Y tế

Sốt xuất huyết giai đoạn nào nguy hiểm nhất?

14/11/2021, 07:11

Sốt xuất huyết thường trải qua ba giai đoạn, trong đó giai đoạn thứ 2 là giai đoạn nguy hiểm nhất.

Hỏi:

Tôi thường nghe nói, với sốt xuất huyết, giai đoạn bệnh nguy hiểm nhất là sau khi dứt cơn sốt, mong bác sĩ giải thích giúp. Cảm ơn bác sĩ!

Trần Mai (Hà Nội)

img

Điều trị cho trẻ mắc sốt xuất huyết tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy

BS. Vũ Thanh Tuấn, BV Đa khoa Medlatec trả lời:

Sốt xuất huyết có 2 thể bệnh là thể nhẹ và thể nặng với những triệu chứng đặc trưng như sau:

Thể nhẹ: Sốt đột ngột 39 - 40 độ C trong vòng 2 - 7 ngày và rất khó để hạ sốt. Vùng trán và vùng sau nhãn cầu đau dữ dội. Một số người còn phát ban hoặc nổi mẩn ngứa. Các triệu chứng trên diễn biến giảm dần và tự khỏi sau khoảng 7 - 10 ngày.

Thể nặng: Có những biến chứng như: chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, ói ra máu, xuất huyết nội tạng dẫn đến phân đen, vết tiêm bị bầm tím. Ngoài ra còn đau bụng, buồn nôn, tụt huyết áp, người mệt mỏi, vật vã, chân tay lạnh.

Khi bệnh nhân đã rơi vào thể nặng, nếu không được cấp cứu kịp có thể dẫn đến tử vong. Với trẻ em, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30 - 40%.

Sốt xuất huyết thường trải qua ba giai đoạn, trong đó giai đoạn thứ 2 là giai đoạn nguy hiểm nhất.

Giai đoạn 1 là ủ bệnh và phát sốt, thường xảy ra trong 3 ngày đầu tiên kể từ khi phát bệnh với những dấu hiệu đặc trưng như: Đột ngột sốt cao từ 39 - 40 độ C; Cơ thể mệt mỏi, đau nhức hốc mắt, mỏi người, đau nhức xương khớp, đau đầu. Một số người còn bị viêm họng hoặc viêm đường hô hấp; Cảm giác chán ăn, buồn nôn; Có thể xuất hiện những ban.

​Sau giai đoạn ủ bệnh, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Cơ thể có thể giảm sốt, các dấu hiệu xuất huyết dần xuất hiện từ nhẹ đến nặng với những biểu hiện rất đa dạng do tiểu cầu giảm.

Đây cũng là giai đoạn có rất nhiều biến chứng xảy ra: Biến chứng nhẹ nhất là xuất huyết dưới da kèm theo cảm giác ngứa da; Chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Với phụ nữ có thể chảy máu dù không phải kinh nguyệt hay rong kinh; Đường tiêu hóa bị xuất huyết. Lúc này sẽ có những dấu hiệu để nhận biết như phân đen, đi ngoài lẫn máu, nôn ra máu tươi hoặc máu đông.

Nặng hơn là xuất huyết não, xuất huyết ổ bụng. Những xuất huyết này có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

Người nhà cần theo dõi bệnh nhân sát sao. Nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu như nôn nhiều, bụng đau không rõ nguyên nhân, đau đầu, đi tiểu ít, vật vã, li bì hoặc có dấu hiệu xuất huyết thì cần đưa ngay bệnh nhân tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Giai đoạn phục hồi: bệnh nhân ngừng sốt trên 48 giờ, cơ thể đỡ mệt, bắt đầu thèm ăn, đi tiểu nhiều hơn và tiểu cầu trong máu tăng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.