Hạ tầng

Sử dụng phương tiện cá nhân quá nhiều khiến mọi người trở nên lười biếng

28/11/2019, 21:50

Đây là chia sẻ của Giáo sư Michael Douglas, trường Đại học Singapore nói về tình trạng người dân sử dụng xe máy quá lớn tại Việt Nam.

img
Hiện nay nồng độ ô nhiễm không khí của TP.HCM cao gấp 10 lần so với Đức

Ngày 28/11, tại Bình Dương, Đại học Việt - Đức (VGU) phối hợp với Hiệp Hội nghiên cứu châu Á (AURA) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về đô thị hóa châu Á lần thứ 15, với chủ đề “Tương lai đô thị - Những chuyển biến quan trọng ở các đô thị châu Á”.

Đây là lần đầu tiên sự kiện này được diễn ra tại Việt Nam và là lần thứ 15 sự kiện được tổ chức (2 năm một lần từ năm 1985). Sự kiện nhằm kết nối các học giả, chuyên gia, nhà quản lý quan tâm gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình đô thị hóa ở châu Á. Hội thảo diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 27 đến 30/11.

Tại hội thảo, các học giả quốc tế và trong nước sẽ trình bày nhiều bài tham luận, với các chủ đề như: Biến đổi khí hậu và thích ứng ở đô thị; Quản trị đô thị có tính khả thi và nền tài chính đô thị bền vững; Thành phố thông minh và đáng sống; Quy hoạch và phát triển tích hợp; Chỉnh trang và tái phát triển đô thị....

Trao đổi với PV Báo Giao thông về tình hình giao thông đô thị của Việt Nam, Giáo sư Hans Joachim Linke, Viện trưởng viện nghiên cứu trắc địa, trường ĐH Kỹ thuật Darmstatd của Đức nhận định, giao thông Việt Nam đang phát triển mạnh về đường bộ, về lâu dài sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao. Do vậy cần phát triển thêm đường sắt.

Đánh giá về phương tiện xe cá nhân quá nhiều ở TP.HCM, ông Hans Joachim Link cho rằng, Việt Nam đang gặp sai lầm giống như nước Đức cách đây 40 năm phát triển đã quá tập trung vào phương tiện cá nhân. Xe máy dễ sử dụng, rẻ tiền nhưng hệ quả thì rất lớn. Hiện nay nồng độ ô nhiễm không khí của TP.HCM cao gấp 10 lần so với nước Đức.

img
Giáo sư Hans Joachim Linke, Viện trưởng viện nghiên cứu trắc địa, trường ĐH Kỹ thuật Darmstatd của Đức

Theo Giáo sư Hans Joachim Linke, ở Ấn Độ tình trạng ô nhiễm do khói bụi đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người quá nhiều. Từ những cảnh báo trên phải cho người dân thấy, ô nhiễm đang đến mức báo động, tạo ra hệ quả xấu đến sức khỏe con người, đồng thời đưa ra cho người dân những biện pháp thay thế như đáp ứng được nhu cầu giao thông công cộng để có thể loại bỏ được phương tiện cá nhân. Đây cũng là nội dung mà ông Hans Joachim Linke đang có dự án nghiên cứu về nồng độ bụi trên các tuyến đường chính của TP.HCM

Nhấn mạnh về việc làm thế nào để phát triển thành phố thông minh ở TP.HCM, ông Hans Joachim Link cho biết, trở thành thành phố thông minh có nhiều hướng để phát triển và tiếp cận. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ thay đổi liên tục, có thể năm nay phát triển thành phố thông minh theo định hướng đó nhưng hai năm sau thì câu chuyện đã thay đổi vì công nghệ thay đổi quá nhanh. Khi phát triển thành phố thông minh thì phải xem người dân có thực sự sẵn sàng sử dụng công nghệ đó không và người dân sẽ được lợi gì từ công nghệ đó nếu như họ thay đổi cách sử dụng.

Tương tự, chia sẻ về giao thông công cộng, Giáo sư Michael Douglas, trường Đại học Singapore cho rằng, cần phát triển hệ thống giao thông công cộng trong một thành phố đông đúc như TP.HCM. Về giao thông cộng cộng, có 3 loại hệ thống giao thông liên quan đến xe buýt, thứ nhất là loại xe kết nối với các chuyến dài và ít điểm dừng, đây còn gọi là hệ thống xe buýt nhanh. Thứ hai là hệ thống xe buýt ở trong thành phố và hệ thống xe buýt kết nối các vùng lân cận rất quan trọng.

“Tôi cảm nhận VN sử dụng phương tiện cá nhân quá nhiều khiến mọi người trở nên lười biếng. Ở Hà Nội, TP.HCM tôi bắt gặp nhiều người khi mua hàng vẫn ngồi trên xe máy. Đoạn đường rất ngắn nhưng hầu hết mọi người đều leo xe máy chạy”, ông Michael Douglas nói.

Theo Giáo sư Michael Douglas, điều quan trọng là chính phủ phải có phương thức tuyên truyền để thay đổi hành vi của người dân không phải chỉ chú trọng vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này có thể thay đổi được hành vi làm giảm kẹt xe, tạo ý thức cộng đồng tốt hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.