Thời sự

Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả

28/01/2017, 08:00

Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động.

7

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thị sát, kiểm tra cầu Ghềnh mới sau khi những chuyến tàu đầu tiên thông tuyến (Chụp ngày 26/6/2016) - Ảnh: Thể Trịnh

Chia sẻ với Báo Giao thông đầu năm mới Đinh Dậu 2017, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, một trong những nhiệm vụ lớn được Bộ ưu tiên triển khai thời gian tới là công tác cải cách hành chính với mục tiêu chuyển mạnh từ phương thức chỉ đạo, điều hành mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo và phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động của Bộ và các đơn vị trong ngành.

Cải cách không phải làm theo phong trào mà theo nhu cầu

Năm 2016 là năm đầu triển khai kế hoạch 5 năm 2016-2020, đồng thời cũng là năm đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới: “Kiến tạo - Liêm chính - Hành động và Phục vụ”. Cũng với phương châm đó, ngành GTVT tiếp tục đổi mới toàn diện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhìn lại một năm thực hiện nhiệm vụ, Bộ trưởng đánh giá thế nào về những kết quả này. Ông ấn tượng với điều gì nhất?

Năm 2016 là năm đầu cả nước triển khai, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII vào cuộc sống thông qua việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra cho ngành Giao thông là tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và hiệu quả; nâng cao năng lực và quản lý tốt hoạt động vận tải; giảm thiểu tai nạn giao thông; tăng cường hội nhập, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với tinh thần “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”, ngay từ đầu năm, toàn ngành GTVT - lĩnh vực luôn tiên phong “đi trước mở đường” - đã nhanh chóng bắt tay thực hiện nhiệm vụ với nỗ lực cao nhất và đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

"Có thể nói, việc huy động vốn phát triển kết cấu hạ tầng đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn phát triển. Việc sớm phá tan “cục máu đông” này đóng vai trò quyết định để chúng ta hoàn thành các mục tiêu lớn đề ra trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng.Cũng phải nói rằng, mọi khẩu hiệu sẽ chẳng có ý nghĩa gì, nếu nó không biến thành hiệu quả thực tế, có tác dụng hiện thực tới đời sống, xã hội và sự phát triển của đất nước, góp phần đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân."

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa

Tôi chỉ xin điểm qua một vài kết quả đó. Trước hết là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật - một trong những lĩnh vực quan trọng hàng đầu của quản lý nhà nước, liên tục trong nhiều năm, ngành GTVT luôn được đánh giá hoàn thành tốt chương trình công tác. Năm 2016, Bộ GTVT cũng hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án được giao; trong đó có nhiều văn bản quan trọng để triển khai thực hiện Bộ luật Hàng hải Việt Nam và hoàn thiện dự thảo Luật Đường sắt để trình Quốc hội.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được đẩy mạnh. Trong năm 2016, mặc dù nguồn vốn cực kỳ khó khăn, Bộ đã khởi công và hoàn thành khoảng 120 công trình, dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, góp phần tạo thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương và cả nước. Bộ GTVT cũng tập trung huy động thêm nhiều nguồn lực, ngoài vốn ngân sách, ODA còn đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa để tiếp tục đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông trong thời gian tới.

Một trong những lĩnh vực ngành GTVT có nhiều cố gắng trong năm qua là công tác tái cơ cấu vận tải tiếp tục được triển khai quyết liệt và đi vào chiều sâu. Đường sắt và đường thủy nỗ lực đổi mới, nâng cao năng lực khai thác để san sẻ gánh nặng cho đường bộ. Đặc biệt, đường thủy đã có bước tiến đáng kể, nhất là tuyến vận tải sông pha biển, chỉ sau 2 năm mở tuyến đã có hơn 900 doanh nghiệp tham gia, vận chuyển hơn 23 triệu tấn hàng hóa với chi phí rẻ hơn nhiều đường bộ. Lần đầu tiên Việt Nam có một hãng hàng không là Vietnam Airlines đạt được mức 4 sao của Tổ chức Đánh giá và xếp hạng hàng không SkyTrax. Lĩnh vực hàng hải, khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải đón hàng trăm tàu container siêu lớn (14.000 TEU, 166.000 DWT) với kỳ vọng sẽ trở thành cảng trung chuyển quốc tế của khu vực trong tương lai.

Đường sắt tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ trong việc phục vụ hành khách, nhất là công tác bán vé rất thuận tiện, có thể hoàn toàn thực hiện qua mạng, không phải xếp hàng chờ đợi; cải thiện chất lượng vận tải hàng hóa qua việc nâng cao tốc độ chạy tàu hàng; tăng cường vận tải hành khách tuyến ngắn; đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, doanh nghiệp bảo trì đường sắt và sắp xếp lại hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Lĩnh vực đường bộ năm qua cũng có nhiều cải thiện trong công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe, thí điểm cấp phép cho xe quá khổ qua mạng. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được Bộ chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, kết quả tai nạn giao thông năm 2016 tiếp tục giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp, sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015, năm 2016 ngành tập trung đẩy mạnh công tác quản lý nguồn vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp sau tái cơ cấu, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, bảo toàn và phát triển vốn, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp. Kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp như Vietnam Airlines, các Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Quản lý bay Việt Nam… tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Những nỗ lực, cố gắng nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Năm qua, ngành GTVT tiếp tục triển khai rất quyết liệt công tác này, với phương châm cải cách không phải làm theo phong trào mà làm theo nhu cầu, đòi hỏi chính đáng của cuộc sống. Từng ngành, từng lĩnh vực đã triển khai rốt ráo, loại bỏ được hàng trăm quy định của các thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà và tốn kém cho người dân, doanh nghiệp. Đây là nền tảng quan trọng để Bộ GTVT chung tay cùng với Chính phủ, các bộ, ngành hành động quyết liệt phục vụ nhân dân, vì sự phát triển đất nước.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số lĩnh vực bộc lộ bất cập, chưa đạt được như mong muốn. Tới đây, Bộ GTVT sẽ có giải pháp gì để chấn chỉnh và thực hiện hiệu quả hơn, thưa Bộ trưởng? 

Bên cạnh kết quả nói trên, năm qua ngành GTVT vẫn còn lĩnh vực, công việc chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Đầu tiên là việc giải ngân một số dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện kế hoạch chung. Công tác quyết toán các dự án hoàn thành được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn một số dự án BOT chậm, ảnh hưởng đến tiến độ tính toán lại phương án tài chính và kế hoạch giảm phí cho người sử dụng. Vì thế, Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, không điều chỉnh thời gian hoàn tất việc quyết toán. Không hoàn thành việc này, chủ đầu tư, ban quản lý dự án coi như không hoàn thành nhiệm vụ. Bộ GTVT cũng ban hành tiêu chí đánh giá ban quản lý dự án, chủ đầu tư và yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải dồn sức cho công tác giải ngân, quyết toán dự án đã hoàn thành và phải làm chuẩn mực từng con số.

Trong thu hút đầu tư, mô hình huy động vốn xã hội hóa trước đây tuy đạt kết quả ban đầu nhưng cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong khi những giải pháp mới chưa phát huy hiệu quả dẫn đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách đang bị chững lại.

Một lĩnh vực cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa là công tác đảm bảo trật tự ATGT. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TNGT liên tục được kéo giảm, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Trong đó, số người chết vẫn ở mức trên 8 nghìn người. Cùng đó, ở nhiều địa phương, chỉ tiêu kéo giảm từ 5-10% TNGT vẫn chưa đạt được. Công tác kiểm soát xe quá tải dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn còn khoảng 10% lái xe, chủ xe tìm mọi cách để chở quá tải. Sau khi Kế hoạch liên ngành Công an - GTVT kết thúc, ở một số địa phương bộc lộ sự lúng túng, lơi lỏng trong quản lý, để xe quá tải bùng phát trở lại.

Thời gian tới, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các kế hoạch đảm bảo ATGT, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT và giám sát việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT; đồng thời xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn sắp tới để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kéo giảm TNGT đã được Quốc hội, Chính phủ giao.

Vận tải đường sắt không tăng trưởng, bên cạnh các nguyên nhân do sự cố sập cầu Ghềnh, bão lũ nghiêm trọng ở miền Trung thì ngành đường sắt phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện kinh doanh, khai thác vận tải.

Một lĩnh vực khác cũng bắt đầu bộc lộ nhiều khó khăn là công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Sau nhiều năm thực hiện quyết liệt, năm 2016 công tác này chậm lại. Đáng quan ngại là sau khi cổ phần hóa, thoái vốn, một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động xây lắp, mất đi bản sắc thương hiệu, doanh thu sản lượng giảm sút, đời sống người lao động gặp khó khăn. Tới đây, Bộ GTVT, Công đoàn GTVT VN sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và quan tâm hơn đến đời sống, việc làm của người lao động.

8
Lần đầu tiên tàu container có trọng tải 160.000 tấn với sức chở 14.000 TEU cập bến thành công cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) - Ảnh: Quang Khoa

Phải sớm phá tan “cục máu đông”

Với phương châm “đi trước mở đường”, những năm qua, ngành GTVT đã rất nỗ lực trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và thu được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề vốn cho đầu tư hạ tầng ngày càng khó khăn. Bộ trưởng có thể cho biết định hướng của ngành như thế nào để thực hiện các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông thời gian tới, nhất là việc triển khai hai dự án lớn là sân bay Long Thành và đường cao tốc Bắc - Nam, trong bối cảnh khó khăn này?

Ngành GTVT trong những năm qua rất nỗ lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và thu được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên so với nhu cầu phát triển đất nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn lực rất hạn chế. Trong khi vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ hạn hẹp, vốn ODA ngày càng giảm do Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, vốn từ tư nhân cũng ít dần do nguồn lực tài chính của doanh nghiệp trong nước có hạn, cộng thêm cơ chế chính sách còn bộc lộ nhiều bất cập.

Việc huy động vốn càng trở nên khó khăn gấp bội với các dự án có tổng mức đầu tư lớn, trong đó có dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường cao tốc Bắc - Nam. Đây là những công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với ngành GTVT mà cả đất nước trong những năm tới. Đối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hiện chủ trương đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Việc triển khai dự án này là yêu cầu cấp thiết để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bộ GTVT đã tổ chức thi phương án kiến trúc nhà ga và lấy ý kiến của nhân dân, các chuyên gia trên cả nước để có những góp ý tốt cho các đồ án này. Còn với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, việc đề xuất đầu tư phù hợp với chiến lược và các quy hoạch chuyên ngành GTVT được Thủ tướng phê duyệt. Lựa chọn đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP.HCM trong giai đoạn trung hạn 2016-2020 là rất cấp bách. Khi dự án hoàn thành sẽ đem lại hiệu quả rất lớn đối với phát triển kinh tế của hành lang Bắc - Nam nói riêng và cả nước nói chung, tạo ra dịch vụ giao thông có tính cạnh tranh cao bởi rút ngắn thời gian đi lại và chi phí thấp hơn các tuyến đường bộ khác, đem lại hiệu quả, tiện lợi và an toàn cho các chủ phương tiện.

Có thể nói, việc huy động vốn phát triển kết cấu hạ tầng đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn phát triển. Việc sớm phá tan “cục máu đông” này đóng vai trò quyết định để chúng ta hoàn thành các mục tiêu lớn đề ra trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng.

Bộ GTVT đã và đang có những nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng, trong đó sẽ huy động từ nhiều nguồn khác nhau, từ vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước, ODA, vốn của doanh nghiệp, huy động vốn xã hội hóa, kể cả từ nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài... để đảm bảo đủ nguồn lực triển khai đầu tư.

Từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo và phục vụ

Mỗi năm ngành GTVT đều chọn một chủ đề làm kim chỉ nam hành động. Năm 2017, chủ đề nào sẽ được Bộ GTVT ưu tiên lựa chọn, thưa Bộ trưởng?Bộ trưởng có thể cho biết kế hoạch và các giải pháp cụ thể để triển khai tốt nhất chủ đề này?

Năm 2017 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2016-2020. Chính vì vậy, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành khẩn trương triển khai ngay Kế hoạch đầu tư công trung hạn vừa được Quốc hội thông qua với mục tiêu là cấp vốn cho đúng dự án, thi công đúng tiến độ, đạt chất lượng và hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành thủ tục báo cáo Quốc hội về chủ trương đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam, trong đó ưu tiên là tập trung xây dựng các phương thức huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước có hiệu quả...

Trên cơ sở đánh giá kết quả tái cơ cấu trong giai đoạn vừa qua, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các phương thức vận tải theo hướng phát huy hơn nữa lợi thế của loại hình vận tải có năng lực chuyên chở lớn, chi phí thấp mà Việt Nam có lợi thế như đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải. Việc này gắn liền với tái cơ cấu đầu tư phát triển giao thông vận tải, trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành là tham mưu cho Chính phủ và định hướng cho các địa phương một cách chính xác về việc ưu tiên thực hiện các dự án, công trình mang tính kết nối liên vùng, hỗ trợ cho việc tái cơ cấu các phương thức vận tải, hay nói cách khác là sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả hơn nữa nguồn lực hạn hẹp mà ngành có trong tay. Một nhiệm vụ lớn nữa được Bộ ưu tiên triển khai trong năm qua là công tác cải cách hành chính với mục tiêu nhằm chuyển mạnh từ phương thức chỉ đạo, điều hành mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo và phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động của Bộ và các đơn vị trong ngành.

Đây đều là những nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo, chủ động của từng tổ chức, cá nhân trong ngành GTVT chúng ta.

Vì lẽ đó, tôi cho rằng chủ đề của ngành GTVT năm 2017 là “Phát huy truyền thống đi trước mở đường, tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, quyết liệt hành động vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp” sẽ phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và những mục tiêu, nhiệm vụ mà chúng ta theo đuổi.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng mọi khẩu hiệu sẽ chẳng có ý nghĩa gì, nếu nó không biến thành hiệu quả thực tế, có tác dụng hiện thực tới đời sống, xã hội và sự phát triển của đất nước, góp phần đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.Với tinh thần đó, tôi mong rằng, năm 2017, ngành GTVT sẽ tiếp tục thu được những kết quả toàn diện hơn nữa, khắc phục những khó khăn, yếu kém của năm vừa qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Nhân dịp đầu năm mới, Bộ trưởng có thể chia sẻ đôi điều với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành và bạn đọc Báo Giao thông?

Từ những ngày đầu được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Bộ Giao thông công chính, hơn 71 năm qua, các thế hệ người lao động ngành GTVT luôn nỗ lực thực hiện lời dạy của Người: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”.

Thay mặt tập thể Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ GTVT, tôi mong muốn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành luôn trân trọng, biết ơn quá khứ bằng hành động cụ thể, trong từng công việc hàng ngày, đồng thời ra sức phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, ở bất kỳ giai đoạn nào, thời điểm nào, dù khó khăn đến mấy cũng luôn thể hiện là những người tiên phong “đi trước mở đường”, không phụ công lao, xương máu của các thế hệ cha anh.

Qua Báo Giao thông, tôi xin gửi lời chúc đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành GTVT một năm mới 2017 thành công và nhiều thắng lợi mới.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.