Doanh nghiệp

Sứ mệnh phát triển kinh tế vùng của PVN

14/11/2018, 09:02

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) luôn nhận trách nhiệm phát triển kinh tế các vùng, địa phương khó khăn.

13

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Vực dậy các tỉnh nghèo

Tính tới nay, hàng chục dự án, nhà máy công nghiệp của ngành Dầu khí đều được đặt ở những “vùng trũng” của nền kinh tế đất nước. Trong đó, không ít dự án là hạt nhân góp phần vực dậy kinh tế địa phương. Đơn cử như trước khi có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (BSR), Quảng Ngãi là một trong số các tỉnh có số thu ngân sách thấp nhất khu vực miền Trung. Khi có công trình dầu khí, tăng trưởng kinh tế tại Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả vượt bậc. Cụ thể, GDP của toàn tỉnh năm 2005 đạt 11,7% với nguồn thu ngân sách chỉ đạt 500 tỷ đồng nhưng đến năm 2016 tổng thu ngân sách của Quảng Ngãi đã đạt 22,66 nghìn tỷ đồng, trong đó thu từ BSR chiếm hơn 90%. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ khẳng định: “20 năm qua, đóng góp của BSR cho sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ngãi là rất lớn. BSR đã giúp Quảng Ngãi chuyển mình từ một tỉnh thuần nông thành một tỉnh công nghiệp”.

Tương tự, Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau được hình thành đã đóng góp hàng năm gần 30% ngân sách cho Cà Mau, góp phần thay đổi diện mạo cho nền kinh tế của vùng. Gần đây nhất là dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đặt tại Thanh Hóa, với tổng vốn đầu tư lên tới 10 tỉ USD, tập trung hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư trên khắp thế giới. Kể từ khi dự án được triển khai đã nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt KT-XH địa phương, đối với từng gia đình tại đây.

14

Sản xuất phân bón tại Nhà máy Đạm Cà Mau

Góp phần giải quyết các vấn đề xã hội

Phát biểu tại buổi tọa đàm mới đây với chủ đề “Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển”, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cho biết, kể từ khi có chủ trương về phát triển khu công nghiệp Bắc Thanh Hóa - Nam Nghệ An, đặc biệt có sự đầu tư của ngành Dầu khí (dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn), không chỉ vùng Bắc Thanh Hóa mà Nam Nghệ An đã có sự thay đổi rõ rệt. “Trước đây, trong mùa giáp hạt, không năm nào tỉnh không phải cứu tế, đến nay toàn bộ vùng này đã trở nên rất sầm uất. Chính ngành Dầu khí đã đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế của vùng. Đây là sự khởi đầu cực kỳ quan trọng, làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội không chỉ một vùng, một tỉnh mà cả liên vùng, liên tỉnh”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, ngành Dầu khí đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước. Đó là đảm bảo được việc làm cho người lao động. Đi đôi với việc giải quyết việc làm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi ngành Dầu khí đòi hỏi trình độ kỹ thuật rất cao, các doanh nghiệp muốn hợp tác, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ phải đáp ứng yêu cầu về khoa học công nghệ, sự chuyên nghiệp, nhanh nhạy và nhân lực trình độ cao.

Với sứ mệnh đặc biệt trên, mặc dù trong 2 năm vừa qua là giai đoạn khó khăn nhất của ngành Dầu khí kể từ ngày đầu thành lập, thị trường không ổn định giá dầu suy giảm ở mức thấp và kéo dài, nội tại quá trình phát triển của Tập đoàn bộc lộ những khuyết điểm cần phải được hoàn thiện... nhưng ngành Dầu khí vẫn đóng góp 10% cho GDP của đất nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.