Hạ tầng

Sự cố cầu Nguyễn Hữu Cảnh: Chủ đầu tư, nhà thầu đều không biết có cáp ngầm?

04/10/2022, 17:23

Quá trình thi công ống cống, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đều cho rằng không biết cầu Nguyễn Hữu Cảnh có cáp ngầm dưới lòng đất.

Sau sự cố đứt cáp ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố đã thành lập tổ điều tra để giám định nguyên nhân sự cố công trình. Hiện ngành giao thông thành phố cùng với các chuyên gia đang tìm hướng khắc phục sớm nhất. Quá trình kiểm tra Sở GTVT phát hiện tại vị trí đứt cáp ngầm có hệ thống cống thoát nước băng ngang qua. Tuy nhiên cả chủ đầu tư và nhà thầu thi công cho rằng không biết có vị trí cáp ngầm này.

Không biết cầu có cáp ngầm !?

Mới đây tại cuộc họp với các bên liên quan về sự cố đứt cáp ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, Ban quản lý đầu tư dự án công trình giao thông TP (Ban Giao thông) đã cung cấp thông tin về dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh do Ban này làm chủ đầu tư.

img

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh đã cấm các xe lưu thông để sửa chữa. Ảnh Đỗ Loan

Dự án có cống hộp kính thước 2mx2m, có cao độ lưng cống cách mặt đường hiện hữu 0,8m - 1m, đáy cống cách mặt đường hiện hữu khoảng 3m. Đánh giá của Sở GTVT cho thấy tại vị trí cáp bị cắt có xảy ra giao cắt giữa hệ thống cống hộp thoát nước và cáp dự ứng lực của cầu.

Theo ý kiến của Ban Giao thông, công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh không có hồ sơ hoàn công và trong quá trình thi công nhà thầu không biết được hệ thống cáp dự ứng lực bên dưới (cách mặt đất khoảng 2m).

“Các sợi cáp dự ứng lực được ngầm dưới đất từ trụ T24 – T25 khác biệt rất lớn so với các cầu cáp dự ứng lực thông thường khác. Do đó, trong quá trình thi công nhà thầu thi công không biết việc đứt cáp dự ứng lực nêu trên”, đại diện Ban Giao thông cho hay.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, không thể có chuyện một đơn vị thi công hệ thống cống có thể cắt ngang cáp dự ứng lực của cầu mà không tìm hiểu trước khi thi công. Trong khi đó, hệt thống cáp dự ứng lực ngầm là những bó cáp rất to.

Quá trình làm cống nếu thấy có sự bất thường phải điều tra lại hồ sơ rồi mới làm. Như vậy vấn đề lưu trữ hồ sơ thiết kế của công trình đang có vấn đề giữa các ngành với nhau.

Theo Sở GTVT, cầu Nguyễn Hữu Cảnh được đưa vào khai thác năm 2002. Trong suốt quá trình sau đó, Sở GTVT TP.HCM là đơn vị quản lý, bảo trì cầu. Năm 2017 trước tình trạng hư hỏng, Sở GTVT đã cho sửa chữa cầu Nguyễn Hữu Cảnh và kiểm định năm 2017. Sau khi kiểm định, công trình cầu tiếp tục được duy tu, bảo trì thường xuyên.

Ngày 5/10/2019, TP.HCM triển khai dự án chống ngập, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh với vốn đầu tư 473 tỷ đồng. Dự án do Ban Giao thông làm chủ đầu tư.

Dự án này ngoài nâng cấp mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh, còn làm hệ thống công thoát nước, trong đó có đoạn băng qua đường Điện Biên Phủ và chạy ngầm dưới cầu Nguyễn Hữu Cảnh. Đoạn này do liên danh Công ty 319 Bộ Quốc phòng và Công ty CP đầu tư hạ tầng Đông Sơn thi công. Đơn vị tư vấn giám sát thi công là Công ty CP Kiểm định xây dựng Sài Gòn.

Dự án này đến nay vẫn do Ban Giao thông quản lý, chưa bàn giao lại cho Sở GTVT quản lý. Do đó, trách nhiệm thuộc về Ban QLDA và nhà thầu thi công dự án này.

img

Hiện trạng phần mút thừa của nhịp chính khung và đầu dầm bản của nhịp dẫn đã không còn kê trên gối cầu và tách khỏi gối cầu, xà mũ một khoảng trung bình từ 3 - 5cm.

Để thực hiện dự án, Sở GTVT cấm xe lưu thông trên cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh trong 6 tháng (tháng 10/2022 - 4/2021). Riêng hạng mục nâng cấp sửa chữa đoạn có ống cống hộp 2m x 2m giữa trụ T24 -T25 hoàn thành sớm hơn, vào tháng 3/2021.

Như vậy từ sau khi hạng mục cống hộp sửa chữa xong đến nay hơn 18 tháng. Các chuyên gia nhận định, nếu đơn vị thi công ống cống làm đứt cáp dự ứng lực ngầm cầu Nguyễn Hữu Cảnh thì có thể đã xảy ra từ trước đó mấy tháng.

Chưa xác định được thiệt hại

Trao đổi với PV, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch hội cầu đường cảng TP.HCM cho biết, hiện trạng cầu bị võng, nứt khá nghiêm trọng. Sở GTVT và các chuyên gia vẫn tiếp tục họp để bàn giải pháp xử lý sự cố cầu.

Trước mắt, biện pháp cấp bách xử lý giàn chống trong phạm vi vị trí cầu bị võng, quan trọng nhất là thi công 2 hệ thống cáp bị đứt để giữ yên mặt cầu và mặt đường.

img

Phương án sơ bộ khắc phục 4 cáp dự ứng lực bị đứt

Trước đó, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP thành lập tổ điều tra để giám định nguyên nhân sự cố công trình. Tổ có trách nhiệm đánh giá nguyên nhân sự cố công trình và xác định thiệt hại, trách nhiệm của các bên liên quan. Đồng thời có phương án khắc phục sửa chữa.

Trong thời gian chờ giám định, điều tra nguyên nhân, Sở GTVT đề nghị chủ đầu tư rà soát các nhà thầu có liên quan sự cố (đơn vị thi công, tư vấn giám sát...) tham gia thực hiện các hạng mục thuộc dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh. Xem xét tạm dừng công tác thanh toán hợp đồng đối với các nhà thầu này để đảm bảo việc xử lý, khắc phục khi xác định được nguyên nhân, trách nhiệm của các bên.

Để khắc phục sự cố, hướng giải pháp sơ bộ mà Ban Giao thông đưa ra là tại 4 bó cáp dự ứng lực bị đứt, sẽ dùng cáp giằng tạm và cáp giằng thay thế.

Liên quan đến vấn đề thiệt hại, số tiền sửa chữa và thời gian khắc phục, hiện ngành giao thông thành phố vẫn đang họp bàn để đưa ra thông tin cụ thể, chi tiết sau khi đo đạc khảo sát toàn bộ hư hỏng của cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.