Giáo dục

Sự khác biệt “1 trời 1 vực” trong nuôi dạy con cái của người Trung Quốc và Nhật Bản

13/08/2020, 01:00

Người Nhật có cách dạy con rất đặc biệt, chú trọng đến 2 điều: thời gian và tiền bạc, rất đáng để chúng ta học hỏi theo.

Từ Tịnh Ba là một phóng viên Trung Quốc thường trú tại Nhật Bản. Ông đã sống ở Nhật Bản hơn 2 thập kỷ, nghiên cứu rất sâu về con người nước này. Khi so sánh về mối quan hệ con cái và cha mẹ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ông nhận thấy có 2 sự khác biệt lớn đó là về tiền bạc và thời gian.

Nói một cách đơn giản, trong gia đình của người Trung Quốc “tài sản của cha mẹ chính là của con cái”. Thế nhưng, trong gia đình người Nhật “tài sản của cha mẹ không nhất thiết sẽ là của con cái”

Sự khác biệt về tiền bạc

Có lẽ trong cuộc sống, không ít lần chúng ta sẽ bắt gặp những câu nói như: “Cha mẹ làm việc vất vả hằng ngày không phải là vì tương lai của con hết sao”. Trẻ sẽ suy nghĩ gì khi nghe câu nói này, có lẽ chúng sẽ cho rằng: “Mọi thứ cha mẹ có, trước sau gì cũng thuộc về mình”.

Tại Trung Quốc, sẽ không quá khó khi bắt gặp cảnh cha mẹ lo cho con cái từ A-Z. Học mẫu giáo cũng phải chọn trường tốt nhất, họ không ngần ngại bán nhà để đầu tư cho con cái ăn học.

Thậm chí sau khi tốt nghiệp còn nhọc công tìm việc cho con. Con cái không kết hôn được, họ sẽ người mai mối hết chỗ này tới chỗ khác. Sau đó, họ dành dụm tiền bạc cho con cái mua nhà, rồi chăm sóc cháu của mình. Cuộc đời của họ là một chuỗi ngày dài hy sinh vì con cái đến cuối đời.

img

Tại Trung Quốc, sẽ không quá khó khi bắt gặp cảnh cha mẹ lo cho con cái từ A-Z. Ảnh: Mamastar

Còn ở Nhật, tại một số thành phố lớn như Tokyo, ngoại trừ người nổi tiếng và người giàu, rất ít người cho con cái mình theo học trường tư, hầu hết trẻ ở đây đều theo học trường công gần nhà.

Khi đến ngày tuyển sinh đại học, học sinh sẽ tự bắt xe buýt, tàu điện hoặc tự đạp xe tới trường. Sau khi tốt nghiệp thì họ cũng tự chủ động tìm kiếm việc làm, cha mẹ dù có mối quan hệ cũng vô ích.

Việc hẹn hò ở Nhật cũng thú vị. Cha mẹ hiếm khi can thiệp vào chuyện hôn nhân của con cái. Người trẻ sẽ tham dự những buổi mai mối hoặc nhờ đến các công ty chuyên về dịch vụ này.

Sau khi cưới, cha mẹ cũng không bao giờ chuẩn bị sẵn nhà cho con cái. Theo một cuộc khảo sát tại Đại học Tokyo, tỷ lệ thanh niên 20-30 tuổi sau khi kết hôn sẽ thuê một căn hộ để ở chiếm 85%, 10% sống trong ký túc xá hoặc với bố mẹ, 5% còn lại sẽ mua nhà bằng tiền của mình.

Sự khác biệt về thời gian

Ngoài sự khác biệt rất lớn về chuyện tiền bạc, quan điểm nuôi dạy con cái về thời gian giữa Trung Quốc và Nhật bản cũng rất trái ngược nhau.

Ở Nhật Bản, khi một đứa trẻ được sinh ra, cha mẹ sẽ tự lo liệu mọi thứ mà không nhờ sự giúp đỡ của ông bà. Việc nuôi dạy con cái là của cha mẹ chứ ông bà không bao giờ can thiệp vào. Vì vậy, rất nhiều trường hợp phụ nữ sau khi kết hôn sẽ nghỉ việc, toàn tâm toàn ý lo cho gia đình của mình.

Tại các trường mẫu giáo và tiểu học ở Nhật Bản, mỗi khi tan học, hiếm có cảnh ông bà tới đón cháu, đa số đều là người mẹ. Điều này có nghĩa là ông bà không chịu trách nhiệm nuôi dạy thế hệ thứ 3.

Khi bước vào tuổi già, họ sẽ trồng hoa, đi du lịch, chụp ảnh, tham gia các hoạt động cộng dành cho người cao tuổi. Con cháu không thể “cướp” đi khoảng thời gian nghỉ hưu của ông bà mình được.

Điều đặc biệt là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ở Nhật thường mang sắc thái lịch sự và tôn trọng, không có kiểu thân mật và thích can thiệp sâu vào cuộc sống như của cha mẹ Trung Quốc.

img

Ở Nhật Bản, khi một đứa trẻ được sinh ra, cha mẹ sẽ tự lo liệu mọi thứ mà không nhờ sự giúp đỡ của ông bà.

Khi có con cái, người mẹ buộc phải nghỉ việc, ở nhà nội trợ, tập trung nuôi dạy con cái, người cha lúc này đóng vai trò chính đi làm kiếm tiền nuôi cả gia đình. Nếu một đứa con đến tuổi trưởng thành mà vẫn sống với cha mẹ mình, họ sẽ bị hàng xóm chê cười và xem đó là điều “không thể tin được”.

Hầu hết người trẻ ở Nhật đều tìm kiếm công việc xa nhà, tách rời vòng tay cha mẹ và tự lập hoàn toàn. Thỉnh thoảng vào một số dịp đặc biệt như các ngày nghỉ dài, họ sẽ về thăm cha mẹ mình.

Điều khiến không ít người ngạc nhiên nhất là có một số người già ở Nhật Bản sẵn sàng trở thành người vô gia cư, thay vì tìm kiếm con cái mình để nhờ sự giúp đỡ. Họ sợ rằng mình sẽ trở thành gánh nặng cho con cái. Tuy không có nhiều trường hợp như vậy, nhưng nó vẫn tồn tại trong xã hội Nhật Bản.

Trong khi đó, cha mẹ Trung Quốc truyền thống hầu như đều dành cả quãng đời của mình sống bên cạnh con cháu. Họ cho con cháu tất cả những gì mình có và hy vọng khi về già sẽ nương tựa được. Đặc biệt, người Trung Quốc quan niệm phải sống cùng với con trai và chúng chịu trách nhiệm lo cho cha mẹ khi về già.

Khi về già, cha mẹ Trung Quốc ở cùng với con mình, họ sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng cháu, để con trai và con dâu tập trung đi làm kiếm tiền. Mặc dù tuổi đã già, nhưng không ít người có khái niệm nghỉ hưu mà vẫn phải lo lắng cho con lẫn cháu.

Đặc biệt, họ luôn can thiệp vào vấn đề nuôi dạy con cái của con mình, điều đó gây ra không ít những bất đồng trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu.

Thật khó có thể nói rằng mối quan hệ gia đình Nhật Bản hay Trung Quốc là tốt hay xấu. Vì điều này còn còn tùy thuộc vào nền tảng xã hội, lịch sử, văn hóa, thậm chí là ảnh hưởng của môi trường.

Đối với con cái, dù là được nuôi dạy dưới môi trường nào đi chăng nữa cũng đều không nên quá lệ thuộc vào cha mẹ của mình. Muốn có được hạnh phúc, họ nên tự bản thân chiến đấu, nỗ lực, vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.

Rõ ràng, cha mẹ nên có thời gian và không gian riêng cho bản thân, con cái không nên chiếm quá nhiều thời gian của họ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.