Thế giới

Sóng thần tàn phá Indonesia do lỗi hệ thống cảnh báo

24/12/2018, 09:16

Sóng thần bất ngờ ập vào các bãi biển du lịch và thị trấn duyên hải hai đảo Sumatra và Java của Indonesia...

28

Bãi biển Carita tan hoang sau sóng thần

Sóng thần bất ngờ ập vào các bãi biển du lịch và thị trấn duyên hải hai đảo Sumatra và Java của Indonesia tối 22/12 khiến người dân và khách du lịch không kịp di tản, trong khi cơ quan chức năng còn đang nhầm lẫn trong việc phát cảnh báo thảm họa thiên nhiên.

Làng du lịch tan hoang sau cơn sóng dữ

Hình ảnh truyền thông Indonesia đăng tải trong ngày 23/12 cho thấy cảnh tượng tan hoang ở các thị trấn chịu ảnh hưởng của sóng thần.

Những ngôi nhà tại các khu vực thị trấn duyên hải chỉ còn trơ khung, nhiều căn nhà chỉ còn là những mảnh vụn, cây gãy đổ xen lẫn đồ đạc, xe cộ... bùn đất đầy trên đường sá.

Ở thị trấn duyên hải Seran, tỉnh Banten, phía Tây đảo Java - điểm du lịch nổi tiếng với những bãi cát dài trắng muốt, giờ đây không còn giữ được nét đẹp thường ngày.

Trong ánh mắt của người dân, vẫn còn nét hoảng loạn và đau thương khi tài sản đã mất trắng bởi đợt sóng thần cao khoảng 1m.

Khi cơn sóng dữ đột ngột vào các bãi biển quanh eo biển Sunda lúc 21h27 tối 22/12, người dân và du khách đã hoảng loạn bỏ chạy lên những vùng đất cao tìm nơi trú ẩn. Trong khi nhiều tàu thuyền, khách sạn cùng hàng trăm ngôi nhà đã bị phá hủy dưới sức tàn phá của thiên nhiên.

Ít nhất 168 người thiệt mạng, 745 người bị thương và 30 người mất tích là con số thống kê cho tới 17h chiều 23/12 của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia.

Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo, con số thương vong thực tế có thể sẽ còn tăng cao khi lực lượng chức năng tiếp cận sâu hơn vào các vùng bị nạn đặc biệt là ở 3 địa điểm Serang, Pandeglang và Nam Lampung.

Theo thông cáo chính thức của Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG), sóng thần cao khoảng 0,9m tràn vào khu vực Serang, độ cao sóng ở các khu vực khác như Pandeglang và Nam Lampung là 0,28-0,36m.

Ông Gegar Prasetya từ Trung tâm Nghiên cứu sóng thần Indonesia cho hay, đợt sóng thần này không thực sự lớn, nhưng đã hủy hoại nhiều tài sản bởi người dân đã xây dựng nhiều nhà cửa sát bờ biển.

Lỗi hệ thống về cảnh báo

Với vị trí địa lý đặc biệt, nằm trên “vành đai lửa” của Thái Bình Dương, Indonesia thường xuyên phải hứng chịu những đợt thiên tai như động đất, núi lửa và sóng thần lịch sử.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Sau quá nhiều thảm họa, các cơ quan chức năng vẫn chưa cảnh báo được chính xác hoặc cảnh báo sớm các thảm họa này?

Chính quyền Indonesia ban đầu tuyên bố, đây không phải sóng thần mà là một đợt thủy triều dâng cao và kêu gọi công chúng không cảnh giác.

Ông Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia đã xin lỗi về sai lầm này và nói rằng, vì không có trận động đất nên rất khó để xác định nguyên nhân của vụ việc.

Theo ông Nugroho, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu liệu đợt núi lửa Anak Krakatau phun trào cùng với thủy triều dâng có chính xác là nguyên nhân gây nên sóng thần hay không.

BMKG cho biết, núi lửa Anak Krakatau đã phun trào khoảng 24 phút trước khi sóng thần xảy ra. Đây là ngọn núi lửa trẻ, cao 305m, hình thành trong lòng núi lửa Krakatau ở ngoài khơi eo biển Sunda.

Hoạt động kể từ tháng 6, núi lửa Anak Krakatau phun trào ít nhất 44 lần trong vòng 1 tuần hồi tháng 9 vừa qua. Chỉ mới cách đây 2 ngày, hôm 21/12, ngọn núi lửa này đã phun trào trong hơn 2 phút, tạo ra một đám mây tro bụi cao hơn 400m.

Giới chức Indonesia dự đoán có thể sẽ còn các đợt sóng thần mới trong vài ngày tới do núi lửa Anak Krakatau vẫn còn hoạt động.

Indonesia trong năm 2018 đã hứng chịu liên tiếp nhiều đợt sóng thần gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Thảm họa kép động đất, sóng thần (cao tới 6m) hồi tháng 9 đổ ập vào đảo Sulawesi sau khi BMKG gỡ cảnh báo trước đó 34 phút, khiến ít nhất 1.763 người thiệt mạng và hơn 5.000 người mất tích.

Những thảm họa và tang thương vẫn rình rập người dân ven biển Indonesia trong khi câu hỏi về hiệu quả của các hệ thống cảnh báo vẫn còn bỏ ngỏ tại quốc gia này.

Trong một phát ngôn hồi tháng 9, ông Nugroho đã thừa nhận việc không có phao sóng thần nào tại Indonesia (một loại dụng cụ được sử dụng để phát hiện sóng do động đất dưới biển).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.