Thị trường

Sử dụng chất tăng trọng nuôi heo kiếm lợi khủng cỡ nào?

03/03/2016, 18:23

Nhập chất tăng trọng chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/kg nhưng bán ra có thể lên tới hơn chục triệu đồng/kg

chat-tao-nac 1.
Chất tăng trọng mang lại siêu lợi nhuận cho người bán và ngươi sử dụng trong chăn nuôi

Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết Đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, diễn ra sáng nay 3/3, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết: Từ đầu 2015 tới tháng 2/2016, đã phát hiện có 326/6.166 mẫu rau quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép; 106/5.433 mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép; 834/5.433 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; 397/5.048 mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm vượt giới hạn cho phép.

Đáng chú ý, theo ông Hào, việc kiểm tra, lấy mẫu và xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mới chỉ diễn ra ở 35 tỉnh, thành phố (theo báo cáo gửi về Cục), việc phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm tại các địa phương còn rất hạn chế. "Tỷ lệ mẫu tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm và vượt ngưỡng cho phép trong thủy sản nuôi tăng so với 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi đã đến mức báo động, ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng cũng như khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh trong xuất khẩu", ông Hào nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, thời gian vừa qua, Thanh tra Bộ đã phối hợp với C49 Bộ Công an tổ chức thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm. Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý 13 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có chất cấm. Kết quả trinh sát đã phát hiện nhiều vi phạm ở nhiều tỉnh/thành phố như PC49 tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, bắt giữ 6 tấn thức ăn chăn nuôi của Công ty Thiên Nam (ở tỉnh Bắc Ninh), được gia công tại Công ty TNHH Hải Thăng, có chứa salbutamol (chất tạo nạc) cao hơn ngưỡng cho phép là 63 lần. PC49 và Thanh tra Sở NN&PTNT Điện Biên đã kiểm tra một cơ sở kinh doanh TACN phát hiện 30 gói bột màu trắng loại 1kg, qua kiểm định phát hiện salbutamol có hàm lượng cao..

Ông Việt nhận định, tình trạng buôn bán sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bước đầu đã được ngăn chặn, tuy nhiên nguồn lợi từ những hành vi vi phạm trên rất lớn. Chính vì thế khi Bộ Y tế cho phép nhập về dùng làm thuốc cho người nhưng một số cơ sở đã lợi dụng tuồn bán ra ngoài.

"Riêng đối với chất tạo nạc, nhập về chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/kg nhưng bán ra có thể lên tới hơn chục triệu đồng/kg. Việc sử dụng chất cấm cũng mang lại lợi lớn, người nuôi cho một lợn ăn chất cấm có thể lãi từ 500.000-1 triệu đồng/con", ông Việt dẫn chứng.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo, trong 4 tháng tới cần phải triệt phá tận gốc vấn đề sử dụng chất kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi. "Giám sát tại lò mổ, trang trại là phần ngọn, từ đó  lấy thông tin truy ra nguồn gốc chất cấm từ đâu để lần ra các nhà máy sản xuất thức ăn, các công ty nhập khẩu và vi phạm quy định luật pháp về buôn bán chất cấm", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.