Góc nhìn

Sử dụng còi xe từ văn hóa đến chế tài

28/02/2016, 09:14

Xe cá nhân ngày càng phổ biến thì việc sử dụng còi xe thế nào văn minh luôn là chủ đề thời sự.

Sử dụng còi xe cũng cần văn hoá
Nhiều nước phạt nặng hành vi sử dụng còi không đúng mực

Xe cá nhân ngày càng phổ biến thì việc sử dụng còi xe thế nào văn minh luôn là chủ đề thời sự. Bởi vậy, xung quanh tiếng còi xe có rất nhiều câu chuyện, thậm chí có cả một văn hóa gọi là “văn hóa còi xe”.

Phạt khủng vì dùng còi xe vô tội vạ

Tờ Daily Mail nói về vụ Steven Milne bấm còi khi thấy một người đi bộ nói chuyện điện thoại phía trước mũi xe mình, theo phản xạ tự nhiên, Milne vừa phanh vừa bấm còi. Ngay lập tức, vụ việc đã “lọt vào tầm ngắm” của một cảnh sát và Milne bị phạt 30 bảng Anh (gần 1.000.000 đồng) vì hành vi “sử dụng còi không đúng mực”.

Steven Milne tức giận: “Tôi quá sốc trước hành động của cảnh sát. Một người đi bộ ngang nhiên nói chuyện điện thoại di động khi băng qua một con đường 4 làn xe, không thèm đếm xỉa tới xung quanh. Tôi đã phanh và dừng lại vì không muốn đâm vào anh ta. Tôi chỉ muốn cảnh báo. Tôi bấm còi 3 - 4 lần, đó không phải là hành động thái quá”.

Peter Wakeham - phát ngôn viên của Hiệp hội Giảm thiểu tiếng ồn thì cho rằng,  hành động của cảnh sát trong trường hợp trên là cực đoan: “Mọi người có thể xem tiếng còi xe là một sự phiền toái, song trong trường hợp này là rất cực đoan. Ai đó “lởn vởn” trước mũi xe bạn là rất đáng sợ. Chẳng có gì sai nếu dùng còi để cảnh báo trong trường hợp đó cả”.

Tuy nhiên, luật là luật. Tại Anh, theo quy định của Luật Giao thông Đường bộ thì việc vi phạm quy định sử dụng còi xe có thể bị phạt 30 bảng. Trường hợp của Milne vẫn có thể kháng cáo, nhưng nếu thất bại, mức phạt có thể tăng lên 1.000 bảng (hơn 31 triệu VND). Ngoài ra, việc sử dụng còi xe trong các thành phố bị cấm từ 23h hôm trước đến 7h hôm sau. Còi xe chỉ được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp và khi lưu thông trên đường cao tốc.

“Còi xe là một… con công đực”

Đó là ví von của Alex Suarez - người đứng đầu Chương trình Tâm lí học lâm sàng tại Đại học Antioch, Seattle (Mỹ). Trước đây, gia đình Suarez sống ngay cạnh một vòng xuyến giao thông đông đúc nhất thế giới tại TP Mexico. Cô kể, tiếng ồn thật khủng khiếp. “Một lần, tôi đếm được tổng cộng hơn 150 tiếng còi trong vòng 5 phút. Nhà tôi không bao giờ mở cửa sổ, bởi nếu mở ra, chúng tôi thậm chí không nghe nổi chính mình đang nói gì”, Suarez nói.

Jochen Barthel - một kỹ sư người Đức nói: “Tại Đức, bấm còi bị cấm, trừ khi có nguy hiểm và bạn muốn cảnh báo ai đó. Nhưng ở Thượng Hải (Trung Quốc), tất cả mọi người dùng còi…”.

Theo thống kê của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng thì, một chiếc còi xe ở châu Âu trung bình được sử dụng 10.000 lần, ở Trung Quốc, con số này là 400.000 lần.

Alex Suarez ví những chiếc còi xe giống như cái đuôi của một… con công đực và giải thích: “Con công đực xòe đuôi ra để mời gọi con cái, thế nhưng cũng chính vì bộ lông đẹp đẽ, nó bị hổ nhanh chóng phát hiện và ăn thịt”. Nói cách khác, còi là một phát minh của sự tiến hóa, nó là một… giải pháp cho một tình huống ngắn hạn của con người, song lại là một nét vẽ xấu xí trên bức tranh tổng thể về cộng đồng người chúng ta: “Vâng, chúng ta sẽ có nguy cơ bị “giết chết” (giống như con công đực bị hổ ăn thịt) bởi ô nhiễm tiếng ồn. Chúng ta phải chịu áp lực ngay cả khi dừng xe hay một điều gì đó tương tự. Nó thực sự không tốt cho chúng ta”.

Trung tá Thad Peterson, cảnh sát giao thông bang Michigan (Mỹ) đưa ra những ví dụ rất cụ thể cho văn hóa còi: “Bấm còi để cảnh báo người đi bộ: Hợp pháp. Bấm còi để chào hỏi người quen: Phạm luật. Bấm còi để bày tỏ sự tức giận vì một tài xế tạt ngang đầu xe bạn: Phạm luật. Bấm còi khi một lái xe dừng trước bạn không chịu di chuyển khi đèn chuyển sang màu xanh: Hợp pháp. Bấm còi khi bên đường đang có một cuộc biểu tình: Phạm luật”… Thậm chí còn có câu nói đùa như thế này: Ở Texas, tiếng còi đồng nghĩa với: “Vào đây, đánh nhau đi”.

Trong bài viết tựa đề “Văn hóa bấm còi xe” trên blog cá nhân, Gary Runn - một người từng sống ở Ấn Độ, Mỹ và Italia chia sẻ: Người Mỹ chủ yếu dùng còi để cảnh báo và khiếu nại. Họ chỉ bấm còi khi muốn nhắc người khác về sự nguy hiểm, thể hiện sự tức giận nếu người khác đang vi phạm Luật Giao thông hay có cách lưu thông… “không giống ai”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.