Điều tra

“Sốt” đất đặc khu, dân Vạn Ninh phá rừng, chiếm đảo

23/04/2018, 07:20

Câu chuyện đất đai đang “nóng” tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa)- nơi dự kiến quy hoạch thành đặc khu kinh tế Vân Phong.

18

Một vuông nuôi trồng thủy sản của người dân tại xã Vạn Thạnh đã bị san lấp, sẵn sàng bán khi được giá

Phá rừng, đốt đảo chiếm đất

Những ngày cuối tháng 4, PV Báo Giao thông về huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), nơi được quy hoạch thành đặc khu kinh tế Vân Phong. Dọc hai bên đường, bảng hiệu “đất bán” được dựng khắp nơi. Những mảnh vườn, khu đất bỏ hoang, hay vùng trũng thấp tấp nập cảnh đổ đất nâng nền, sửa sang, dựng rào, cắm cọc. Thậm chí, cả đìa nuôi trồng thủy sản cũng được san lấp, lập rào sẵn sàng chờ bán. Dọc đường, chốc chốc lại thấy những chiếc ô tô biển số các tỉnh đậu đỗ, người đứng chỉ trỏ về những lô đất đang bán.

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi các tỉnh: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang đề nghị các tỉnh phối hợp thực hiện một số biện pháp ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; ngăn chặn việc phân lô, bán nền trái quy định; chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp làm tăng giá bất động sản bất hợp lý tại những khu vực quy hoạch đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa).

Qua tìm hiểu, PV nhận thấy giá đất cả vùng tăng đột biến trong vài tháng qua. Cụ thể, tháng 10/2017, thời điểm trước khi Khánh Hòa đề xuất lấy cả huyện Vạn Ninh làm đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong, giá đất vườn, đất lâm nghiệp ở khu vực này chỉ từ 300 - 700 nghìn đồng/m2, thì nay đã lên đến 1-3 triệu đồng/m2 (tùy vị trí). “Nhiều mảnh vườn cằn cỗi trước đây bán vài chục triệu đồng không ai mua, nay bán 5-7 tỉ đồng”, ông Trần Văn Ngân (ngụ thôn Đầm Môn) nói.

Không chỉ ở đất liền, hàng loạt đảo trong vịnh Vân Phong cũng nằm trong cơn sốt đất. Từ trên bờ ra cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những cột khói đen bốc lên. “Người ta đốt rừng trên đảo, phát dọn để chiếm đất bán”, một người dân xã Vạn Thạnh cho biết.

Thuê thuyền đi vòng các đảo, từ Hòn Trì đến Hòn Ngang, Hòn Mới, Hòn Đỏ…, PV nhận thấy hầu như đảo nào cũng bị chặt phá, phát dọn. Màu xanh trước đây trên đảo nay thay bằng những đám đất vừa bị đốt cháy nham nhở, những gốc cây trơ trọi. Đặc biệt, theo nhiều người dân xã Vạn Thạnh, sau khi phát dọn, một số người đến đóng cọc, phân lô, rao bán đất cho người khác. Như khoảnh đất rộng hơn 2ha vừa phát dọn trên đảo Hòn Trì đã được rao bán với giá hơn 60 tỉ đồng. Nhiều diện tích trên các đảo khác cũng được rao bán công khai trên mạng với giá hàng chục tỉ đồng.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, thời gian qua, tại địa phương đã xuất hiện tình trạng phá rừng chiếm đất trên đảo và số vụ tranh chấp đất đai cũng tăng vọt. “Việc phá rừng chiếm đất trên các đảo là trái quy định pháp luật, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm”, ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong kiến nghị.

19

Một cánh rừng tại xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh) bị chặt hạ, chiếm đất (Ảnh chụp đầu tháng 4/2018)

Siết chặt, mạnh tay xử lý

Theo UBND huyện Vạn Ninh, tình hình mua bán, chuyển nhượng đất đai đang “nóng” theo câu chuyện về thành lập đặc khu kinh tế Vân Phong. Cụ thể, chỉ trong quý I, địa phương đã tiếp nhận và và giải quyết hơn 2.250 hồ sơ, bằng 186,4% tổng số hồ sơ so với cả năm 2016, bằng 65,3% năm 2017. “Tình hình lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, phá rừng… trên địa bàn hiện đang diễn biến rất phức tạp”, ông Võ Lục Phẩm, Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh thừa nhận.

Theo ông Phẩm, thời gian qua, địa phương cũng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, qua đó phát hiện 8 khu vực bị người dân chặt phá cây với khoảng 14ha, trong đó tập trung nhiều tại thôn Vĩnh Yên, thôn Đầm Môn và một số đảo như: Hòn Trì, Cổ Cò, Hòn Đỏ, Hòn Gà, Hòn Kê, Hòn Nhọn… Ngành chức năng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 6 trường hợp. Toàn bộ diện tích đất trên là đất trống đồi núi trọc và do xã Vạn Thạnh quản lý.

Huyện cũng cho rằng, do lực lượng mỏng, ở địa bàn xã đảo nên gặp khó khăn trong khâu kiểm tra, xử lý. Trong khi đó, tình trạng san lấp đất nuôi trồng thủy sản trồng cây lâu năm, sử dụng đất không đúng mục đích vẫn khó xử lý bởi luật chưa có chế tài.

Trao đổi về việc quản lý đất đai tại khu vực, Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong đề xuất huyện Vạn Ninh tổ chức một đội đi quay phim, chụp hình các vùng đất, đảo chưa có biến động để khi chính quyền Đặc khu hình thành sẽ có bằng chứng đối chất khi xử lý vi phạm.

Theo ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Khánh Hòa, ngay từ đầu năm sở đã có công văn kiến nghị với tỉnh về việc quản lý đất đai tại huyện Vạn Ninh, làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý đất đai.

Tại cuộc họp mới đây với huyện Vạn Ninh, sau khi đã đi kiểm tra thực tế địa bàn, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu huyện phải quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn, xử lý ngay các trường hợp vi phạm. “Không thể đổ đất xong, xây móng xong, xây nhà xong mới lập biên bản. Ngay từ khi đổ đất bao nhiêu xe, xe bao nhiêu khối thì trách nhiệm đó thuộc về ai? Phải nêu cụ thể từng nội dung một, lực lượng liên ngành làm gì, xã làm nội dung gì trước, quản lý đô thị xử lý ra sao”, ông Vinh yêu cầu.

Tỉnh Khánh Hòa tới đây cũng sẽ tiến hành thanh tra đất đai tại 6 xã mà Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã báo cáo. Nếu phát hiện sử dụng đất sai mục đích, vi phạm các pháp luật về đất đai thì xử lý nghiêm và thu hồi. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì xử lý hình sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.