từng thành viên thuộc trường dân lập, bảo đảm đúng bản chất sở hữu của loại hình trường này. Tuy nhiên, tới nay, kiến nghị này vẫn chưa có hồi đáp.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng phân tích: “Luật Giáo dục Đại học 2012 quy định trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận nhưng các cổ đông góp vốn vẫn được chi trả lợi tức bằng với lãi suất trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, Luật mới năm 2018 quy định không được chia lợi tức. Quy định này không phù hợp với thực tế Việt Nam, không khuyến khích xã hội hóa giáo dục. Đây cũng chính là nguyên nhân tới thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có trường tư thục phi lợi nhuận”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.